Một lần với Phnôm Pênh...
Chủ nhà hàng ăn nổi tiếng Komeas ở Siêm Riệp là một phụ nữ Nam Bộ, trước đây từng buôn bán hàng rong ở Phnôm Pênh. Chị nói với tôi: “Mai anh đi xuống Phnôm Pênh thì nên ghé vào chợ Việt Nam, sẽ biết người Việt mình ra sao, thôi thì đủ thành phần chẳng khác chi ở Sài Gòn. Còn muốn biết về đất nước này, thì hãy vào các sòng bạc…”.
Trước hoàng cung Phnôm Pênh.Ảnh: T.Đ.T |
Và tôi giã từ những đền đài Angkor của Siêm Riệp huyền bí để đi về qua ngả Phnôm Pênh…
Tôi từng biết, từ đầu thế kỷ 16 đã có một số người Việt ngược sông Mekong bằng ghe xuồng lên Campuchia làm nghề đánh bắt cá, trồng trọt. Do nội chiến, chiến tranh của các triều đình phong kiến Campuchia, Việt Nam và chính sách khai thác thuộc địa của Pháp, một số người Việt đã bị bắt sang Campuchia trồng cao su, một số sang làm ăn buôn bán và số ít làm công chức được điều sang… Tất cả họ đã hình thành cộng đồng người Việt Nam tại đây từ rất sớm. Sau khi hòa bình lập lại, giao thương đi lại thuận lợi, cộng đồng người Việt Nam càng đông thêm. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cộng đồng người Việt có khoảng hơn 100.000 người, sống rải rác hầu hết các tỉnh, thành phố của Campuchia, nhưng đông nhất vẫn là ở Phnôm Pênh, nơi có những khu phố, chợ Việt sầm uất, đồng thời cũng có nhiều người phải đi bán hàng rong, ở nhà thuê nghèo khó… với 65% trong số họ làm đủ các ngành nghề lao động chân tay nặng nhọc…
Tôi và nhóm bạn thuê một chiếc ô tô 15 chỗ ngồi rời Siem Riệp đi Phnôm Pênh từ sáng sớm. Để tới thủ đô Campuchia từ Siêm Riệp, chúng tôi mất hơn 6 tiếng đồng hồ vừa đi vừa dừng nghỉ qua hai tỉnh Kompong Thom và Kompong Cham theo hướng tây - đông với hơn 300 cây số. Đây cũng là các tỉnh quê hương của Pôn Pốt và Hunsen, một người gắn liền với tội ác Khmer đỏ trước năm 1979 và người kia là một thủ tướng cầm quyền cho đến ngày nay, thuộc hạng cầm quyền lâu nhất Đông Nam Á… Những cánh đồng bạt ngàn hai bên đường được điểm xuyết bằng mấy khu rừng thốt nốt xanh rậm và những bản làng thưa thớt trong mùa khô. Người ta bảo những cánh đồng này mỗi năm chỉ làm một vụ lúa tùy thuộc vào nguồn nước cung cấp từ hệ thống sông Tonle Sap và Biển Hồ, nhưng chất lượng gạo rất ngon nhờ giống và canh tác không dùng hóa chất trừ sâu… Thỉnh thoảng xe dừng lại ở một trạm đổ xăng hoặc bến xe ở ngoại ô Phnôm Pênh. Lập tức những người bán hàng rong với những xâu dế cơm xào dầu, những rổ đựng các loại côn trùng nướng như nhện, bò cạp thơm phức…
Đến Phôm Pênh vào buổi xế chiều. Sau khi lấy phòng, việc đầu tiên của tôi là phóng xuống phố và ghé vào một quầy cà phê. Tôi ngồi uống cà phê lề đường bên ngoài siêu thị Vina Mart, trên một đường phố nội thành Phnôm Pênh. Giữa những dòng người chen chúc mua sắm, quầy cà phê của vợ chồng chị H. đặt dưới một gốc cây. Chị nằm trên ghế nghỉ mệt và đứa con trai độ 10 tuổi phải “trực”… Trong lúc uống cà phê, một anh tên H., người Long An đến bán dạo các thứ linh tinh trên một tấm bảng gỗ đeo trước ngực như ta vẫn thường gặp ở các chợ Việt Nam. Ai mua gì bán nấy. Mỗi tháng tính ra kiếm được khoảng 4 - 5 triệu đồng Việt Nam, vừa đủ cho con ăn học và thuê nhà. Vợ anh H. cũng đi bán nước ngọt dạo trong chợ. Lại gặp cô gái tên L. ước chừng trên 30 tuổi, người gốc Trà Vinh đang đi bán các loại vé số của các tỉnh bên Việt Nam. Chồng cô L. cũng vậy. Mỗi kỳ xổ số hai người bán khoảng 600 tờ cho người mình. Vé mua của đại lý theo giá gốc, bán cao hơn khoảng 10% đến 15% để kiếm lời… Hai đứa con trai đi học một buổi, phụ cha mẹ bán vé số một buổi… Vừa kể chuyện mình, chị vừa khóc, bởi nhớ đứa con thứ 2 mới chín tuổi vừa bị bắt cóc cách đây nửa tháng, chưa thấy về, cũng không có tiền để đi tìm. Hai vợ chồng phải ở nhà thuê trong khu Việt Nam. Muốn về quê nhưng ở nhà cũng không có nhà, không có ruộng… Những người Việt nghèo khó như vậy dễ dàng gặp trên phố Phnôm Pênh chẳng khác nào gặp ở khu chợ Bến Thành, Bà Chiểu ở TP.Hồ Chí Minh…
Khu chợ Việt này nghe kể của một thanh niên gốc Hà Tĩnh có tên Campuchia là Sok Kha. Anh ta là một mẫu doanh nhân sinh sau 1975 và sang đây lập nghiệp gần 10 năm trước. Người hướng dẫn của tôi - tên Phuont, dân Campuchia, có cha mẹ là giáo chức bị sát hại dưới thời Pôn Pốt - còn nhắc đến một nữ doanh nhân khác tên Phương Dung, là chủ siêu thị Anana và nhiều đất đai gần sân bay Pochentong. Cả hai siêu thị của thế hệ Việt kiều mới này đều kinh doanh các mặt hàng điện tử, thiết bị văn phòng và nhiều loại hàng tiêu dùng đa dạng khác nên luôn tấp nập người mua… Phuont kể rằng, khi mới sang đây, họ đều chỉ có một số vốn không đáng kể, làm các nghề thủ công, mở các sạp buôn bán tạp hóa nhỏ rồi tích góp dần lên… Cũng phải kể thêm là họ đều gắn bó chặt chẽ với thị trường tại Sài Gòn để lấy hàng hóa và cả thông tin để mở mang kinh doanh… Ngay tại những con đường nhỏ trong khu phố Việt, cũng dễ nhận ra những cửa hàng, tiệm buôn treo bảng tiếng Việt và làm ăn khấm khá. Phuont cười bảo với tôi: “Người Việt rất giỏi làm ăn, em muốn học tập, nhưng khó lắm. Họ không bao giờ cho mình biết bí quyết đâu!”.
Sau một ngày đêm dừng chân ở Phnôm Pênh, đi thăm hoàng cung bên bờ Tonle Sap hay vào khu tưởng niệm Tuol Sleng, Cánh đồng chết, đi dạo chợ và ăn đêm…, quả thật tôi chưa thể biết nhiều về thủ đô của nước láng giềng này. Bên cạnh sự xô bồ của phố thị là một hoàng cung đầy màu sắc và tráng lệ. Trên những con đường thênh thang trước hoàng cung hoặc những ngôi nhà lục giác nhìn ra sông Tonle Sap luôn rộn ràng những người đến cúng bái, ta vẫn thấy những nạn nhân chiến tranh ngồi xe lăn buồn bã đi qua hoặc những đứa bé ăn xin ngủ say bên những đền đài vì mệt lả…
Người ngồi cạnh tôi trên chuyến xe bus tốc hành Danh Danh về lại Sài Gòn là một doanh nhân, nói rằng Phnôm Pênh hồi sinh rất nhanh sau chiến tranh, và đến nay đã có hơn 1,5 triệu dân, chiếm gần 15% dân số cả nước, nhưng cũng còn nhiều vấn đề xã hội chưa giải quyết xong. Quy hoạch Phnôm Pênh từ thời Pháp thuộc được xem như đẹp nhất Đông Dương, nhưng việc quản lý quy hoạch chưa tốt nên trông nó vẫn còn nhiều tồn tại như Sài Gòn cách đây 30 năm trước. Người ăn xin, nạn bán hàng rong và lấn chiếm vỉa hè rất phổ biến… Tôi hỏi anh ta: “Còn về các casino dày đặc ở đây thì sao? Anh ta bảo, đó là nguồn thu quan trọng của chính phủ và rất hấp dẫn với nhiều người từ Việt Nam qua đây chơi trò đỏ đen…”.
Nhận xét của người đồng hành khiến tôi nhớ lại một đoạn hồi ký của Toàn quyền Đông Dương - Paul Doumer cách nay hơn một thế kỷ: “Giống như tất cả dân châu Á, hoặc có thể nói là như tất cả đàn ông trên thế giới này, người Cao Miên rất máu me cờ bạc… Những thương nhân trắng tay, những nông dân bị lột sạch, những công nhân bị biến thành kẻ cùng quẫn… Nhưng các trò chơi đó đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hoàng gia và những người Hoa thầu những trò này đã nộp những khoản định kỳ khá lớn, tỷ lệ thuận với lợi nhuận khổng lồ của họ…”. Ngày nay, đến Phnôm Pênh, ấn tượng với tôi nhất, có lẽ ngoài nhà tù Tuol Sleng và di tích Cánh đồng chết (Killing Field) của thời Pôn Pốt, thì còn là cơ man những Casino, những Holiday Palace từ biên giới Poipet giáp với Thái Lan đến sát biên giới Mộc Bài của Việt Nam và ngay cả ở thủ đô Phnôm Pênh. Những dãy xe hơi hạng sang luôn đậu ken dày bên ngoài các chốn đỏ đen ấy. Những lối đi trải thảm dẫn vào các “thiên đường” thì luôn nhộn nhịp những cặp chân dài, đại gia ra vào. Những kẻ nói cười hớn hở đi ngược chiều với khuôn mặt bơ phờ vì mất ngủ và thất vọng…
Và tôi nhớ mãi câu nói này của anh bạn đồng hành - người mà 15 tuổi đã xin đi bộ đội trinh sát và khi 50 tuổi đã là một doanh nhân thành đạt ở Quảng Nam - khi xe đi qua cây cầu hiện đại Neak Luông trở về Sài Gòn: “Có ai giàu có và yên ổn được từ cờ bạc đâu anh!”. Câu nói ấy cứ trở lại với tôi mỗi lần có ai nhắc đến chuyện đi thăm Campuchia, và những đền đài hùng vĩ Siêm Riệp bỗng nhiên như mờ nhạt đi trong lớp bụi thời gian…
Ký sự của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG