Giáo dục pháp luật trong trường học

THÚY SƯƠNG 24/11/2016 08:50

Những năm gần đây công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học tại TP.Tam Kỳ thực hiện khá hiệu quả, bởi vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền.

Trước đây, một điểm chung dễ nhận thấy là hoạt động giáo dục pháp luật của các trường thường được tổ chức bằng các hình thức như tích hợp giáo dục qua bài học giáo dục công dân, lồng ghép vào giờ sinh hoạt dưới cờ, giờ sinh hoạt lớp, ngoại khóa… Phương pháp tuyên truyền chủ yếu vẫn theo “truyền thống” là nói chuyện chuyên đề hoặc đọc cho học sinh nghe nội dung các điều luật dễ mang lại cảm giác nhàm chán, đơn điệu. Hơn nữa, nội dung các điều luật sẽ rất khó để học sinh tiếp nhận, bởi lẽ nhiều vấn đề, câu chữ khá trừu tượng, khó hiểu và khó nắm bắt. Điều đó khiến các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật của nhà trường trở nên hình thức, có phần khiên cưỡng.

Học sinh Tam Kỳ diễu hành tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Thúy Sương
Học sinh Tam Kỳ diễu hành tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ. Ảnh: Thúy Sương
Năm học 2016 - 2017, Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ tổ chức hội nghị tuyên truyền Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 cho gần 1.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố. Đến nay, tất cả trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho giáo viên và học sinh; trong đó, tùy theo mỗi bậc học, đối tượng mà cách tuyên truyền khác nhau

Khắc phục tình trạng đó, thời gian qua, Trường THCS Lý Tự Trọng đã có nhiều đổi mới trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng các phương pháp hiệu quả và sinh động, nhất là sân khấu hóa nội dung tuyên truyền. Không gian để sử dụng phương thức này chính là sân trường, trong các khoảng thời gian sinh hoạt dưới cờ vào đầu tuần, hoặc hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt Đoàn, Đội… Hoạt động sân khấu hóa được thể hiện qua tiểu phẩm ngắn, hoặc một hoạt động trình diễn mang tính thuyết minh về luật. Để phương pháp sân khấu hóa được sinh động và thu hút sự chú ý, học sinh sẽ là “nhân vật chính”  của tiểu phẩm; dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo phụ trách, nội dung tuyên truyền về các điều luật sẽ được khéo léo lồng ghép vào các tình huống cụ thể vừa gần gũi, vừa dễ nắm bắt. Em Nguyễn Lê Khánh An - học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng chia sẻ: “Khi triển khai một nội dung luật nào, Ban tuyên truyền của trường dành khoảng 10 ngày chuẩn bị tiết mục sân khấu hóa thể hiện nội dung đó. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên tổ chức hội thi văn nghệ với các chủ đề như “Khúc hát an toàn giao thông”, “Bạn ơi hãy tránh xa ma túy”, “Phòng chống tệ nạn xã hội”, “Em yêu biển đảo”... Những cách làm như thế vừa thu hút chúng em tham gia vừa dễ nhớ nội dung”.

Đối với học sinh THPT và sinh viên, hình thức sân khấu hóa lồng ghép nội dung kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình cũng đã mang lại hiệu quả rõ rệt… Tham gia Hội thi Tuyên truyền viên pháp luật năm 2016, bạn Trần Thanh Tùng - học sinh Trường THPT Trần Cao Vân cho biết, hội thi giúp các bạn ở lứa tuổi học trò có thêm nhiều kiến thức bổ ích về pháp luật, từ đó tránh xa những thói hư, tật xấu. Còn bạn Trần Thị Thu Thủy - sinh viên Khoa Giáo dục tiểu học Trường Đại học Quảng Nam chia sẻ: “Sinh viên chúng mình phải sống xa gia đình, vì vậy những kiến thức về pháp luật được trang bị trong trường học sẽ giúp mình vững vàng khi va chạm với đời sống xã hội phức tạp”. Ngoài ra, hàng năm Phòng Tư pháp và Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật phiên bản “Rung chuông vàng”. Trong đó, câu hỏi xoay quanh các nội dung, chủ đề phù hợp với mỗi lứa tuổi, gây hứng thú cho học sinh.

THÚY SƯƠNG

THÚY SƯƠNG