Cây xóa nghèo

TIÊU ĐÌNH 07/12/2016 08:31

Người dân xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn thường truyền câu hát xưa: “Bao giờ bờm ngựa mọc lông/Nghi Trung, Nghi Hạ như rồng lên mây”. Vùng đồi núi được đặt tên theo hình dáng cái bờm ngựa này thuộc xóm Váy, thôn Nghi Sơn.

Là nghe vậy thôi, ít ai tin vào nội dung mơ hồ thường được cho là lời sấm truyền ấy. Bao giờ? Biết cho đến bao giờ khi mà người dân nơi đây đã từng bao lần thất bại vì cố thử vận may của mình vào đủ loại cây trồng thí điểm trên vùng đồi núi có tên là Bờm Ngựa này. Cây ăn quả có, cây lâm nghiệp có, hết sắn đến chuối rồi dương liễu, bạch đàn… Mà cuối cùng vẫn chỉ còn lại đá chết, cỏ hoang “trơ mặt với tháng năm”. Dân ở đây ai cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao chẳng có loại cây trồng nào có thể phát triển nổi để cho Bờm Ngựa được mọc lông.

Cây keo lai mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Quế Hiệp. Ảnh: VĂN HÀO
Cây keo lai mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Quế Hiệp. Ảnh: VĂN HÀO

Vậy mà hôm nay nhìn lên Bờm Ngựa là cả một vùng đồi núi ngút ngàn tươi xanh. Cây keo lai đã được nông dân nơi đây phủ kín từng ngọn đồi thay cho loại bạch đàn sống dở chết dở. Lúc đầu, chỉ có thuần giống keo lá tràm, nhưng rồi dần dần các loại keo lai tự nhiên ưu việt được thay thế. Giống tốt, dễ trồng, dễ thích nghi với chất đất và thời tiết khí hậu nhiệt đới nên phát triển nhanh, thu nhập cao, nông dân thở phào cười tươi. Cả một vùng đồi núi “chó ăn đá gà ăn sỏi” rộng lớn bừng bừng hồi sinh. Những cụ ông, cụ bà giật mình nhớ lại lời sấm xưa, rồi nghiệm từ thực tế mà gật gù đắc chí: đúng thiệt! Người dân nơi đây đã không ngần ngại đặt cho loại cây ân nghĩa này một cái tên mới: “cây xóa nghèo” thay cho cái tên Acacia Tây Tàu nào đó. Tại đây và rộng ra cả xã Quế Hiệp bình quân mỗi hộ đã có từ 8 đến 10ha cây keo lai tai tượng. Ít nhất là vài ha, nhiều nhất gần 100ha. Chỉ cần 5 năm sau khi trồng, cây keo lai đã có thể thu hoạch tốt. Và cứ thế những đồi keo được bán đi rồi đốt lá trồng lại. Keo một tuổi, hai tuổi nối tiếp nhau sinh sôi, mang lại lợi nhuận khá lớn cho người dân.

Một người dân ở đây tâm sự: “Ruộng teo người nở, sản phẩm nông nghiệp quá rẻ, nếu không nhờ vào cây keo thì chẳng biết sống sao cho nổi. Gia đình tui bốn đứa con, hai đứa đại học, hai đứa trung học, tất cả đều nhờ vào rừng keo. Nên chi vợ chồng có ngày nào ở nhà đâu, lội rừng suốt. Hôm nào cũng cứ 5 giờ sáng là đùm cơm mang cuốc, mang rựa vô rừng, đến tối mịt mới về đến nhà. Tiền vay ngân hàng cho con học đại học cứ bám cây keo mà trả chừng chừng”. Có thể nói, nếu không đặt cược niềm tin vào loại cây ưu thế này thì không dễ gì tâm lý nông dân lại chịu vay vốn ngân hàng cho con đi đại học.

Mà chẳng gì một vùng đất nhỏ hẹp ở quê tôi. Cây keo được nhập vào Việt Nam khoảng những năm của thập niên 1970-1980. Từ đó nó đã trở thành bạn đồng hành của biết bao nông dân cả nước, nhất là ở những vùng đồi núi như Tây Quảng Nam. Từ hiệu quả thu nhập thực tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tăng giàu, cây keo lai đã âm thầm khẳng định được ưu thế của một loại cây hàng đầu trong việc phát triển lâm nghiệp. Sau 20 năm Quảng Nam được chia tách ra khỏi Đà Nẵng, cây keo lai lại càng có nhiều cơ hội hơn nữa để đồng hành với nông dân, góp phần làm thay đổi hẳn cơ cấu cây trồng của tỉnh. Hôm nay, về đâu trên khắp mọi miền trung du, vùng núi của Quảng Nam, cũng đều thấy cây keo lai bạt ngàn phủ xanh đồi trọc, những chuyến xe khai thác keo tấp nập về xuôi để chờ chế biến.
Điểm yếu của loại cây này là dễ ngã mỗi khi có gió bão. Những năm gần đây vùng đất Quảng Nam ít có gió bão nên thu nhập từ cây keo của bà con nông dân rất ổn định. Cầu trời cho mưa thuận gió hòa, để nụ cười từ loại “cây xóa nghèo” này được tươi vui hơn nữa. Và biết đâu mai kia nó lại có thêm một cái tên mới: “cây làm giàu”.

TIÊU ĐÌNH

TIÊU ĐÌNH