Đề xuất có quy định bắt buộc ISP, nhà mạng thực hiện lộ trình phát triển IPv6

Theo ictnews.vn 03/01/2017 09:45

(QNO) - Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), thường trực Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia vừa đề xuất bổ sung quy định chính sách bắt buộc hỗ trợ IPv6 để các ISP, nhà mạng thực hiện đúng lộ trình Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Theo VNNIC, một hạn chế của công tác thúc đẩy phát triển IPv6 tại Việt Nam hiện nay là mức độ hỗ trợ và triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 của ISP và doanh nghiệp viễn thông chưa đồng đều.  (Ảnh minh họa. Nguồn: APNIC)
Theo VNNIC, một hạn chế của công tác thúc đẩy phát triển IPv6 tại Việt Nam hiện nay là mức độ hỗ trợ và triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 của ISP và doanh nghiệp viễn thông chưa đồng đều. (Ảnh minh họa. Nguồn: APNIC)

Đánh giá kết quả hoạt động thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam trong thời gian qua, VNNIC nhấn mạnh, với các nỗ lực bền bỉ, hoạt động đúng hướng của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia và sự hưởng ứng thực tế của doanh nghiệp, năm 2016 kết quả triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 đến người sử dụng Việt Nam đã có bước khởi sắc đáng kể.

Từ chỗ chỉ số người dùng IPv6 Việt Nam chỉ đạt khoảng 0,05% vào tháng 4/2016 - thời điểm tổng kết giai đoạn II Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và triển khai Kế hoạch công tác năm 2016 của Ban công tác thúc đẩy phát triển Ipv6; đến nay với tỉ lệ truy cập Internet qua IPv6 đã đạt khoảng 5%, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 2 khu vực ASEAN và đứng thứ 4 khu vực châu Á (sau Nhật Bản, Malaysia và Ấn Độ) về kết quả triển khai IPv6.

Tuy nhiên, với vai trò thường trực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, VNNIC cũng cho biết, tuy có những tiến triển đáng kể trong kết quả triển khai IPv6 thực tế song tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam vẫn còn thấp so với tỉ lệ trung bình chung của khu vực và trên thế giới (khoảng 13% vào thời điểm hiện tại) và vẫn còn những điểm tồn tại cần được nỗ lực giải quyết để đảm bảo có thể thực hiện được mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Cụ thể, theo VNNIC, một tồn tại của công tác thúc đẩy phát triển IPv6 tại Việt Nam trong thời gian vừa qua là mức độ hỗ trợ và triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 của ISP và doanh nghiệp viễn thông còn chưa đồng đều, kết quả của Việt Nam chủ yếu đến từ FPT Telecom. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn khác như VNPT, Viettel, mức độ triển khai cung cấp dịch vụ chưa cao, đặc biệt là chưa có chỉ số dịch vụ di động 4G LTE; và trong khi quốc tế triển khai mặc định với IPv6, doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cũng chưa mạnh dạn triển khai.

Bên cạnh đó, công tác triển khai IPv6 tại Việt Nam còn có một số tồn tại khác như: chính sách IPv6 cho doanh nghiệp chỉ mang tính thúc đẩy, chưa có chế tài bắt buộc đủ mạnh để doanh nghiệp thực hiện đúng lộ trình Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6; tỉ lệ ứng dụng IPv6 trong khối cơ quan Đảng, Nhà nước còn rất thấp.

Để giải quyết các tồn tại nêu trên, đảm bảo mục tiêu tổng thể quốc gia về IPv6 là Internet Việt Nam hoạt động an toàn và tin cậy trên nền tảng địa chỉ IPv6, thường trực Ban công tác đề xuất Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ đạo Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia tiếp tục bám sát và thực hiện mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, tiếp tục đốc thúc các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch theo đúng tiến độ.

Đồng thời, thường trực Ban công tác cũng kiến nghị Bộ trưởng giao Cục Viễn thông chủ trì phối hợp cùng với VNNIC, Vụ Pháp chế triển khai thực hiện, bổ sung quy định chính sách bắt buộc hỗ trợ IPv6 trong quá trình xây dựng, sửa đổi VBQPPL và trong hoạt động quản lý doanh nghiệp, cấp phép, gia hạn giấy phép dịch vụ viễn thông, 4G LTE; triển khai hoạt động kiểm tra, đốc thúc doanh nghiệp triển khai dịch vụ IPv6 vào những năm cuối của Giai đoạn 3 Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Bên cạnh đó, thường trực Ban công tác kiến nghị Bộ trưởng giao Vụ CNTT, Cục Tin học hóa chủ trì phối hợp với VNNIC và các đơn vị khác triển khai yêu cầu bắt buộc và tăng cường mức độ ứng dụng IPv6 trong khối Chính phủ, các cơ quan Đảng và Nhà nước gồm: mạng lưới, dịch vụ công, ứng dụng Chính phủ điện tử, các website chính của Cơ quan Đảng, Nhà nước phải hỗ trợ IPv6; đề xuất nội dung hoạt động về thúc đẩy triển khai IPv6 với Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT, xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy ứng dụng địa chỉ IPv6.

Đồng thời, giao VNNIC yêu cầu và giám sát việc triển khai trong hệ thống các Nhà đăng ký tên miền “.VN”, tăng cường mức độ ứng dụng IPv6 trên tên miền quốc gia Việt Nam “.VN”, đảm bảo hệ thống quản lý, cung cấp các dịch vụ đăng ký và duy trì tên miền “.VN” và hệ thống máy chủ DNS của Nhà đăng ký cung cấp dịch vụ tên miền “.VN” hỗ trợ song song IPv4/IPv6.

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, đặc biệt cho khối Nhà nước, Chính phủ; tiếp tục mở rộng truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan Đảng, Nhà nước, tăng khả năng tiếp cận và việc sử dụng phổ dụng dịch vụ IPv6, thường thực Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đề xuất giao VNNIC chủ trì thực hiện phát triển trang tin về mức độ hỗ trợ IPv6 của Việt Nam tại địa chỉ: www.vietnamIPv6ready.vn, đẩy mạnh hoạt động đăng ký chứng nhận sẵn sàng với IPv6 (IPv6 Ready logo), đặc biệt là chứng nhận website sẵn sàng IPv6.

Ngoài ra, VNNIC đề xuất Ban Công tác tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động học tập, hợp tác quốc tế về thúc đẩy triển khai địa chỉ IPv6.

Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT ra quyết định ban hành ngày 29/3/2011. Kế hoạch đã định hướng, xác định các mục tiêu và lộ trình cụ thể chuyển đổi sang IPv6 của Việt Nam gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị (2011- 2012); Giai đoạn khởi động (2013-2015); Giai đoạn chuyển đổi (2016 - 2019). Mục tiêu lớn nhất của giai đoạn III là hoàn thiện mạng lưới, dịch vụ với IPv6 và Internet Việt Nam hoạt động ổn định, bền vững trên nền công nghệ IPv6.

Theo ictnews.vn

Theo ictnews.vn