Gom lá cho mùa xuân

CÔ GIANG 28/01/2017 10:35

(Xuân Đinh Dậu) -Những người về hưu mà tôi gặp bảo rằng nhiều thành tựu hôm nay không thể có nếu không có sự khởi đầu hào hứng và sáng tạo của ngày đầu tái lập tỉnh.

“Nhắc chuyện cũ à? Mình về hưu cả chục năm rồi, thôi đừng nêu tên, vì dù lý do gì cũng đã không chọn Tam Kỳ mà ở lại”. Anh công tác ở ngành y tế và có tên trong danh sách những người vào Quảng Nam 20 năm trước. Anh kể, sau ngày làm lễ rước đón cờ xí rộn ràng mừng vui thì thôi rồi là buồn. Vì thực chẳng có một chỗ nào có thể ra phố xá ngoài loanh quanh ngã ba Huỳnh Thúc Kháng và ngã ba Nam Ngãi là nhộn nhịp chút. Cái gì cũng bé mọn chút chút, đi mấy bước là hết thị xã. Nói quá lên nhưng thực là để dễ phác họa thị xã khi ấy nhỏ bé chừng nào. “Nhưng có quá nhiều điều cần phải làm cho nơi mình chọn xung phong. Nên mình đã dốc hết sức để làm việc và quên ngay những tẻ nhạt ấy” - anh nói.

Suốt quãng niên thiếu, trong hình dung của tôi và nhiều bạn bè ở bờ bắc Thu Bồn, Tam Kỳ là vùng xa xăm và sỏi đá - như vùng kinh tế mới Tây Nguyên. Năm 1997, mấy chữ “chia tách tỉnh” được nghe nhiều qua truyền thanh truyền hình, thì tên thị xã được nhắc đến nhiều hơn, hình dung rõ nét hơn. Năm 2000, lần đầu tiên tôi vào Tam Kỳ, suốt một quãng từ ngã tư cửa ngõ thành phố  - ngã tư An Hà bây giờ ngược ra đến tận Kỳ Lý là ruộng đồng mênh mông. Nửa đêm ra bến cầu Ông Trạng thả ghe hóng gió; hay ra Quảng trường 24.3 ngồi gom lá đốt, hồn nhiên như vườn nhà. Bây giờ là 2017, cũng đoạn đường ấy, là sin sít nhà cao tầng, khách sạn, trụ sở doanh nghiệp, showroom ô tô, bến xe… Muốn nhìn lau lách, phải rướn tầm mắt qua khỏi những hộp bê tông. Cha của bạn tôi, chọn đi Tam Kỳ vào ngày tái lập tỉnh ấy. Ông vào Sở Giáo dục nhận nhiệm vụ ngay. Rồi bầu đoàn thê tử vào sau. Ông nghỉ hưu, chọn ở lại Tam Kỳ. Con ông cũng chọn quay về Quảng Nam góp sức vào những công trình xây dựng mới. Và ông bảo, biết bao nhiêu người đã góp sức, như gom lá cho mùa xuân, để Quảng Nam nên hình dáng như hôm nay. Đâu có nhất thiết là khi xong nhiệm vụ, họ chọn ở lại Quảng Nam hay về Đà Nẵng để sống.

Bà Phạm Thị Minh Chiến (nguyên Bí thư Thị ủy Tam Kỳ ngày tái lập tỉnh) dù đã ghé vai gánh bao nhiêu nhiệm vụ, bao nhiêu toan lo le lói ngày cũ, bây giờ nhớ lại vẫn còn nguyên cảm giác ấm nóng ngày đón đoàn cán bộ, chiến sĩ vào tỉnh lỵ. Mấy năm đầu, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều trụ sở làm việc của thị xã khi ấy nhường lại cho tỉnh, anh em Tam Kỳ đi thuê nơi làm việc, túm tụm nhau, nhiều người nhường cả chỗ ở trọ. “Điều mà tôi mừng là hiện nay rất nhiều người trẻ chọn Tam Kỳ sinh sống. Hai mươi năm sau nữa, sức lực của họ sẽ khiến bất cứ ai từng tư lự về đất này phải ngạc nhiên. Như người ta ngạc nhiên khi nghe tin ai đó trúng độc đắc vé số điện toán vậy” - bà Chiến cười.

CÔ GIANG

CÔ GIANG