Vận hành hồ thủy điện mùa lũ: Kiến nghị điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp

NGUYÊN ĐOAN 23/11/2016 21:11

(QNO) - Sáng 22.11, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu kiêm Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh chủ trì cuộc họp bàn về công tác điều hành quy trình vận hành hồ thủy điện mùa lũ và kịch bản ứng phó rủi ro thiên tai trên địa bàn. 

Quang cảnh cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh sáng 22.11.
Quang cảnh cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN tỉnh sáng 22.11. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

Thảo luận tại cuộc họp, nhiều thành viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho rằng, các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp với chủ các hồ thủy điện rà soát, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh Quyết định 1537/QĐ-TTg ngày 7.9.2015 (gọi tắt là Quy trình 1537) về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân biết, hiểu đầy đủ các thông tin liên quan đến việc vận hành xả lũ của hồ thủy điện, để người dân an tâm, chuần bị ứng phó hiệu quả.

Chưa phù hợp

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho rằng, theo quy định của Quy trình 1537, chủ hồ thủy điện phải thực hiện dự báo lũ về hồ. Tuy nhiên, do năng lực của các chủ hồ không thực hiện được nên đã hợp đồng công việc dự báo, cảnh báo mưu lũ với các cơ quan khí tượng thủy văn. Qua theo dõi các bản tin dự báo lũ nhận thấy, khi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh nhận được bản tin dự báo lũ thì tại thời điểm đó đã xuất hiện lũ về hồ rồi. Điều này có nghĩa là công tác dự báo, cảnh báo lũ về hồ còn chậm dẫn đến việc tham mưu ban hành lệnh vận hành điều tiết giảm lũ cho hạ du còn bị động. Có trường hợp lũ về nhanh, không kịp vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ.

Cũng theo ông Trương Xuân Tý, trong thời gian từ ngày 1.9 đến ngày 14.11, theo quy định của quy trình trên, thì trong điều kiện thời tiết bình thường đơn vị quản lý, vận hành hồ chủ động vận hành, điều tiết đảm bảo mực nước hồ không vượt quá cao trình mực nước cao nhất trước lũ. Khi có bản tin dự báo, cảnh báo hình thái thời tiết nguy hiểm gây mưa, lũ mà trong vòng 24 giờ đến 48 giờ tới khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh thì Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh quyết định vận hành để đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ. Như vậy, khi thực hiện đúng lệnh này thì dung tích phòng lũ cho vùng hạ du sẽ đạt mức tối đa. Nhưng trong tình hình thời tiết không mưa hoặc có mưa nhỏ thì các hồ chứa thủy điện sẽ tích không đủ nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm sau. 

"Các thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn mới đi vào hoạt động, và trong thời gian qua tình hình lũ lụt ít xảy ra nên việc xác định quan hệ giữa xả lũ với mức nước ở hạ du khó thực hiện được. Việc xác định vùng ngập lụt ứng với các mức xả lũ đòi hỏi nhiều thời gian. Vùng hạ du hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đều chịu ảnh hưởng chính của 4 hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đắk Mi 4 nên việc quy định mỗi hồ xây dựng bản đồ ngập lụt là chưa phù hợp. Cần phải xây dựng bản đồ ngập lụt trong điều kiện các hồ cùng tham gia vận hành điều tiết lũ theo nhiều kịch bản khác nhau" - ông Tý nói.

Nhìn nhận về các khó khăn trong công tác dự báo mưa, cảnh báo lũ để tính toán đưa ra quyết định vận hành hồ thủy điện điều tiết giảm lũ cho vùng hạ du hiện nay, ông Trương Tuyến - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh đề xuất, UBND tỉnh cần giao nhiệm vụ cho ngành chức năng xây dựng quy hoạch mạng lưới thủy văn dùng riêng của tỉnh. Thực hiện được việc này thì việc bố trí các trạm quan trắc, đo mưa sẽ được tính toán lắp đặt phù hợp đối với các vùng, lưu vực các hồ trên địa bàn. Như vậy các số liệu thu được từ các trạm sẽ đồng bộ, chính xác cao, phục vụ tốt công tác dự báo mưa, cảnh báo lũ và vận hành hồ thủy điện vào mùa mưa lũ.

Chủ động ứng phó

Thống nhất với các ý kiến thảo luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, việc quy hoạch mạng lưới thủy văn dùng riêng của tỉnh đang rất là cần thiết. Nhất là đối với các dự báo về hiện tượng Lanina diễn ra trong thời gian tới hết sức phức tạp, khốc liệt. Việc quy hoạch này thực hiện cho cả hai khu vực thượng lưu và hạ lưu. Đối với khu vực thuộc lưu vực hồ thủy điện thì đơn vị chủ quản phải có trách nhiệm khảo sát lắp đặt trạm quan trắc, đo mưa, đo lưu lượng nước đổ về. Còn khu vực hạ du thì UBND tỉnh sẽ đầu tư thực hiện và quyết tâm phải hoàn thành trong năm 2017. Việc xây dựng bản đồ ngập lụt khi hồ thủy điện vận hành xả lũ cũng phải được thực hiện, thể hiện chi tiết đối với từng vùng, từng kịch bản ứng phó, chứ hiện nay mới có bản đồ ngập lụt chung của tỉnh. 

"Từ quá trình triển khai thực hiện Quy trình 1537, tuy chưa có nhiều thời gian để kiểm chứng nhưng đã cho thấy những điểm chưa phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Trong khi chờ Trung ương xem xét bổ sung, điều chỉnh nội dung Quy trình 1537 cho phù hợp, thì Quảng Nam mong muốn được chủ động điều hành trong những tình huống bất thường, do Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh quyết định. Chúng ta cũng không thể vì sợ tốn kém mà không mạnh dạn trong việc đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo thiên tai. Bởi những thiệt hại do thiên tai gây ra là rất lớn, nhất là thiệt hại về tính mạng con người thì không có gì bù đắp được" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, quá trình thực hiện Quy trình 1537 trong thời gian qua đã cho tỉnh rút ra được các kinh nghiệm về vận hành hồ thủy điện điều tiết giảm lũ cho hạ du. Dù còn những điểm chưa phù hợp và phải kiến nghị Trung ương điều chỉnh nhưng trước mắt, việc vận hành các hồ phải tuân thủ theo đúng quy trình đề ra. Các bên liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhuần nhuyễn trong việc thực hiện vận hành hồ chứa, đảm bảo sự an toàn cho vùng hạ du. 

"Một vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là chúng ta phải tập trung làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân nắm, hiểu về các thông tin liên quan đến việc vận hành xả lũ của hồ thủy điện. Các thông tin mang tính chuyên ngành phải được chuyển sang thông tin phổ thông, dễ hiểu và in thành tờ rơi gửi đến cho các địa phương tìm hiểu. Các cấp ủy, chính quyền có trách nhiệm phổ biến lại cho người dân ở các khu dân cư nắm, hiểu dưới nhiều hình thức. Cốt làm sao để người dân trang bị đầy đủ thông tin, không còn phải bất an, lo lắng như thời gian qua. Từ đó, chủ động chuẩn bị ứng phó hiệu quả đối với các tình huống có thể xảy ra khi hồ thủy điện vận hành xả lũ" - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhấn mạnh.

NGUYÊN ĐOAN

NGUYÊN ĐOAN