Còn nhiều vướng mắc
Hơn 3 năm thực hiện (từ ngày 1.7.2013 đến nay), dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện, trong đó phần lớn xuất phát từ những các quy định của pháp luật.
Khó khăn
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ban hành hơn 39.750 quyết định xử phạt VPHC trên nhiều lĩnh vực khác nhau, con số tương ứng năm 2015 là hơn 45.680 quyết định. Như vậy, số quyết định xử phạt VPHC trong năm 2016 giảm so với cùng kỳ năm 2015. Điều này cho thấy công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý VPHC ngày càng được quan tâm, ý thức chấp hành của người dân được nâng lên; công tác tuyên truyền pháp luật về xử lý VPHC có hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý VPHC vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ những quy định của Luật Xử lý VPHC và các văn bản có liên quan.
Thời gian qua, tình hình VPHC trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều ở lĩnh vực an ninh giao thông, an toàn thực phẩm. TRONG ẢNH: Tổ công tác lực lượng Cảnh sát giao thông Công an Quảng Nam kiểm tra, phát hiện xe chở nội tạng động vật hôi thối. Ảnh: XUÂN MAI |
Bà Bùi Ly Dung - Trưởng phòng Quản lý xử lý VPHC và theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp) nêu ý kiến: “Một số quy định của Luật Xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa rõ ràng, còn chồng chéo nên các ngành, địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là việc xử phạt các trường hợp vi phạm”. Một cán bộ Phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ thông tin, để giải quyết kịp thời các trường hợp vi phạm và lập lại trật tự đô thị trên địa bàn, UBND TP. Tam Kỳ đã ban hành nhiều văn bản liên quan như quy trình xử lý VPHC trên lĩnh vực đất đai và trật tự xây dựng; quy chế phối hợp trong quản lý và xử lý VPHC về xây dựng, trật tự đô thị, hạ tầng kỹ thuật để làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố và UBND các xã, phường phối hợp xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm...
Tuy vậy, trong thực tế, việc áp dụng các quy định nêu trên không dễ. “Chẳng hạn tại khoản 2 Điều 2 của Luật Xử lý VPHC quy định việc xử phạt VPHC chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức, không áp dụng đối với hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Trong khi đó, thực tế hiện nay, các lĩnh vực như xây dựng, kinh doanh, tệ nạn xã hội, bảo hiểm, lao động,... có nhiều trường hợp hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm nhưng chưa có quy định cụ thể để xử lý; hay như luật quy định xử phạt đối với tổ chức nhưng chưa giải thích thế nào là tổ chức nên không có cơ sở để xác định đối tượng vi phạm là tổ chức hay cá nhân” - vị cán bộ này nói.
Nhiều điểm chưa phù hợp
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện gần 40 nghìn vụ VPHC trên tất cả lĩnh vực; xử phạt 39.787 vụ với hơn 41.100 đối tượng; với tổng số tiền phạt gần 30 tỷ đồng. Tình hình VPHC chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực an toàn giao thông, an ninh trật tự, đất đai, xây dựng, quản lý bảo vệ rừng, an toàn thực phẩm… |
Nhiều cán bộ làm công tác tư pháp cũng băn khoăn, Luật Xử lý VPHC còn một số điều khoản khác cũng quy định không rõ ràng, không phù hợp với thực tế nên việc xử lý cũng gặp khá nhiều khó khăn. Như tại điểm l khoản 1 Điều 10 quy định “VPHC có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn” nhưng thực tế quy định này chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn về quy mô, cấp độ nào hoặc giá trị hàng hóa từ bao nhiêu tiền trở lên thì được coi là lớn. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện Luật Xử lý VPHC còn khó khăn xuất phát từ các quy định của văn bản hướng dẫn thi hành luật. Theo ông Võ Ngọc Tốt - Trưởng phòng Tư pháp huyện Đại Lộc, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP và Nghị định số 121/2013/NĐ-CP có sự mâu thuẫn về thẩm quyền cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng đã gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan tham mưu trong quá trình thực hiện. Ngoài ra Nghị định 121 quy định cho phép nộp phạt để tồn tại công trình xây dựng không phép, sai phép nhưng lại không có văn bản hướng dẫn về thời gian áp dụng, cách thức áp dụng nên địa phương không thực hiện được. Cũng theo bà Dung, Luật Xử lý VPHC và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC không quy định cụ thể đối với các trường hợp đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng nếu người vi phạm không chấp hành thì có ban hành quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hay không.
Có thể nói, số lượng văn bản quy phạm pháp luật về xử lý VPHC quá nhiều, nhiều nội dung khó, phức tạp, không phù hợp với thực tiễn và một số vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật hiện nay chưa được sửa đổi, bổ sung đã gây khó khăn và làm giảm hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC. Bà Bùi Ly Dung cho biết, không chỉ vướng mắc trong các quy định của pháp luật mà các biểu mẫu ban hành kèm theo cũng không phù hợp. Chẳng hạn, một số quy định về biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 81/2013/NĐ-CP không phù hợp với thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính quy định của Bộ Nội vụ và chưa đáp ứng được thực tiễn áp dụng như không quy định mẫu quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; nhiều bộ, ngành chưa ban hành các mẫu văn bản phù hợp để sử dụng trong ngành, lĩnh vực, nên gây lúng túng, khó khăn trong việc sử dụng biểu mẫu. “Mới đây, chính phủ đã dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP trong đó có sửa đổi một số nội dung mang tính chất chung. Tuy nhiên, các bộ, ngành liên quan cũng cần sửa đổi những nội dung liên quan theo ngành, lĩnh vực mình phụ trách thì quy định về xử lý VPHC mới dễ triển khai trong thực tiễn” - bà Dung nói thêm.
CHÂU NỮ