Đi nghe mùi hương...

Ghi chép của LÊ QUÂN - VINH ANH 22/01/2017 09:03

Chúng tôi làm một cuộc hành trình vào những ngày tháng Chạp tất bật, chỉ để nghe, để ngửi một thứ hương ngọt ngào sâu đậm, mang tên: bánh trái quê nhà.

Quầy bánh quanh năm ở chợ Hội An. Ảnh: Lê Quân
Quầy bánh quanh năm ở chợ Hội An. Ảnh: Lê Quân

Và ở đâu, từ phố cổ rộn ràng du khách, đến những vùng quê yên ắng, mùa tháng Chạp luôn thúc giục mỗi người tìm về lại những thứ được gọi tên bằng “cội nguồn”. Ở đó, có những thứ mùi, thứ vị mà dầu người có đi đến bất cứ nơi nào, khi đất trời rục rịch chuyển giao hai mùa, lại bắt đầu nhưng nhức nhớ.

1. “Ăn một cái bánh nghe ngon nhức cả ký ức”, người bạn đường đi cùng bảo vậy, khi nhón tay lấy một cái bánh đậu xanh ươm vàng vừa đưa ra từ lò sấy. Ở ngôi làng này, ngay từ bước chân đầu tiên, đã nghe mùi thơm lừng lựng tỏa ra khắp mọi ngõ ngách. Và khi biết mình đang ở làng bánh in An Lạc (Duy Thành – Duy Xuyên), với những tiếng ầm ầm của máy xay bột, tiếng gõ lốc cốc của người thợ đổ bánh ra khỏi khuôn, mùi thơm nức mũi của nếp mới, đậu xanh vừa rang, là biết rồi khó lòng nào mình đi tay không rời làng. Bà Võ Thị Hoài, chủ cơ sở bánh in Kim Yến, người đã rất nhiều năm theo nghiệp này, cũng là người đàn bà lớn lên đã nghe thơm phức những mùi ngọt ngào khắp nơi, nói rằng, dù cuộc sống có hiện đại tới đâu, bánh ngoại nhập các loại rẻ tới mức nào, thì cái thứ bánh in truyền thống này vẫn luôn luôn có một chỗ đứng riêng. Bắt đầu từ tháng Chạp, mỗi ngày, cơ sở bà có thể sản xuất hơn 100 bịch bánh với số lượng hơn 1.000 cái bánh các loại. Bánh in nếp trắng, bánh in đậu xanh và bánh in nhiều màu sắc để thờ cúng. Làm bánh in quanh năm nhưng rộ nhất là mùa tháng Chạp. Với những nguyên liệu từ bột nếp, đậu xanh, đường cát, vani và quy trình cũng không mấy phức tạp như những loại bánh khác, nên người ở làng, cứ ai siêng thì làm được. “Đậu xanh bóc vỏ, rang vàng, xay nhuyễn thành bột. Bột nếp cũng làm tương tự, xong xuôi nấu đường cho tới đổ vào hỗn hợp bột nếp và đậu xanh. Sau đó, trộn hỗn hợp cho đều. Tiếp tục công đoạn bỏ vô khuôn gỗ, rồi in. In xong đem sấy” - bà Hòa nói. Đơn giản vậy, nhưng phải “có nghề” thì bánh mới không vỡ vụn, mới thơm với hương vị riêng.

Chỉ với cái khuôn in bánh, đã là bao nhiêu câu chuyện muốn kể cho người. Ông cụ Đinh Thẩm, người cả đời mê mải với mấy loại hoa văn, họa tiết này, giờ cứ rảnh là ngồi tỉa cái khuôn bánh, để các bà, các mẹ người Tam Thành (Phú Ninh), cứ vào tháng Chạp là tới nhà xin, hay mượn. Những hoa văn, họa tiết, nhìn vào đã thấy sung túc, đủ đầy và lẫn ấm áp. Bạn đường kể ở quê mình, ngày xưa để có mớ bánh tết cho nhà đông con, cực lắm. Mẹ phải nhồi bột đánh trứng từ hôm qua. Bột trứng dẻo nhẹo, cầm bàn chụp đánh mỏi nhừ tay, thì bột mới dậy, nở bung, rồi được đem đi nướng. Than rực dưới đáy khuôn bánh, rải ủ đều trên cái nắp bằng gang, cho hai mặt bánh vàng đều. Những mẻ bánh đầu hoặc khét quá hoặc chưa được vàng ươm như ý, là đám trẻ nít bu quanh lại chia nhau ra ăn. Ăn vậy mà cái mùi còn nhớ đến cả khi 28 tháng Chạp còn ở xứ người. Những miếng bánh vàng tươm, đều, thì mẹ bạn cắt giấy màu làm bao gói, để đêm trừ tịch dọn bàn cúng tổ tiên, rồi sáng mùng Một mới chia cho mỗi đứa mấy cái. Chạy loanh quanh trong xóm về, là lại tìm tới cái lu gạo của mẹ, ở đó, có bao nhiêu là bánh tết mẹ để dành.

2. Bây giờ, mỗi bận tháng Chạp sang, là người cứ muốn tìm lại những mùi hương xưa cũ đã từng ướp đượm vào da thịt mình. Như kiểu mùi gió sông hay hương khói đốt đồng trong tâm thức của kẻ nhà quê tha phương, mùi bánh cuối năm ở quê vẫn cứ ám ảnh mình. Lòng mở ra đến mênh mông ký ức ngọt ngào, những nhớ nhung chất ngất, lại thèm đến lịm người cái thức hàng mà chỉ đợi tới tết mới được “nhón”, như cái bánh in, bánh thuẫn của ngày xưa. Ở An Lạc chưa thỏa, bạn lại cùng mình tìm đến chợ Hội An – cái chợ mà khi nào cũng đầy vẻ của chợ tết. Đông đúc. Nhưng quan trọng hơn, lại luôn luôn có những thức hàng mà chợ quê hay chợ thị thành nơi khác chỉ có tết mới buôn. Bà cụ Vỹ, mấy chục năm ở chợ, chỉ toàn bán các loại bánh. Bánh đậu xanh ướt, đậu xanh khô. Bánh tổ, bánh tét, bánh chưng. Bánh nổ, bánh ít, bánh su-sê. Bà chỉ có mấy cái mủng kê bày một góc chợ, mà người nhìn vào lại cứ tưởng tượng bà cụ này đang gom cả mấy cái chợ quê kê vào chợ phố. Bà nói mình bán mỗi thứ hàng chưa tới hai chục cái. Nhưng cũng cực nhọc lắm, vì mấy loại bánh này, người ta chỉ mua về cúng giỗ, ít ai mua ăn. “Có mấy người ở trên Đại Lộc, họ làm bánh tổ bán quanh năm, không đợi chi tết. Họ chở xuống tận nơi cho mình bán” - bà Vỹ nói. Rồi cũng bà bảo, dù chợ có ế thì bà cũng không bán thứ khác, vì đã quen quá rồi. Mà cũng phải, bánh kẹo giờ trăm loại. Nhưng tháng Chạp thì khác. Tháng Chạp nhà nào cũng mua bánh tổ của bà, của bà cụ Hoa, bà cụ Bảy. Vì không thể thiếu món bánh đặc trưng này trên gian bàn thờ. Ở Hội An bây giờ, các vùng như Cẩm Hà, Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim, vẫn còn giữ cái lệ sau ngày 23 tháng Chạp là cả làng hùn nhau để làm bánh tổ. Mỗi giỏ bánh là sự thơm thảo đồng làng mà người ở quê chia sớt cho nhau. Có lá chuối, có nếp, có đường bát, mỗi nhà gom góp, để cái bánh nghĩa tình này là bằng chứng cho một mùa tết còn đó tình thân cộng đồng.

Chúng tôi tìm tới nhà cụ Nghĩa Ảnh, người đầu tiên làm bánh da lợn Hội An, và bây giờ cũng là người cuối cùng còn giữ cái lò bánh này. Bánh của nhà ông được chia khắp các quầy ở chợ, mỗi người một ít, ngoài bánh đậu xanh truyền thống thì có thêm sắc xanh đỏ của bánh da lợn để ra hàng quán cổ truyền. Ông cụ Nghĩa nói, vợ mình là người làm đầu tiên thứ bánh này ở phố cổ để bán, vì bà người gốc Hoa, được học lại ngón nghề từ mẹ. Bây giờ con gái bà tiếp tục làm, dù nó làm thì cũng chỉ là để duy trì nghề của mẹ mà thôi. Ngày tháng Chạp nghe một tiếng thở dài từ cụ ông từng chơi ảnh nức tiếng của phố Hội, để tiếc không phải vì một loại bánh đặc sản, mà tiếc cho lớp cháu con rồi sẽ chỉ nghe chuyện tết xưa qua những lời kể được mất của người già. Bây giờ, ngày nào Hội An cũng như tết. Cũng trò chơi dân gian bày ở nhiều góc phố. Muốn bánh mứt cổ truyền thì đơn giản lắm, vì người ta làm quanh năm. Ông cụ Nghĩa với cái gian nhà trên phố được chia làm hai phần, phía trước cho thuê buôn bán hàng lưu niệm, phía sau ông để bày biện máy ảnh hồi xưa. May thay, vẫn còn đủ chỗ gian trên cho ông để một cái tủ bánh nức tiếng Nghĩa Ảnh thưở nào.

3. Rồi hành trình của chúng tôi lại quay về phía nam của xứ Quảng, cũng với những làng bánh mứt đã bắt đầu rục rịch ngay từ đầu tháng Chạp. Ở Tam Kỳ, ngay trên phố Phan Đình Phùng có lò bánh chưng gia truyền của gia đình ông Đặng Ngọc Nhật. Ông Nhật vốn quê ở Thăng Bình, vào Tam Kỳ đã mấy chục năm, mang theo cả nghề gia truyền để mưu sinh. “Gia đình bác làm bánh chưng ở đây từ năm 1968. Các con bác cũng đã tách ra mở lò nấu bánh ở phường Hòa Hương. Ngày tết, hầu như nhà nào cũng mua vài cặp bánh chưng để cúng ông bà tổ tiên nên lò bánh nào cũng bận rộn hơn, nhưng vui hơn nhiều” - ông Nhật nói. Bên lò bánh chưng nghi ngút khói, không cần phải đến đêm 30, cảm giác tết đã tràn về. Chịu khó đi xa hơn một chút, ở làng Kim Đới (Tam Thăng), thương hiệu bánh chưng Kim Đới đã bày biện trên các quầy thực phẩm tết của siêu thị Co.op Mart. Nhiều khi, người ta lo thương mại hóa sẽ làm mất những mùi vị cổ truyền. Nhưng vẫn còn may, nhịp sống hối hả của phố phường đã kéo dài mãi những ngày vui của các làng nghề thực phẩm truyền thống. Cũng như, đã giữ cho cái hương vị bánh trái của xứ Hà Đông xưa còn thơm mãi đến những ngày sau, đưa đi xa tận những vùng miền cả nước. Hiệu bánh Thái Bình ở Trường Xuân với đủ mọi loại bánh thủ công truyền thống của xứ Quảng, như bánh dừa sấy khô, bánh đậu xanh ướt, bánh đậu xanh khô…, bây giờ đã dần dần thay cho những cái tên từng cố cựu trong tâm trí người Tam Kỳ xưa như Bảo Hương, Phú Nhuận.

Hốt nhiên chúng tôi cùng bật lên: Hay quá! Vì cái chặng hành trình tưởng khơi khơi này, hóa ra, lại dắt mình tìm về bao nhiêu thứ mùi vị trong ký ức, lại khiến mình như thơ trẻ. Vì tết, đâu chỉ là cái cớ để người ta tụ họp nhau. Tết là quãng lặng để lòng mình thanh sạch trở lại, phơi phới tâm hồn và long lanh ánh mắt, chờ đón mùa sang. Vì tết, là để nghe những mùi hương vọng về…

Ghi chép của LÊ QUÂN - VINH ANH

Ghi chép của LÊ QUÂN - VINH ANH