Mai kia, cảng cá Tam Quang…
(Xuân Đinh Dậu) - Ngày cuối năm, cảng cá Tam Quang chật ních tàu thuyền về bến. Không bao lâu nữa, khu vực này sẽ thành một đại công trường của dự án cảng cá và khu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Giải phóng mặt bằng
Khi chúng tôi nhắc đến dự án khu dịch vụ hậu cần nghề cá, ông Thân Trọng Hùng (người dân xã Tam Quang, Núi Thành) kể về những bất tiện lâu nay mà ngư dân đang phải “chịu đựng” sau mỗi chuyến biển. Theo ông Hùng, cảng cá Tam Quang đã trở nên quá tải và nhếch nhác trong những năm gần đây. Số lượng tàu thuyền ở địa phương gia tăng, cộng thêm nhiều phương tiện ở các xã lân cận về đây neo đậu, tiêu thụ sản phẩm khiến mỗi sáng khu vực cảng cá như “bầy ong vỡ tổ”. Nhà ông Hùng ở sát bến đò Tam Quang - Tam Hải, rất thuận tiện cho việc bán mua, dù hiện tại chưa phải di dời vì dự án khu dịch vụ hậu cần nhưng ông cho biết, sẽ sẵn sàng ra đi để nhường mặt bằng.
Tàu thuyền các nơi về cảng Tam Quang neo đậu, lấy nhu yếu phẩm cho chuyến biển mới. Ảnh: THẢO NHI |
Ông Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang) - chủ đội tàu lưới vây đánh bắt xa bờ gồm 3 chiếc với 45 lao động chủ yếu cập cảng Tam Quang sau mỗi chuyến biển để tiêu thụ hải sản. Ông cho biết mình bị thua thiệt vì giá hải sản không ổn định, bị phụ thuộc tư thương và phải tốn nhiều công sức trong quá trình neo đậu tàu thuyền, chuẩn bị hậu cần cho chuyến biển mới. Theo ông Tạo, ở Đà Nẵng, Phú Yên và nhiều nơi khác đã có chợ đầu mối hoặc cảng cá, trong khi 5 xã biển Núi Thành, tàu thuyền đánh bắt hải sản nhiều nhưng chỉ có 3 “đầu nậu” tư nhân thu mua hải sản. Họ câu kết với nhau và cả với những tư thương nơi khác để “làm giá”, ép giá ngư dân. “Chúng tôi thường bị tư thương ép xuống, có chuyến làm tôi mất đứt 100 triệu đồng. Nghe nói Nhà nước đầu tư khu dịch vụ hậu cần tôi rất mừng, mong cho dự án triển khai nhanh để ngư dân được nhờ” - ông Tạo nói.
Để thực hiện dự án khu dịch vụ hậu cần cảng cá Tam Quang, UBND tỉnh đã yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và UBND huyện Núi Thành đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư. Thời gian qua, địa phương đã ra quân tập trung tuyên truyền, lập phương án di dời người dân bị ảnh hưởng. Bà Huỳnh Thị Mỹ Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết: “Khu vực di dời bước đầu tại cầu cảng số 3 (thôn An Hải Đông). Nơi đây có 32 hộ thuê đất buôn bán các mặt hàng trong nhiều năm qua. khi thực hiện chủ trương xây dựng cảng cá Tam Quang và khu dịch vụ hậu cần nghề cá, đã có 28 hộ dân tự nguyện tháo dỡ công trình, lều quán để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện dự án”.
Hiện đại hóa nghề cá
Theo quy hoạch, cảng cá Tam Quang nằm ở vị trí khu vực bến số 3 (theo bản đồ quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai) thuộc thôn An Hải Đông và sẽ điều chỉnh lại thiết kế theo hướng từ bến liền bờ chuyển sang bến nhô xương cá, nhằm giảm quy mô, chi phí đầu tư và tăng lượng tàu thuyền vào neo đậu. Ranh giới cảng cá Tam Quang (giai đoạn 1) được xác định thuộc phía tây đường giao thông chính hiện nay và từ bến số 2 vào đến cây xăng Thảo Trinh; giữ nguyên vị trí chợ Tam Quang hiện tại nhưng quy hoạch, đầu tư xây dựng lại chợ mới đảm bảo quy mô lớn hơn, phù hợp với cảng cá loại I, trong đó quy hoạch đầy đủ phân khu chức năng và bố trí hợp lý các khu mua bán hải sản (ở phần giáp sông), các khu rau củ quả, hàng dân dụng và có bãi đỗ xe thô sơ cho người đi chợ; đồng thời quy hoạch bãi đỗ xe ô tô tại vị trí trước khu kho ngoại quan, thuộc phía bắc đường ĐT618. Trong quy hoạch cảng cá Tam Quang, sẽ dành phần lớn diện tích đất của Công ty Thủy sản Núi Thành (hiện nay do Nhà nước quản lý) để làm khu bến thu mua và tổ chức các dịch vụ trực tiếp phục vụ xuất nhập khẩu thủy sản gồm kho bảo quản, sơ chế thủy sản, cung cấp nước đá, xăng dầu, ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm cung ứng cho tàu cá.
Về lâu dài, tỉnh sẽ mở rộng phạm vi quy hoạch phát triển cảng cá Tam Quang về phía thượng lưu sông Trường Giang đến bến đò Tam Quang hiện nay nhằm đảm bảo quy mô của cảng cá loại I, phù hợp với thực tế phát triển đội tàu cá Quảng Nam và nhu cầu làm hàng của tàu cá các tỉnh, thành phố trong khu vực. Đồng thời kết hợp mở rộng không gian đường vào bến phà Tam Quang phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng tăng của nhân dân xã đảo Tam Hải, đảm bảo an toàn, kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết. Ngoài ra, theo quy hoạch sẽ xây dựng cụm công nghiệp và dịch vụ nghề cá có vị trí tại thôn Xuân Trung (xã Tam Quang), tập trung cho việc chế biến thủy sản, công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu cá. Khu neo đậu tàu cá tại khu vực luồng đã được nạo vét ở thôn Xuân Trung và tiếp tục thực hiện nạo vét về phía thượng lưu, đảm bảo độ sâu phù hợp để phục vụ nhu cầu neo đậu của các tàu cá sau khi cập bến bốc dỡ hàng tại cảng cá và neo đậu tránh trú bão trong mùa mưa…
Cảng cá Tam Quang đang được gấp rút xúc tiến đầu tư xây dựng, đây là bước đột phá cho nghề khai thác hải sản của Quảng Nam theo hướng hiện đại hóa.
VĂN PHIN - HÀ QUANG