Dân lại lao đao chạy lũ

15/12/2016 10:31

  • Làng rau Bàu Tròn hối hả thu hoạch chạy lũ
  • Lũ chồng lũ, miền Trung thiệt hại nặng
  • Quảng Nam lại có mưa lũ lớn, nhiều nơi ngập sâu
  • Thôn Đông Bình lại đối mặt với nguy cơ bị cô lập

Báo Quảng Nam tiếp tục cập nhật...

(QNO) - Từ đêm qua và sáng nay 15.12, mưa lớn trên diện rộng khiến lũ trên các sông tiếp tục dâng cao. Nhiều địa phương phải cho học sinh nghỉ học, hoa màu của nông dân bị hư hại nghiêm trọng... Chỉ trong vòng 1 tuần, người dân nhiều vùng trũng thấp lo dọn lũ chưa xong lại lo chạy lũ...

* Lũ về gây ngập úng cục bộ nhiều nơi tại Hội An. Từ ngày 14 đến 15.12, mực nước tại Hội An xấp xỉ báo động 3. Tuyến đường từ thị xã Điện Bàn đi Hội An bị cô lập. Đập tràn Hội An đi xã Cẩm Kim bị lũ chia cắt, nhiều địa phương như phường Thanh Hà, Cẩm Phô, Cẩm Nam, Minh An và xã Cẩm Kim bị ngập sâu hơn 1m, cô lập hoàn toàn.

Tăng cường phương tiện để chống lũ
Tăng cường tuyên truyền người dân chống lũ. Ảnh: M.Q

Ngay trong sáng qua, UBND TP.Hội An đã cho toàn bộ học sinh trên địa bàn nghỉ học. Thành phố cũng chỉ đạo và điều động các lực lượng xã, phường tăng cường cùng phương tiện hỗ trợ di dời và sơ tán người dân vùng trũng thấp đến nơi an toàn. Đồng thời nghiêm cấm tuyệt đối các phương tiện ghe thuyền đưa khách du lịch tham quan.

Phóng viên tác nghiệp tại rốn lũ
Phóng viên tác nghiệp tại rốn lũ. Ảnh: M.Q

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Trưởng ban PCTT&TKCN TP.Hội An cho biết: “Lũ và mưa lớn làm ngưng trệ nhiều hoạt động du lịch và thiệt hại về sản xuất của người dân, hiện chưa có thống kê đầy đủ. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời, thường xuyên của lãnh đạo thành phố, đến nay vẫn bảo đảm an toàn tính mạng người dân và du khách”. Cũng theo ông Hùng, mấy ngày qua, biển tiếp tục ăn sâu vào đất liền, gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp ven biển.

Lũ cũng cuốn hút du khách
Lũ khiến hút du khách tò mò. Ảnh: M.Q

Cho đến chiều nay, nước lũ tiếp tục lên chậm, và có khả năng lên cao. Lũ cũng bắt đầu chia cắt thêm nhiều địa phương. (MINH QUÂN)

* Từ sáng sớm nay 15.12, phóng viên Báo Quảng Nam online có mặt tại Nông Sơn nhưng chưa thể tiếp cận trung tâm huyện vì tuyến đường ĐT611 từ Quế Lộc đi Quế Trung nhiều nơi bị ngập sâu. Do địa hình chia cắt, thuyền và ca nô rất khó tiếp cận để trung chuyển người và phương tiện vào trung tâm huyện khiến cho việc đi lại, giao thương hết sức khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Phú Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, huyện đã chỉ đạo cho các lực lượng chức năng nhắc nhở, cấm các ghe, thuyền trung chuyển người và phương tiện tại một số tuyến đường, nhất là tuyến ĐT611 từ Quế Lộc đi Quế Trung. Vì lo sợ nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng.

Tuyến đường ĐT 611 nhiều nơi bị ngập gây khó khăn trong giao thông. Ảnh: VINH ANH
Tuyến đường ĐT611 nhiều nơi bị ngập gây khó khăn trong giao thông. Ảnh: VINH ANH

Anh Huỳnh Tấn Công, một tài xế xe tải chở heo cho biết, tuyến đường ĐT611 bị chia cắt 2 ngày nay khiến anh không thể vận chuyển heo vào trung tâm huyện để cung cấp cho lò mổ. Hơn 20 con heo chở từ thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) bị dầm mình trong nước mưa hơn 2 ngày nay. Anh Công đang liên hệ với một chủ thuyền lớn tại địa phương để vận chuyển heo vì sợ kéo dài thêm thì heo sẽ chết.

Ghi nhận của phóng viên tại Nông Sơn, trong buổi sáng có mưa lớn trên diện rộng nhưng đến gần trưa thì lượng mưa giảm. Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chi huy PCTT&TKCN huyện Nông Sơn, ngoài những điểm sạt lở về giao thông, thủy lợi thì đến thời điểm hiện tại toàn huyện có 31ha diện tích lúa nước trời, 5ha hoa màu bị ngập và 2 con bò bị chết do nước cuốn…

Nhiều đoạn ngập sâu trên một mét. Ảnh: VINH ANH
Nhiều đoạn ngập sâu trên 1m. Ảnh: VINH ANH

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nông Sơn đã chỉ đạo cho UBND các xã cử lực lượng chốt chặn các tuyến đường bị ngập sâu, các khu vực nguy hiểm không cho người và phương tiện qua lại; đồng thời nghiêm cấm các ghe thuyền đi lại tại các bến đò, hồ chứa vớt củi và đánh bắt cá trên sông, suối, các điểm ngập lụt; kiểm tra rà soát các khu dân cư đang sinh sống ở các vùng trũng, thấp, vùng ven sông, suối và vùng có nguy cơ lũ quét… (VINH ANH)

Mời bạn đọc xem clip về tình hình lũ ở Nông Sơn. Thực hiện: PHAN VINH - MINH THÔNG

.

* Tại địa bàn các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn,... nhiều ngày qua xuất hiện các đợt mưa lớn kéo dài khiến nhiều vùng bị cô lập do sạt lở gây tắc đường, lũ dâng cao tại các sông suối.

Mưa lũ gây cô lập tại đoạn ngầm Dốc Kiền từ chiều tối qua. Ảnh: HÙNG NGUYỄN
Mưa lũ gây cô lập tại đoạn ngầm Dốc Kiền (Đông Giang) từ chiều tối qua. Ảnh: HÙNG NGUYỄN

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam online vào trưa nay 15.12, ông Dương Văn Chung - Chánh Văn phòng UBND huyện Đông Giang xác nhận, ngoài xảy ra tắc đường do sạt lở đất tại tuyến đường Hồ Chí Minh (thuộc khu vực giáp ranh giữa huyện Đông Giang và Nam Giang), nhiều đoạn ngầm trên tuyến quốc lộ 14G từ TP.Đà Nẵng đi lên thị trấn P'rao cũng bị cô lập do nước lũ dâng cao, khiến nhiều phương tiện giao thông không thể đi qua.

Một nguồn tin của phóng viên cho hay, sáng nay 15.12, do lũ gây cô lập tại đoạn ngầm Dốc Rùa (xã A Ting, huyện Đông Giang) nên chiếc xe cấp cứu bệnh nhân từ Tây Giang không thể đi qua, đành phải ngồi chờ suốt hàng giờ đồng hồ. Cũng tại ngầm Dốc Rùa, tình trạng mưa lũ gây cô lập kéo dài từ chiều tối qua khiến nhiều phương tiện không thể lưu thông. Theo ghi nhận, hiện tại lượng mưa lớn tiếp tục đổ về khiến nhiều sông suối ở vùng cao Đông Giang tiếp tục lên nhanh và có nguy cơ gây cô lập nhiều khu vực dân cư, nhất là các địa bàn nằm ở vùng trũng thuộc các xã Sông Kôn, Jơ Ngây, Kà Dăng,... 

Ngoài cô lập tại nhiều điểm do sạt lở, nhiều đoạn đường lên các xã biên giới Tây Giang xuất hiện bùn đất lầy lội, gây khó khăn cho người dân địa phương. Ảnh: Đ. NGUYÊN
Ngoài cô lập tại nhiều điểm do sạt lở, nhiều đoạn đường lên các xã biên giới Tây Giang xuất hiện bùn đất lầy lội, gây khó khăn cho người dân địa phương. Ảnh: Đ.NGUYÊN

Còn tại huyện Tây Giang, theo Phó Chủ tịch UBND huyện - ông Arất Blúi, mưa lớn cũng khiến xảy ra sạt lở nặng tại nhiều điểm dọc theo tuyến đường chính đi lên trung tâm hành chính xã và đang được chính quyền địa phương nỗ lực khắc phục. Riêng tuyến đường đất đi lên các xã biên giới A Xan, Ga Ri, Ch'Ơm, tình trạng sạt lở đất làm nhiều khu vực bị cô lập, xuất hiện bùn lầy khiến mọi phương tiện không thể đi qua.

"Cũng trong sáng nay, chúng tôi đã có cuộc họp khẩn để bàn các phương án ứng phó với tình huống bất ngờ của mưa lũ. Ngoài theo dõi thường xuyên tình hình, chúng tôi cũng đề nghị các địa phương cắt cử lực lượng tại địa bàn, kịp thời theo dõi và tuyệt đối không cho người dân đến khu vực sông suối để bắt cá, vớt củi tránh xảy ra tình huống bất ngờ do lũ quét" - ông Blúi nói.

Lũ ngập tại tuyến đường lớn của huyện Nam Giang, vào ngày hôm qua 14.12. Ảnh: CTV
Lũ ngập tại tuyến đường lớn của huyện Nam Giang, vào ngày hôm qua 14.12. Ảnh: CTV

Trong khi đó, tại huyện Nam Giang, ngoài cô lập tuyến đường lên các xã Chơ Chun, La Êê, mưa lũ cũng gây ảnh hưởng nặng gây ngập úng tại một số khu vực trũng thấp. Chính quyền địa phương cũng cho biết đang tiếp tục theo dõi và sẽ có kế hoạch di dời, đưa người nhân cùng nhà cửa của họ đến nơi an toàn nếu diễn biến mưa lũ tiếp tục gây phức tạp. (ALĂNG NGƯỚC)

* Từ 11h trưa nay, mực nước tại Điện Bàn đang có dấu hiệu tăng cao sau hơn 4 tiếng đồng hồ chững lại.

Theo ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế, Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thị xã Điện Bàn, nguyên nhân do thủy điện Sông Tranh tiếp tục xả lũ với lưu lượng 1600m3/giây nên lượng nước đang đổ về hạ nguồn nhiều hơn, dự kiến khuya nay mực nước tại Câu Lâu sẽ trên mức báo động 3. “Từ 11giờ trưa nay sông Tranh đã xả lũ, dự kiến khoảng 12 tiếng đồng hồ nữa, tức là khuya nay nước sẽ về đến Điện Bàn nên người dân phải hết sức chuẩn bị cảnh giác”, ông Chơi nói.

Nước lũ đang bắt đầu lên lại tại Điện Bàn
Nước lũ đang bắt đầu lên lại tại Điện Bàn. Ảnh: KHÁNH LINH
Nhiều phương tiện giao thông phải quay lại vì đường ĐT607 đoạn qua cầu Bình Long, Điện Phước đã bị ngập nặng
Nhiều phương tiện giao thông phải quay lại vì đường ĐT609 đoạn qua cầu Bình Long, Điện Phước đã bị ngập nặng. Ảnh: KHÁNH LINH

Hiện nay, tại một số nơi ở Điện Bàn nước đã ngấp nghé, nhất là các vùng ven sông thuộc các xã Điện Phương, Điện Minh, Điện Phong, Điện An…. Trong đó, xã Điện Phương bị ngập khá nặng, toàn bộ tuyến đường ĐH2 từ Điện Phương đi Hội An dài trên 3km đã bị ngập sâu từ 0,5m – 1m, hơn 130 hecta hoa màu đã bị hư hại. Còn thống kê trên địa bàn thị xã đến nay đã có hơn 700 hecta diện tích hoa màu bị ngập lụt, dự lường hư hại hoàn toàn.(KHÁNH LINH)

Nước đã ngập khu vực xung quanh khu phố chợ Vĩnh Điện
Nước đã ngập khu vực xung quanh khu phố chợ Vĩnh Điện. Ảnh: KHÁNH LINH

* Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN 

Duy Xuyên, tính đến thời điểm 11 giờ 50 phút trưa nay 15.12, toàn huyện đã có không dưới 227 nhà dân bị ngập lũ với độ sâu 0,5-1m, tập trung nhiều nhất ở các xã Duy Vinh, Duy Thành, Duy Trinh, Duy Châu. Đặc biệt, tại nhiều địa phương của huyện có hơn 300ha hoa màu các loại vừa mới tiến hành gieo trồng bị chìm trong lũ, chắc chắn sẽ mất trắng hoàn toàn.
Tại thôn Kiệu Châu (xã Duy Sơn) nước lũ đã dâng rất cao.
Tại thôn Kiệu Châu (xã Duy Sơn) nước lũ đã dâng rất cao. Ảnh: HOÀI NHI

Theo khảo sát của phóng viên Báo Quảng Nam online, từ chiều tối qua 14.12 đến trưa nay 15.12, nhiều tuyến giao thông trọng yếu của Duy Xuyên như ĐT610 đoạn giáp ranh giữa 2 xã Duy Sơn - Duy Trinh và khu vực cầu Cây Gáo thuộc xã Duy Châu bị ngập sâu gần 1,5m. Không chỉ vậy, hàng loạt tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm ngập 1,5-2m. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng cho hàng nghìn học sinh, ngành GD-ĐT huyện Duy Xuyên tiếp tục đóng cửa các trường học trong ngày hôm nay 15.12.

Tuyến ĐT610 ngập sâu, nhiều người phải men theo đường sắt về nhà.
Tuyến ĐT610 ngập sâu, nhiều người phải men theo đường sắt về nhà. Ảnh: HOÀI NHI
Ở rất nhiều vùng của Duy Xuyên, người dân phải sử dụng ghe thuyền để đi lại.
Ở rất nhiều vùng của Duy Xuyên, người dân phải sử dụng ghe thuyền để đi lại. Ảnh: HOÀI NHI

Theo dự báo, chiều nay 15.12 nước lũ trên sông Thu Bồn đoạn chảy qua Duy Xuyên có khả năng tiếp tục dâng cao, vì vậy người dân ở nhiều nơi thuộc những vùng trũng thấp của huyện đang khẩn trương tiến hành di dời tài sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. (HOÀI NHI)

* Trưa 15.12, ông Trần Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Bình Nam (Thăng Bình) xác nhận trên địa bàn có một người chết đuối khi đang đi bắt ốc ngoài đồng.

Theo thông tin ban đầu, sau khi tan cuộc nhậu, khoảng 15 giờ ngày 14.12, ông Ch. Th. (SN 1968, trú thôn Tịch Yên, xã Bình Nam) ra cánh đồng gần nhà để bắt ốc, nhưng sau đó không thấy về. Gia đình ông Th. sau đó đã báo cho chính quyền địa phương huy động lực lượng tìm kiếm.

Đến khoảng 7 giờ sáng nay 15.12, thi thể ông Th. được phát hiện, sau đó được cơ quan chức năng vớt lên bờ, bàn giao cho gia đình lo hậu sự. Nguyên nhân được xác định có thể là do ông Th. say rượu nên té ngã ngoài đồng, trong khi mực nước đang dâng cao khiến ông này bị đuối nước tử vong.(T.C)

* Sáng nay 15.12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP.Tam Kỳ phát đi thông báo về việc khẩn trương ứng phó với diễn biến mưa to do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường.

Theo bản tin lũ bổ sung trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ ngày 15.12 của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, lúc 2 giờ sáng cùng ngày, mực nước trên sông Tam Kỳ là 1,84m (trên mức báo động 1 là 0,14m); dự báo đến trưa nay 15.12, mực nước trên sông Tam Kỳ tiếp tục lên.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lớn và ngập lụt, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố yêu cầu:

UBND các xã, phường, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Công Điện số 42/CĐ-TW hồi 22 giờ ngày 11.12.2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn; Công văn số 188/BCHPCTT&TKCN ngày 14.12.2016 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam về việc tiếp tục chủ động ứng phó mưa to do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường; và Công văn số 35/BCHPCTT&TKCN ngày 13.12.2016 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP.Tam Kỳ.

Căn cứ tình hình mưa lũ thực tế trên địa bàn chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, trên các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết. Tiếp tục trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lớn và ngập lụt; thông tin kịp thời đến nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh. Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ tiếp tục duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố được phân công đứng điểm tại các địa phương bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chỉ đạo, xử lý kịp thời và báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố.

Đài Truyền thanh - truyền hình thành phố thường xuyên phát tin về diễn biến của mưa lũ để mọi người dân biết, chủ động phòng tránh.

Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ và tình hình điều tiết xả lũ hồ Phú Ninh, thông tin kịp thời đến lãnh đạo thành phố và UBND các xã, phường.

UBND các xã phường và các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố. (VĂN HÀO)

* Mưa lớn tái diễn khiến nhiều hộ dân ở khối phố 6, phường Phước Hòa (TP.Tam Kỳ) phải kê dọn đồ đạc ngay trong đêm. Nhiều hộ dân kéo xuồng vào tận trước cửa nhà để chờ chạy lụt.

Mưa lớn khiến khu vực khối phố 6 (phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) tiếp tục bị ngập sâu. Ảnh: T.C
Mưa lớn khiến khu vực khối phố 6 (phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) tiếp tục bị ngập sâu. Ảnh: T.C

Sáng sớm nay 15.12, nước sông Bàn Thạch đã dâng mấp mé nhà chị Huỳnh Thị Huệ (khối phố 6, phường Phước Hòa). Chị Huệ cho hay, đây là lần ngập lụt thứ hai kể từ đầu tháng. Từ khoảng 10 giờ đêm, nước đã lên nhanh, gia đình chị tất tả dọn hết đồ đạc, vật dụng lên gác lửng. “Nước lên cũng nhanh như lần trước. Hồi đầu tháng, nước tràn vào làm nhà ngập hơn 30cm. Từ sáng đến giờ nước vẫn đang lên từ từ, chưa có dấu hiệu rút” - chị Huệ nói.

Chị Huỳnh Thị Huệ cho hay nước bắt đầu dâng lên từ khoảng 10 giờ đêm hôm trước. Ảnh:T.C
Chị Huỳnh Thị Huệ cho hay nước bắt đầu dâng lên từ khoảng 10 giờ đêm hôm trước. Ảnh:T.C

Do nằm sát sông Bàn Thạch nên hầu hết các hộ dân ở khu vực này đều chịu chung cảnh ngập lụt. Theo quan sát, nhiều gia đình nước đã tràn vào nhà 20 - 30cm. Dự đoán nước có thể dâng lên do mưa liên tiếp nhiều ngày, anh Huỳnh Văn Tới và vợ đã cẩn thận chất hết đồ đạc lên gác xép từ hôm trước, chỉ để lại vài vật dụng sinh hoạt tối thiểu. Anh Tới cho hay, do đặc thù khu này ở gần sông, trũng thấp nên mưa lớn kéo dài là nước lụt dâng lên rất nhanh, nếu không chuẩn bị trước sẽ không thể kịp ứng phó. Nhiều gia đình khác cũng đã kéo ghe vào tận cửa nhà, chờ chạy lũ. “Nếu nước dâng lên nữa thì chất đồ lên ghe chạy lụt. Xóm này nhà nào cũng có sẵn một chiếc ghe để phòng lụt, nhờ vậy mà có phương tiện đi lại, chở đồ đạc phòng khi có lụt lớn” - anh Tới cho biết.

Nhiều gia đình đưa ghe vào tận trước cửa nhà chờ chạy lụt. Ảnh: T.C
Nhiều gia đình đưa ghe vào tận trước cửa nhà chờ chạy lụt. Ảnh: T.C
Một hộ dân chất sẵn một số đồ đạc, vật dụng lên ghe. Ảnh: T.C
Một hộ dân chất sẵn một số đồ đạc, vật dụng lên ghe. Ảnh: T.C
Đây là đợt lụt thứ hai kể từ đầu tháng xảy ra ở khu vực này. Ảnh: T.C
Đây là đợt lụt thứ hai kể từ đầu tháng xảy ra ở khu vực này. Ảnh: T.C
Nước ngập tràn vào nhà dân, Nhiều nơi nước ngập sâu hơn 60 cm. Ảnh: T.C
Nước ngập tràn vào nhà dân, nhiều nơi nước ngập sâu hơn 60cm. Ảnh: T.C
Rất nhiều ghe, xuồng được người dân chuẩn bị sẵn phòng khi nước tiếp tục dâng. Ảnh: T.C
Rất nhiều ghe, xuồng được người dân chuẩn bị sẵn phòng khi nước tiếp tục dâng. Ảnh: T.C

Hiện tại, các đoạn đường ở khu vực này đã ngập sâu trên 30cm. Nhiều đoạn nước dâng 60 - 70cm, người dân phải dùng ghe để di chuyển. Đợt lụt xảy ra vào đầu tháng, phường Phước Hòa có hơn 300 hộ dân bị ngập lụt, riêng khu vực này bị ngập sâu hơn 1m. Mưa lớn vẫn đang kéo dài trong buổi sáng nay, nguy cơ ngập lụt diện rộng vẫn còn tiếp diễn. (THÀNH CÔNG)

* Từ chiều qua đến sáng nay 15.12, mưa gió vẫn tiếp tục diễn ra trên diện rộng tại Điện Bàn gây ngập úng cục bộ một vài nơi, nhất là thiệt hại lớn về hoa màu tại các biền bãi ven sông.

Đường ĐT 608 đi Hội An đã bị chia cắt
Đường ĐT608 đi Hội An đã bị chia cắt. Ảnh: K.L

Có mặt tại thôn Cẩm Đồng (xã Điện Phong) lúc 8 giờ sáng nay, chúng tôi nhận thấy nước đã phủ trắng bãi biền Gò Đình, nơi canh tác hoa màu chính của người dân thôn. Ông Nguyễn Quốc, người dân trong thôn cho biết, gần 100ha hoa màu bà con gieo trồng tại Gò Đình xem như hoàn toàn mất trắng. Mùa này nhà ông xuống giống khoảng 5 sào đất trồng đậu cô ve và ớt được hơn nửa tháng, bây giờ nước ngập coi như đổ sông. “Tốn tiền của thì rõ rồi nhưng lo nhất là sợ thiếu giống, đặc biệt là giống ớt vì mua không ra” - ông Quốc lo lắng. Đây cũng là tâm trạng chung của người dân thôn này khi nước lũ về. Tại thôn Cẩm Đồng, người bị thiệt hại ít thì 1 - 2 sào, nhiều thì 7 - 8 sào, đa số hoa màu là mồng tơi, bồ ngót, cải, đậu… ước tính tổng thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.

Nước tràn quan đường ĐT 608 đoạn cánh đồng Lai Nghi
Nước tràn quan đường ĐT608 đoạn cánh đồng Lai Nghi. Ảnh: K.L

Nước dâng cũng đã gây ngập cục bộ tại một số thôn, xóm vùng ven và những nơi trống trải giữa đồng thuộc các xã Điện Minh, Điện Phương, Điện Nam…. Đặc biệt, tuyến ĐT608 từ Vĩnh Điện đi Hội An đã bị chia cắt hoàn toàn tại cánh đồng Lai Nghi, mọi hoạt động vận chuyện, lên xuống Hội An đã bị cắt đứt.

Nước ngập trắng Gò Đình xã Điện Phong
Nước ngập trắng Gò Đình xã Điện Phong. Ảnh: K.L
Nhiều nơi ở Điện Bàn đã bị ngập cục bộ
Nhiều nơi ở Điện Bàn đã bị ngập cục bộ. Ảnh: K.L

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế, Phó Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN Điện Bàn cho biết, tính đến sáng nay lũ tại sông Câu Lâu đã vượt báo động 2 khoảng 60cm, dự kiến xấp xỉ báo động 3 vào trưa nay, sau đó sẽ rút chậm. Thống kê sơ bộ, ước tính trên địa bàn thị xã có 232ha hoa màu bị ngập úng hư hại, chủ yếu bãi, biền ven sông. “Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi diễn biến và sẽ có báo cáo tổng hợp thiệt hại trong từng giờ đồng hồ để người dân được biết” - ông Chơi nói. (KHÁNH LINH)

* Tại Núi Thành, sáng nay 15.12, ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Núi Thành, cho biết: Tính đến chiều ngày 14.12, đợt mưa kéo dài các ngày gần đây chưa gây thêm các thiệt hại nặng cho địa phương Núi Thành. Nguyên nhân là trong quá trình hồ Phú Ninh xả lũ thì triều cường sông Trường Giang xuống nên nước rút kịp thời. Chính vậy, các xã dọc theo lưu vực sông Trường Giang tránh được hiện tượng ngập nặng. Nhưng việc mưa lớn kéo dài và hồ Phú Ninh xả lũ vẫn khiến các vùng trũng ở các xã bị ngập từ đợt mưa hôm 30.11 đến 6.12 chưa hết ngập úng.

Chưa có thống kê đầy đủ về các thiệt hại của mưa lũ nhưng việc sạt lở các kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng, đất sản xuất… nên khả năng nhiều xã của Núi Thành khó khăn trong phục hồi sản xuất vụ đông xuân tới. Ông Trần Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân II nói: “Các thôn An Khuông, An Đông vẫn bị ngập từ đầu đợt mưa lớn (30.11 - 6.12) đến nay. Toàn xã có trên 300ha đất sản xuất bị ngập, cùng với đó hệ thống kênh mương trên địa bàn xã bị sạt lở phần lớn nên việc phục hồi sản xuất sẽ rất khó khăn”.

Trong khi đó tại xã Tam Hòa, phần lớn đất sản xuất bị ngập trong nước. Riêng lúa nước trời  gieo sớm bị ngập 10ha và rau màu là 4ha. Đê ngăn mặn bị sạt lở với khối lượng khoảng 1.000m3. “Rất may là không có hiện tượng các thôn bị ngập do mưa lớn nhưng vụ đông xuân tới chắc chắn nhân dân khó có thể sản xuất được. Hiện nay, chúng tôi đang huy động bà con khắc phục các điểm sạt lở đê ngăn mặn, sửa chữa các đoạn kênh mương để vụ mùa tới có thể sản xuất được chừng nào hay chừng nấy. UBND xã rất mong UBND huyện, các ban ngành cấp trên có hướng hỗ trợ địa phương để đảm bảo sản xuất vụ đông xuân, ổn định đời sống nhân dân” - ông Trương Công Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hòa nói. (ĐOÀN ĐẠO)

* Nước lũ gây sạt lở bờ khiến một bụi tre nằm ven sông Vu Gia, cạnh cầu Hòa Đông (tuyến ĐT609B) qua địa bàn thị trấn Ái Nghĩa bị ngã đổ va đập vào đường dây điện.

Sự cố trên đã gây mất điện tại khu 4, thị trấn Ái Nghĩa và thôn Đại An của xã Đại Nghĩa vào lúc gần 3 giờ sáng nay 15.12. Để khắc phục, Điện lực Đại Lộc hiện đã thuê ca nô tiếp cận chặt phá bụi tre. Đại diện Điện lực Đại Lộc cho hay, chỉ khoảng 2 giờ nữa thôi thì khu vực bị ảnh hưởng vừa nêu sẽ có điện trở lại.

Liên quan đến nước lũ trên sông Vu Gia, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Ái Nghĩa - bà Đặng Thị Lan Anh trao đổi qua điện thoại cho hay, mực nước đo được tại Ái Nghĩa lúc 7 giờ sáng ngày 15.12 là 8,63m, dưới báo động 3 là 0,37m.(CÔNG TÚ)