Thực hiện Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh: Thay đổi diện mạo miền núi
Qua 4 năm triển khai, Nghị quyết 55/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Cùng với nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào, giai đoạn tiếp theo của nghị quyết còn đặt mục tiêu xây dựng miền núi phát triển toàn diện, hướng đến giảm nghèo nhanh và bền vững.
Diện mạo nông thôn miền núi trong tỉnh đang dần khởi sắc nhờ chương trình hỗ trợ đầu tư thực hiện theo Nghị quyết 55 của HĐND tỉnh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Bức tranh đa màu sắc
Không thể phủ nhận hiệu quả mang lại từ các chương trình, dự án đầu tư theo Nghị quyết 55 cho miền núi trong những năm gần đây. Khi các công trình cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư xây dựng, đời sống người dân dần được ổn định và nâng cao rõ rệt, qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh, sau nhiều năm triển khai, Nghị quyết 55 đã tạo nên bức tranh đa sắc màu cho miền núi. Điều đó được phản ánh rõ nét thông qua việc đầu tư đồng bộ, sự linh hoạt trong quá trình triển khai lồng ghép nguồn lực, cũng như chủ trương đúng đắn về chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết 55 giai đoạn 2016 - 2020, ngoài giữ nguyên các chỉ tiêu 100% số xã có điện; 98% số hộ được sử dụng điện; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 50% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; đạt 8 bác sĩ/vạn dân, 27 giường bệnh/vạn dân; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học và 38,5% lao động qua đào tạo; HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh tăng chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người lên 20 triệu đồng/năm thay cho 18 triệu đồng/năm. Đồng thời giảm tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới xuống còn 30% thay cho 60%; tỷ lệ có chợ khu vực cụm xã giảm 50% thay cho 100%; hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh 90% thay cho 95%; độ che phủ rừng 60% thay cho 65% và số xã đạt tiêu chí nông thôn mới giảm còn 25 xã thay cho 35 xã. Ngoài ra, HĐND tỉnh cắt giảm và không đưa vào nghị quyết đối với các chỉ tiêu về sản lượng lương thực bình quân đầu người; tỷ lệ gia đình văn hóa; tỷ lệ thôn văn hóa và tỷ lệ hộ xem truyền hình. |
Báo cáo thống kê của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy, giai đoạn 2013 - 2016, tổng vốn đầu tư xã hội khu vực miền núi ước gần 20.300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng khoảng 6.102 tỷ đồng, đáp ứng cơ bản hạ tầng thiết yếu cho người dân, tạo động lực phát triển khu vực miền núi. Ông Phạm Thế Quyền - Bí thư Huyện ủy Phước Sơn cho hay, từ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và trung ương, những năm qua địa phương đã lồng ghép thực hiện nhiều hạng mục công trình dân sinh, đảm bảo theo các chỉ tiêu Nghị quyết 55 đề ra. Đồng thời Phước Sơn cũng chú trọng đến các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, khuyến khích thu hút nguồn lực phát triển từ các dự án liên quan theo cơ chế đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, đến nay 100% số xã trên địa bàn Phước Sơn có đường ô tô đến trung tâm; 96% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 43,7%. “Cùng với chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, kiên cố hóa mạng lưới trường lớp, mô hình phát triển sản xuất…, Phước Sơn đã đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, sắp xếp dân cư tập trung, quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với xây dựng mục tiêu nông thôn mới. Tuy nhiên, do đặc thù của huyện miền núi nên kết quả thực hiện Nghị quyết 55 tại địa phương vẫn chưa cao, nhất là các chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo, có chợ khu vực cụm xã và số bác sĩ/vạn dân” - ông Quyền cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, từ các chính sách hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết 55 đã mang lại nhiều chuyển biến cho phát triển chung vùng miền núi, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm hơn 5,23%, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2016 ước còn 35% theo chuẩn mới. Qua nhiều đợt giám sát tại các địa phương cho thấy vẫn còn nhiều công trình, dự án được đầu tư nhưng lại chưa phù hợp với điều kiện thực tế ở miền núi, do vậy hiệu quả đem lại còn thấp. Trong khi đó, một số chính sách có giai đoạn thực hiện ngắn, nguồn lực không ổn định, không đáp ứng được yêu cầu phát triển vùng miền núi. “Một số chính sách đầu tư còn trùng lặp mục tiêu, đối tượng và nội dung đầu tư hỗ trợ nên dễ gây chồng chéo trong triển khai thực hiện. Ngoài ra, công tác lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn chưa được chủ động, trong khi nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực miền núi rất lớn nhưng khả năng đáp ứng nguồn vốn còn nhiều hạn chế; chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của vùng, đặc biệt lĩnh vực kinh tế từ rừng” - bà Thanh nói.
Phát triển toàn diện miền núi
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Hồ Quang Bửu cho biết, cho đến thời điểm này địa phương mới chỉ đạt được 5/19 nhóm chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 55. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là xuất phát điểm của Nam Trà My quá chênh lệch so với mặt bằng chung của các huyện miền núi, nhất là nhóm chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo và thu nhập bình quân đầu người. Trong khi đó, do địa hình cách trở, việc đưa các sản phẩm thế mạnh của vùng tiếp cận thị trường tiêu thụ rất khó; phong tục tập quán sản xuất của đồng bào địa phương còn lạc hậu; nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất từ ngân sách cấp trên phân bổ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu bức thiết người dân. Để giải quyết những khó khăn trên, theo ông Bửu, tỉnh và địa phương cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách đầu tư, đẩy mạnh huy động nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả việc đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển các mô hình sản xuất gắn với trồng vườn cây dược liệu dưới tán rừng, mà lợi thế của Nam Trà My chính là cây sâm Ngọc Linh.
Đầu tư kết cấu hạ tầng - nhu cầu bức thiết nhất tại miền núi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Còn theo ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang, qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 55, kinh tế - xã hội của địa phương có bước phát triển nhất định, đời sống người dân được nâng lên đáng kể với tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 44,3% theo chuẩn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 16 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện các mục tiêu chuyển dịch kinh tế nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa mới chỉ đạt được kết quả bước đầu, chất lượng và sức cạnh tranh còn yếu. Trong khi đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế, khai thác du lịch chưa xứng với tiềm năng vốn có, tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao. “Bên cạnh việc tập trung lồng ghép nguồn vốn, cũng cần có thêm các cơ chế chính sách ưu tiên phù hợp trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng kết nối liên vùng, đẩy mạnh giao thương, tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội ở miền núi” - ông Tài đề nghị.
Theo lộ trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 các địa phương tiếp tục tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế - văn hóa - xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân miền núi gắn với giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời lồng ghép thực hiện theo các nhóm dự án động lực lớn của tỉnh đầu tư phát triển vùng tây, gồm các nhóm dự án: sắp xếp, bố trí dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới; bảo vệ, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khai thác sản phẩm dưới tán rừng; phát triển chăn nuôi, hỗ trợ sản xuất; phát triển du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và nhóm dự án về phát triển kết cấu hạ tầng. Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, khó khăn lớn nhất ở miền núi hiện nay chính là hạ tầng còn yếu và thiếu, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, dẫn đến việc giảm nghèo thiếu bền vững. Để khắc phục các điểm yếu trên, ngoài định hướng cụ thể về phát triển sản xuất ở miền núi, trước hết cần đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hệ thống điện và nước sinh hoạt; nâng cao mức thu nhập cho người dân thông qua việc thúc đẩy sản xuất tại chỗ và đảm bảo quản lý tài nguyên rừng để người dân sinh sống dựa vào rừng. “Trung ương đang có Quyết định 22 về đầu tư cho nhà ở dân cư. Cùng với nguồn vốn này, HĐND tỉnh cũng sẽ dành nguồn lực ngân sách nhất định và huy động từ cộng đồng nhằm đảm bảo kiên cố hóa nhà ở, giúp đồng bào có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng nhấn mạnh.
ALĂNG NGƯỚC