Qua miền Thất Sơn

LỘC SƠN 24/12/2016 08:57

Cho đến bây giờ, An Giang vẫn là vùng đất với nhiều bí ẩn chưa được khám phá hết. Chính sự kỳ bí này đã hấp dẫn không ít người lang thang miền Thất Sơn, cảm giác về vùng đất hoang vu với bao nhiêu huyền tích cùng phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp.

Cảnh đẹp Thất Sơn. ảnh: internet
Cảnh đẹp Thất Sơn. ảnh: internet

Với 7 ngọn núi gồm Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Anh Vũ Sơn (núi Két), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài Năm giếng), Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô), Liên Hoa Sơn (núi Tượng), Thủy Đài Sơn (núi Nước), Ngọa Long Sơn (núi Dài) đã tạo cho An Giang sức hút kỳ lạ.

Trong hệ thống núi đồi trùng điệp chạy tới chân trời của miền biên viễn này, Thiên Cấm Sơn là tâm điểm. Nơi đây còn được mệnh danh là Đà Lạt giữa đồng bằng, với hồ Thủy Liêm tọa lạc ngay đỉnh núi. Bên cạnh đó là một quần thể kiến trúc nhân tạo như tượng Phật Di Lặc khổng lồ, chùa Phật Lớn uy nghiêm. Chốn non cao Thiên Cấm Sơn trở thành điểm nhấn tạo ấn tượng mạnh đối với bất cứ ai khi đặt chân đến nơi này. Lang thang miền Thất Sơn bạn đừng bỏ qua chợ trên đỉnh núi, dân bản xứ quen gọi là “chợ trên trời”. Đây là ngôi chợ kỳ lạ vì ngày nào chợ cũng họp, rất nhộn nhịp nhưng chỉ kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. Chợ buôn bán đầy đủ sản vật, nhu yếu phẩm để phục vụ du khách và người dân  bản địa, hàng hóa đặc biệt của chợ là dược liệu, một sản vật khá phong phú của vùng Bảy Núi. Chính yếu tố thoắt ẩn thoắt hiện của ngôi chợ lưng chừng mây cũng là điểm nhấn chứa nhiều bí ẩn.

Ở nhiều rặng núi của miền Thất Sơn, đặc sản không thể bỏ qua là món bánh xèo. Sở dĩ bánh xèo  hấp dẫn thực khách vì nguyên liệu chính làm bánh là loại lúa rẫy của vùng, một loại lúa quý có mùi thơm, giòn và đậm đà. Bên cạnh đó, ăn kèm bánh xèo là mấy chục loại rau rừng như đọt điều, ngành ngạnh, đọt cốc, đọt bứa, rau tàu bay…, tạo nên một đặc sản ngon nhất vùng. Miền Thất Sơn còn có món bánh canh Vĩnh Trung khá nổi tiếng. Đây là loại ẩm thực đặc trưng của người Khmer nhưng được biến cải cho phù hợp với khẩu vị người Việt. Món bánh canh này cũng sử dụng loại gạo đặc sản của vùng Bảy Núi để chế biến với công thức “bí truyền” của người dân bản địa. Không cần phải hỏi nhiều cách chế biến vì sẽ chẳng ai trả lời bạn, hãy thưởng thức và cảm nhận để rồi giữ lại đó một ấn tượng về vùng đất. Khám phá vùng Bảy Núi du khách có thể chọn cho mình một loại phương tiện thô sơ nhất để di chuyển, đó là xe ngựa. Trước đây, xe ngựa chỉ dùng để vận chuyển hàng hóa nhưng từ khi du lịch phát triển người dân đã sửa sang lại những cỗ xe ngựa để phục vụ du khách giúp mang đến sự thuận tiện và cảm giác bình yên ở chốn biên thùy.

Lang thang khu vực này du khách không khỏi ngạc nhiên khi bất cứ tay xe ôm nào cũng có thể là một hướng dẫn viên thực thụ. Họ am hiểu vùng đất này, biết từ những cư dân đầu tiên cho tới những ẩn sĩ cuối cùng. Riêng chuyện kể đạo sĩ Ba Lưới sống cả trăm tuổi ở Vồ Bồ Hong cũng là một câu chuyện dài. Xung quanh cuộc đời của lão đạo sĩ cuối cùng này là giai thoại về những trận đánh với hắc hổ, bạch hổ hay giao chiến với rắn hổ mây khổng lồ. Để sinh tồn, nhiều lưu dân ngày xưa buộc phải học võ và học cách sử dụng những loại dược liệu có sẵn trong vùng để có thế ứng dụng khi cần. Qua thời gian, vùng Bảy Núi trở thành địa bàn của nhiều đạo sĩ hết lòng giúp đời, giúp những người sa cơ lỡ vận.

Thất Sơn chứa đựng quá nhiều điều huyền bí nhưng thay vì chỉ nghe và tưởng tượng bạn hãy vác ba lô lên và đi đến khám phá để tự mình có câu trả lời đích đáng cho những bí ẩn ở vùng đất này.

LỘC SƠN

LỘC SƠN