Khởi sắc y tế cơ sở
(QNO) - Các trạm y tế trên địa bàn tỉnh ngày càng được đầu tư chu đáo, tạo thuận tiện trong chăm sóc sức khỏe của người dân ở cấp cơ sở.
Trạm Y tế xã Tam Đại (huyện Phú Ninh) trông rất khang trang, kiên cố. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Ninh đã đầu tư 5 tỷ đồng để xây dựng, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng trạm y tế này trong năm 2016. Bà Nguyễn Thị Kỷ - Trưởng trạm Y tế xã Tam Đại phấn khởi: “Nay nhờ được đầu tư xây dựng rất hiện đại, mọi người dân đến khám, chữa bệnh đều yên tâm. Chúng tôi cũng được cấp trên tiếp sức bằng việc tăng cường bác sĩ mỗi tuần 2 buổi về khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn”. Tam Đại là một trong những xã khó khăn của huyện Phú Ninh. Trước khi phát động xây dựng nông thôn mới, Trạm Y tế xã đã xuống cấp trong khi trước đó các hạng mục đầu tư còn sơ sài. Từ khi được xây dựng rộng rãi, mới mẻ, tỷ lệ đăng ký bảo hiểm y tế để được khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã Tam Đại tăng cao, đến nay đạt 82%.
Bác sĩ tăng cường khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Tam An (Phú Ninh). Ảnh: VIỆT QUANG |
Trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 8 xã được đầu tư xây mới hoặc kiện toàn trạm y tế xã. Đó là các xã Điện Minh, Điện Phương, Điện Tiến (thị xã Điện Bàn), xã Tam Lộc, Tam Lãnh (Phú Ninh), xã Bình Định Nam, Bình Phú (Thăng Bình) và xã Đại Hòa (Đại Lộc). Trước đó, trong năm 2015, bằng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách tỉnh, vốn đối ứng của các địa phương, toàn tỉnh đã xây dựng mới được 6 trạm y tế xã, gồm Tam Dân, Tam Thái, Tam Đại, Tam Lộc (Phú Ninh), Bình Định Bắc (Thăng Bình) và Tiên Sơn (Tiên Phước). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã cải tạo, nâng cấp 8 trạm y tế xã, gồm Bình Chánh, Bình An (Thăng Bình), Duy Hòa (Duy Xuyên), Quế Xuân 1 (Quế Sơn), Tam Xuân 1 (Núi Thành), Duy Trinh, Duy Hòa (Duy Xuyên), Trà Dương (Bắc Trà My). Tổng kinh phí xây dựng, cải tạo nâng cấp hệ thống y tế cấp xã là hơn 22 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đã mua sắm trang thiết bị cấp cho các xã đủ tiêu chuẩn nông thôn mới gồm máy siêu âm, điện tim, một số trang thiết bị thiết yếu khác với nguồn kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Đồng thời, ngành y tế tỉnh đã bổ sung các bác sĩ cho 24 trạm y tế nhằm nâng cao nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân các địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế, trong thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND tỉnh, Ngân hàng Thế giới, Quảng Nam đã kiện toàn các trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cũng như đầu tư nâng cấp Phòng khám Đa khoa khu vực Đông Phú (thuộc Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn), Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước. Hệ thống xử lý chất thải y tế cũng đã được đầu tư, đảm bảo không tác động xấu đến môi trường. “Ngành y tế đã đầu tư mạnh cả về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế cho các tuyến huyện, xã, chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của người dân. Ở các tuyến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hằng năm, các trạm y tế xã đã được xây dựng, cải tạo kiên cố, bố trí máy móc hiện đại để phục vụ sức khỏe nhân dân ngay tại chỗ. Có được kết quả trên là sự nỗ lực, cố gắng của ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh” - ông Hai nói.
Để các trạm y tế xã còn lại đạt chuẩn ra trong thời gian tới, Sở Y tế đã xây dựng từng mục tiêu và đưa ra những giải pháp cụ thể. Đến năm 2017, sẽ có 183 trạm y tế xã đạt chuẩn. Đến năm 2020, dự kiến sẽ có 195 trạm y tế xã đạt chuẩn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế sẽ được nâng lên, phấn đấu đến năm 2017 đạt trên 85%, đến năm 2020 sẽ đạt trên 90%, tiến tới đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân. “Sở Y tế sẽ lồng ghép các nguồn vốn khác nhau cũng như nguồn lực trong nhân dân, ưu tiên đầu tư phát triển nhân lực và cơ sở vật chất, trang thiết bị cho mạng lưới y tế tuyến xã, qua đó giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên” - ông Hai nói.
VIỆT QUANG