Người Tr'Hy giữ rừng
Hướng mắt về phía núi, già Bling Ría nói rằng, đó là cả niềm tự hào của làng. Đối với họ, rừng là gia sản cha ông để lại, là thứ con cháu phải tiếp tục giữ gìn.
Con đường đặc quánh bùn đất đưa chúng tôi đến làng Abanh 1, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang, trong cái lạnh tê buốt của những ngày giáp tết. Ngôi làng lọt thỏm giữa bạt ngàn núi rừng. Nhìn chúng tôi co ro, hai tay xoa vội vào nhau truyền hơi ấm, già Bling Ría dẫn lên gươl làng để tránh gió lùa, rồi cười bảo: “Ở đây vậy đó. Nhiều khi còn lạnh hơn, thế này ăn thua gì. May là còn có rừng che chắn gió chứ không còn lạnh nữa”. Nói rồi già Ría rót chén chè nóng mời khách. Ông chỉ tay về phía núi nói với giọng đầy tự hào: “Đấy, gia sản của người Cơ Tu làng Abanh 1 đấy. Làng còn yên ổn là nhờ bao đời nay vẫn giữ được rừng, như giữ cho mình tấm khiên che chắn trước mưa gió” - già Ría bảo.
Cả 8 thôn ở xã Tr’Hy (Tây Giang) đều thực hiện nghiêm túc quy định của chính quyền, của làng về việc giao nộp cưa lốc. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Làng Abanh 1 có 22 hộ với 96 nhân khẩu, sống quây quần trên nền đất phẳng. Cuộc sống an yên cứ thế đi qua từ bao đời nay, dưới những tán rừng xanh thẳm. Họ giữ rừng như giữ chính cuộc sống của họ. Cũng có lúc, niềm tin đó tưởng chừng lung lay khi cơn sốt gỗ được đẩy lên đỉnh điểm, khi những cánh rừng thưa dần tán cây, dày thêm tiếng cưa máy và rồi lan đến Abanh 1. “Khi những người ở xuôi tìm lên săn gỗ quý. Một số người trong làng đã cùng họ vào rừng khai thác gỗ. Lúc đó chúng tôi họp làng, quyết tâm phải bảo vệ rừng như bao đời nay đã giữ” - già Ría kể.
Theo lời già Ría, chuyện bắt đầu từ khoảng 10 năm trước. Những cây gỗ giổi, táu, hương… dần ít đi khi lâm tặc săn lùng ráo riết. Nhiều người trong làng vì ham lợi cũng bị cuốn vào vòng xoáy ấy. Họ sắm cưa lốc, lén lút cùng đoàn người dưới xuôi len lỏi lên rừng tìm gỗ. “Không thể mất rừng. Vậy là họp làng. Ý tưởng tịch thu cưa lốc của những ai đang có được đưa ra. Dân làng giơ tay đồng ý. Thế là ra thêm quy ước, chỉ có ai sau khi lập gia đình dựng nhà ở riêng mới được lên rừng xẻ gỗ về làm. Nhưng cũng chỉ cho phép ở một khối lượng gỗ và loại gỗ nhất định mà thôi. Lúc đầu, vẫn có người lén lút khai thác nhưng làng phát hiện, đưa ra họp làng rồi bắt phạt nặng nên chẳng ai còn dám vi phạm. Gần 10 năm nay làng không còn ai bị phạt vì phá rừng nữa” - già Ría bảo. Để giữ rừng, làng Abanh 1 có cách làm khá đặc biệt là tạm thu máy cưa lốc của người dân, giao về cho già làng hoặc trưởng thôn quản lý, khi nào cần sử dụng, gia đình phải có đơn gửi lên làng, làng gửi lên xã rồi xã gửi lên huyện xem xét. Khi được cho phép mới nhận lại cưa lốc lên rừng tìm gỗ về dựng nhà.
Cách làm hay và độc đáo của dân làng Abanh 1 nhanh chóng được nhân rộng ra toàn xã Tr’Hy. Ông Zơrâm Hướp - Chủ tịch UBND xã Tr’Hy cho hay, toàn xã có 8 thôn thì nay đều đã thực hiện rất nghiêm túc quy định của chính quyền, của làng về việc giao nộp cưa lốc. Ông Pơ loong Ức - Trưởng thôn Dầm 1 khoe rằng, người của làng ông đã tự nguyện giao nộp 11 cưa lốc để làng, xã quản lý. “Người mình đã biết quý rừng rồi. Biết giữ rừng là giữ cho con cái mình sau này” - ông Ức nói. Tiếp lời trưởng thôn Ức, già làng Pơloong Yêu chỉ tay về phía đại ngàn đọc vanh vách tên của những khu rừng bao bọc quanh làng, được gọi theo tên của cha ông đi trước: Coong Dang, Ría Nhếch, Tơ Ngôl Dênh… Già Yêu bảo, mỗi khu rừng gắn với một cái tên của cha ông để nhắc con cháu mãi nhớ về nguồn cội, về những người có công lập làng, giúp làng có được như ngày hôm nay. “Giữ rừng chính là giữ truyền thống của làng, cũng là bảo vệ làng. Ai vi phạm, bị phạt nặng. Ngoài hình phạt của pháp luật còn phải chịu hình phạt của làng. Ở đây làng nào cũng thế” - già Yêu cười nói.
Vì vậy, Tr’Hy vẫn luôn có được sự bảo bọc của mẹ rừng hùng vĩ.
NGUYỄN DƯƠNG