Tìm giải pháp phát triển du lịch

VĨNH LỘC 26/12/2016 10:01

Trao đổi thắng thắn các vấn đề về thực trạng du lịch Quảng Nam nhằm tìm giải pháp hướng đến sự phát triển bền vững là nội dung của hội nghị giao ban doanh nghiệp du lịch năm 2016, diễn ra mới đây tại Tam Kỳ.

Du lịch Quảng Nam tuy tăng trưởng nhưng vẫn đối diện với nhiều thách thức. TRONG ẢNH: Bán hàng rong tự phát ở phố cổ Hội An.
Du lịch Quảng Nam tuy tăng trưởng nhưng vẫn đối diện với nhiều thách thức. TRONG ẢNH: Bán hàng rong tự phát ở phố cổ Hội An.

Nhiều tồn tại cần giải quyết

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, tổng lượt khách tham quan, lưu trú đến Quảng Nam năm 2016 ước đạt 4,36 triệu lượt, tăng 13,25% so với cùng kỳ năm 2015 (khách quốc tế là 2,25 triệu lượt, khách nội địa 2,11 triệu lượt). Doanh thu du lịch ước đạt 3.200 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch đạt khoảng 7.500 tỷ đồng.

Một số điểm như Hội An, Cù Lao Chàm, Mỹ Sơn, Khu tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng, Phú Ninh đều có sự tăng trưởng khách cao. Thị trường khách truyền thống Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc được giữ vững, thị trường khách châu Á được mở rộng đến các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Một số sản phẩm mới như “Về Hội An đi xe đạp”, tham quan du lịch quanh đảo Cù Lao Chàm bằng đường bộ, khám phá Hội An - Quảng Nam bằng khinh khí cầu, làng bích họa Tam Thanh, làng du lịch pơmu (Tây Giang), khám phá, trải nghiệm vùng trồng sâm Ngọc Linh và văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Nam Trà My... tuy mới hình thành nhưng cũng đã bắt đầu được du khách biết đến. Đặc biệt, Quảng Nam được đánh giá là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, riêng thương hiệu du lịch Hội An được nhiều tạp chí uy tín về du lịch trong nước và quốc tế bình chọn là một trong những thành phố yêu thích và đẹp nhất châu Á cũng như thế giới…

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng năm 2016 bức tranh du lịch Quảng Nam cũng bộc lộ nhiều hạn chế, thách thức cần tháo gỡ. Theo ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, có 5 thách thức mà du lịch Quảng Nam cần thẳng thắn nhìn nhận và giải quyết. Thứ nhất, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá của một số khách sạn, dịch vụ lưu trú (homestay, villa, biệt thự) tại Hội An khiến giá cả hỗn loạn. Thứ hai, lượng khách châu Âu đến Hội An năm qua giảm mạnh do biển bị tàn phá, sạt lở nặng nề và sự bão hòa về sản phẩm du lịch. Thứ ba, cơ sở hạ tầng giao thông Hội An chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch; chưa có bãi đỗ xe, công trình vệ sinh đạt chuẩn. Thứ tư, tình trạng bán hàng rong, chèo kéo du khách, trộm cắp và tệ nạn xã hội vẫn còn tái diễn, chưa được kiểm soát chặt chẽ và cuối cùng là chất lượng lao động ngành du lịch còn yếu và thiếu, khó đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. “Thực ra đây là những vấn đề không mới và đã được chúng tôi phản ánh rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan giải quyết rốt ráo” - ông Vân chia sẻ.

Tất cả vì doanh nghiệp

Thực tế, những thách thức của du lịch Quảng Nam không phải đến bây giờ mới được các cấp ngành liên quan biết đến nhưng cách thức giải quyết dường như vẫn chưa thật sự quyết liệt.

Ông Trần Hưng - Giám đốc Công ty Du lịch Sông Hội cho rằng, chỉ riêng những tồn tại trong hoạt động du lịch tại Cù Lao Chàm như an ninh trật tự, phân luồng tàu thuyền ra vào hay trang bị nguồn lực y tế  phục vụ khách… tuy là vấn đề cấp thiết nhưng lâu nay vẫn thiếu sự quan tâm từ các cấp ngành, địa phương. “Chỉ riêng chuyện cò mồi thôi nhưng chúng ta vẫn không quyết liệt triệt xóa, tôi nghĩ ngay sau cuộc họp này chúng ta phải có giải pháp và hành động dứt khoát chứ không thể nêu ra rồi để đó sang năm nêu lại. Nên xây dựng khung hành lang pháp lý, trong đó quy định doanh nghiệp nào vi phạm sẽ tước giấy phép làm gương. Vì hiện nay tại bến đã có trường hợp doanh nghiệp nuôi đội cò mồi 30 người rải từ Điện Dương (Điện Bàn) xuống tới bến, nhưng thành phố chỉ giao cho phường quản lý, bắt xong phạt hành chính rồi đâu vào đó không thể răn đe được” - ông Hưng phản ánh. Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, đây là những thực trạng đang diễn ra tại một số điểm du lịch Quảng Nam, và để diễn ra tình trạng này  có một phần trách nhiệm từ phía doanh nghiệp nên không chỉ ngành vào cuộc mà còn có sự quyết liệt từ phía chính quyền địa phương, nhất là sự hợp tác của doanh nghiệp. “Ai nuôi cò nếu không phải là doanh nghiệp dung túng vì lợi ích của mình?” - ông Hài đặt câu hỏi. Cũng theo ông Hài, một trong những vấn đề tồn tại cần được quan tâm hiện nay đó là nhận thức của xã hội, các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của du lịch còn hạn chế, thiếu sự phối hợp, liên kết, hỗ trợ xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, an toàn, chất lượng; quy hoạch và quản lý quy hoạch ngành du lịch còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ; du lịch phía nam và phía tây chưa phát triển như mong muốn; cơ sở hạ tầng thiết yếu như cầu cảng, các khu vui chơi giải trí; cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chưa tốt… Đặc biệt, Hội An đã đến mức chật chội để đón khách. “Hội An vẫn là trung tâm du lịch của Quảng Nam nhưng đã đến lúc mở rộng không gian du lịch đến các địa phương khác, nhất là phía nam và phía tây của tỉnh, đây cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp có thêm sản phẩm du lịch mới” - ông Hài nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, để đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách vào năm 2020, ngay từ bây giờ ngành cần triển khai một số công việc cụ thể, nhất là cần tăng cường vai trò trách nhiệm trong việc xử lý các vướng mắc, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. “Sắp đến, tỉnh sẽ tiếp tục ban hành nghị quyết riêng cho du lịch Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn 2030 nên chúng ta cần phải tăng cường trách nhiệm với doanh nghiệp, đồng hành với doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo ra những doanh nghiệp đủ mạnh nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Đặc biệt, cần chủ động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch thiết yếu tại các điểm du lịch như nhà đón tiếp, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn. Riêng bãi đỗ xe, TP.Hội An có thể kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào cũng như hoàn thiện về hạ tầng du lịch trong những năm đến” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC