Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt
Các khu vực Quảng Đại 1 (xã Đại Cường), Hanh Đông (xã Đại Thạnh), Thạnh Đại (xã Đại Hưng), Trà Đức (xã Đại Tân)… của huyện Đại Lộc tiếp tục bị sạt lở, bồi lấp nặng sau lũ. Chính quyền địa phương và người dân đang khắc phục hậu quả để sản xuất vụ đông xuân…
Đợt mưa lũ vừa qua, thôn Quảng Đại 1 (xã Đại Cường) đối mặt với nguy cơ sạt lở cao khiến người dân bất an. Khu dân cư số 3 là tâm điểm của sạt lở ở thôn Quảng Đại 1 khi sạt lở tiếp tục ăn sâu vào đất liền cả chục mét, đoạn sạt lở nặng kéo dài cả trăm mét dọc theo triền sông, khiến hàng nghìn mét vuông đất trôi sông. Hiện, nhà cửa của ông Tăng Văn Lanh, ông Phạm Hoàng, bà Phạm Thị Năm, Phạm Thị Bốn… chỉ còn cách sông chục mét, riêng chuồng bò tránh lũ kiên cố được xây dựng trên vài chục triệu đồng của ông Phạm Hoàng đã bị sạt lở rớt xuống sông. Địa phương buộc phải di dời khẩn cấp gia đình ông Phạm Hoàng và một hộ lân cận ra khỏi khu vực này ngay trong lũ. Bờ sông khu vực này tiếp tục bị ngoạm sâu thành hàm ếch, chỉ chực đổ ào xuống sông bất cứ lúc nào. Theo ông Lương Đức Trung - Trưởng thôn Quảng Đại 1, khu vực này trước định di dời, sau lại chọn phương án kè, vì thế bà con yên tâm bám trụ và lo đầu tư làm nhà tránh lũ kiên cố, nhưng chờ đã 7 - 8 năm rồi mà chẳng thấy kè bờ sông” - ông Trung nói.
Xã Đại Hưng, bên cạnh sự bồi lấp của bùn non, cát trải dài gần nửa cây số trên đường ĐH13, chưa được khơi thông thì nhiều khu vực của địa phương này lại đối diện với nạn sạt lở nặng. Hai ngôi nhà của ông Phạm Tấn Hải và bà Nguyễn Thị Thủy bị nước xoáy xiết, xói hỏng nặng phần móng. Vườn nhà bà Lê Thị Cương bị nước xoáy đào mất một sào đất vườn, còn ngôi nhà bà Nguyễn Thị Mười có nguy cơ bị xóa sổ chỉ trong một đợt lũ nữa. Vùng đất hoa màu ven sông Thu Bồn của xã Đại Thạnh cũng tiếp tục bị xói lở nghiêm trọng, khiến hàng chục héc ta đất sản xuất ven sông có nguy cơ bị xóa sổ. Ông Trần Văn Sơn, người dân thôn Hanh Đông chia sẻ, đất ở khu vực này bị bồi lấp, xói lở hết, không thể sản xuất gì được khi chỉ còn lại lớp đất sét, cát sỏi. Hộ ông Nguyễn Nam cũng có hoàn cảnh tương tự như ông Sơn. Ông Phan Văn Nhược - Trưởng thôn Hanh Đông cho biết, toàn thôn có 12ha đất hoa màu ven sông chủ yếu trồng la ghim, cây màu, hiện bị lũ lụt xói lở tan hoang…
Những trận mưa lũ vừa qua đã khiến đồi núi trên địa bàn thôn Trà Đức sạt lở, đổ xuống nhà dân, ảnh hưởng trực tiếp đến 4 gia đình các ông, bà: Đỗ Phú Thành, Đỗ Hưng, Huỳnh Thị Mãi, Đỗ Phú Hiền. Theo ông Huỳnh Bốn - Trưởng thôn Trà Đức, hiện 32 hộ dân sống tại khu tái định cư Trà Đức, đời sống hết sức khó khăn do bị sạt lở thường xuyên, chưa kể nước mưa ứ đọng cứ tràn vào nhà. Đợt mưa lũ vừa rồi làm sạt lở 300m3 đất với chiều dài đoạn sạt lở gần 20m tại khu tái định cư này… Thiệt hại do mưa lũ gây ra tại huyện Đại Lộc rất lớn. Hiện nay, chính quyền địa phương và người dân tập trung nhân vật lực để khắc phục hậu quả, chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân và rau màu các loại. Trước mắt, tu sửa 51 trạm bơm, hơn 300m kênh mương bị bồi lấp nặng trên địa bàn.
H.LIÊN - M.PHƯỜNG