Ngã ba Quảng Nam
(Xuân Đinh Dậu) - “Thì nghĩ họ làm được, răng mình không làm được”. Ông Hai Phúc giọng thản nhiên. Tôi vừa từ nghĩa trang về. Người nhà mất, tôi vào Bảo Vinh A (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) viếng. Hỏi đứa em, lúc còn sống dượng có muốn chết thì về quê không, nó đáp không, với lại ở đây có nghĩa trang đồng hương Quảng Nam đó anh. Tôi ồ lên. Cô tôi nói, cách đây 20 năm rồi, mỗi người chung 25 ngàn đồng mua đất, chứ bây giờ một cái huyệt là 6 triệu đồng. Mình có chỗ ở đó rồi, khỏi lo.
Đường về Long Khánh. |
Nghĩa trang bề thế, xây ngang hàng thẳng lối, các bậc lão thành, cựu trào được chừa cho một khoảnh gần đường đi nhất. Tôi ngó qua, kẻ ở Đại Lộc, người ở Điện Bàn, kề cạnh nhau như họp đồng hương. Bạn tôi nói, tới ngã ba Phúc ở thị xã Long Khánh, là “dính chấu” ngay dân Quảng Nam. Giọng quê đặc sệt, ông Hai Phúc nói bác về quê mỗi năm mấy lần, ở Cây Thị - Đồng Tràm – Quế Phú chứ đâu. Kể một lát, thì ra em gái ông là bạn má tôi, còn ông học với cậu ruột tôi hồi tiểu học năm 1950 ở Cây Thị. Ông tên thật là Đinh Hùng Tráng, thường gọi là Phúc. Năm 1963, ông vô đây chơi, thấy làm ăn được, quê nhà lúc đó bom đạn tơi bời, nên về dắt vợ con vô luôn. “Ngã ba Phúc là cái tên do người ta đặt.
Lúc đó có mình bác ở đó, chỗ đó có bốt canh, bác dựng cái chòi bán tạp hóa, kẻ đi qua, người đi lại, ai muốn hỏi thăm ai ở đây thì hỏi bác, lâu ngày người ta kêu riết thành quen”. Ngay ngã ba đó, bây giờ có hiệu buôn bà Phúc, ông bà để lại cho con gái đứng bán. “Cách đây hơn 20 năm, bác làm ở xí nghiệp, có mấy ông lãnh đạo quê miền Bắc hay đi họp đồng hương, bác nghĩ họ xa xứ có đồng hương, răng mình không có? Bác hỏi nhà thơ Thu Bồn là lập hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng ở Long Khánh được không? Ông Thu Bồn nói không ai cấm, chẳng ai cho, anh ưng cứ làm. Rứa là bác lập, gồm các thôn Bảo Vinh, Ruộng Hời, Ruộng Lớn”. Dân Quảng Nam - Đà Nẵng ở đây, đến bây giờ đã gần 600 hộ với hơn 2.200 nhân khẩu - một con số không nhỏ chút nào. “Ừ, to bự chảng chứ nhỏ chi - ông Sáu Tuyết quê cũng Đồng Tràm (Quế Phú, Quế Sơn) lên tiếng - áp đảo đó mi, ngó quanh quê mình hết”.
Dân từ ngoài Quảng chạy vào đây theo nhiều đợt: Sau khi Ngô Đình Diệm ban hành luật 10/59; bên Tánh Linh - Thuận Hải, ác liệt quá, chạy qua năm 1970 - 1971; năm 1978, bên Mộc Hóa, Kiến Tường ở Long An bị Pôn Pốt tấn công, chạy dạt xuống; bà con ở quê đi kinh tế mới sau giải phóng… Họ đồn đất Long Khánh dễ làm ăn nên tụ hội lại, thành một… ngã ba Quảng Nam ở xứ này. Giọng người già trầm ngâm, nhưng tôi đọc ở đó chút toại nguyện, khi quê nhà bây giờ là nỗi nhớ, dẫu đi về không khó, nhưng về luôn, nào có dễ. “Bà con xa xứ, ra đi, khó về, mình lập hội cho gần gũi nhau, nương tựa lúc khó khăn, hoạn nạn, khuyến khích giúp đỡ con cháu, giữ gìn truyền thống quê nhà. Như dượng mi đó, khi qua đời bà con xúm vô giúp. Hội đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng là tiếng tăm, tau đã ra Hà Nội dự thi đua khuyến học toàn quốc rồi đó. Mỗi năm hội họp một lần vào ngày 29/3, thông báo tình hình năm qua, trao quà cho học sinh, thăm hỏi nhau. Mình mạnh vì dân mình đoàn kết, tình nghĩa, quỹ hoạt động lại có gần mấy tỷ đồng. Nói vậy chứ đâu phải dễ làm”. Không dễ chút nào, khi bây giờ cá nhân hóa đã len về nông thôn đến từng ngõ ngách. Và nói như kiểu sách vở, hoàn cảnh điển hình sẽ sinh ra tính cách điển hình, ở quê người, ta thấy cô quạnh, tự các tín hiệu ngôn ngữ sẽ tụ hội về, người Quảng xa quê sẽ tìm đến nhau, để thấy quê nhà nồng ấm trong cốt cách, giọng nói... Tụ hội khó, nhưng giữ hội còn khó hơn, nếu không phải vì cái tình cao ngất là trên hết, thì khó bền. Nhìn mấy ông già lui tới coi ngó bày vẽ đám tang, bất luận sáng sớm hay tối mịt, mới thấy tình quê đậm đà ra sao.
Và đánh chết nết không chừa. Tôi ngồi một chút, nghe một ông ở Đại Lộc nói chuyện với một ông dân Tây Sơn - Bình Định, nói về chuyện chịu khó làm ăn, chuyện số phận con người, quy cho cùng, do trời định. Ông dân Bình Định hùng biện lắm, nói một hơi, “đó, ông chưa nghe thơ hả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Ông kia ngoác miệng ngó lên trời cười rần rần: “Sức con khỉ, ông trồng khoai, cầu trời mà trời không mưa, nắng cháy từ đầu đến cuối vụ, thì ăn cho hết, ở đó mà sức người sức heo”. Cả bàn cười rân. Một đứa chen vô: “Con nói bác rồi, Tây Sơn giỏi võ đánh lộn, chứ cãi lộn ở đây là rớt đài liền”. Bạn tôi dân Duy Xuyên, nổi tiếng hài hước, nói: “Ngoài chuyện lập nghĩa trang cho xúm xít quê nhà, thì có chuyện, là mấy ổng nói thôi mình mua miếng đất to, chứ mấy bà già chết, chôn chỗ người xứ khác, mấy bả cãi lộn họ ngủ không được, kiện cáo phiền phức…”.
Ơi ngã ba Quảng Nam, từ chợ Trung tâm Thương mại Long Khánh, chạy mấy phút là tới…
MỘC MIÊN