Cầu "kiều" danh nhân

NGUYỄN DỊ CỔ 11/11/2016 08:22

“Bồng bồng mẹ bế con sang/ Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo/ Muốn sang thì bắc cầu kiều…” là lời ru nhưng như một chân lý lâu nay. Với đặc thù sông nước Việt Nam, không nơi nào là không có sông, suối, ao, hồ. Ngoài việc qua lại bằng đò giang, còn phải có cầu. Chiếc cầu không chỉ có công năng dân sinh hằng ngày mà còn trở thành hình ảnh thân quen, là kỷ niệm, ký ức của nhiều thế hệ, là chủ đề của nghệ thuật ngôn từ.

Quảng Nam xưa đã có những cây cầu được ghi trong Đại Nam nhất thống chí: cầu Lai Viễn, cầu Thanh Quýt, cầu khe Ngũ Giáp, cầu An Quán, cầu Vân Quật, cầu khe nhỏ Chợ Phố, cầu Kế Xuyên, cầu Địch Thái, cầu Mỹ Tây, cầu Chiên Đàn, cầu Ưu Đàm, cầu Phú Quý. Một số cây cầu này đã đi vào ngôn ngữ nghệ thuật: “Dạo từ sông trước, xóm sau/ Dưới thì Âm Bổn, chùa Cầu ở trên”, “Mua vôi chợ Quán chợ Cầu/ Mua cau Bất Nhị mua trầu Hội An” (chợ Quán tức chợ An Quán (?), chợ Cầu thuộc Điện Dương nay), “Gặp anh hùng khiến hỏi anh hùng/ Cầu mô đi mười hai tháng, phân cho cùng thiếp nghe?/ Kim Liên, Thủy Tú, Vĩnh Điện, Câu Lâu/ Quảng Nam có mấy cái cầu dài thay/ Ra sức đi chơi chưa trọn nửa ngày/ Lẽ mô có lẽ đi tày một năm/ Bạn hỏi ta nghĩ lại cũng nhằm/ Cầu chi đi mười hai tháng… có cầu Giáp Năm tê, bạn tề!”. Ngoài ra, Quảng Nam còn có các cây cầu gắn liền với những giai thoại, truyện kể như cầu Hội Nguyên, Hà kiều. Đặc biệt, hai cây cầu này gắn liền với 2 danh nhân của đất Quảng là Trúc Đường Phạm Phú Thứ và Hà Đình Nguyễn Thuật.

Thác bản văn bia “Hội Nguyên kiều bi ký” do Pháp in rập năm 1940. Ảnh tư liệu.
Thác bản văn bia “Hội Nguyên kiều bi ký” do Pháp in rập năm 1940. Ảnh tư liệu.

Hoàng Hương Việt đã sưu tầm một giai thoại về Hội Nguyên kiều: “Thuở xưa, làng Đông Bàn có con sông nhỏ, mùa lũ lụt nước chảy xiết, dân làng qua sông thường bị chết trôi từ đời này sang đời khác, còn chính quyền sở tại thì chẳng quan tâm đến tính mạng mọi người trong làng. Hiểu được nỗi khổ của dân trong việc đi lại đầy bất trắc này, trong lần đi thi Hội, khi bơi qua khỏi con sông, Phạm Phú Thứ nhìn xuống dòng nước mà tâm niệm rằng: Lần này nếu ta thi đậu ra làm việc nước sẽ xây cây cầu, cứu dân. Quả nhiên lần ấy, Phạm Phú Thứ đậu thủ khoa vì tài học của ông và sau đó không lâu, chiếc cầu được xây dựng đem lại sự an lành và thuận tiện cho biết bao người” (Giai thoại đất Quảng, tr.60). Về lịch sử cây cầu này, tác giả Nguyễn Hoàng Thân đã nhắc đến trong một luận án vào năm 2013. Đại thể có một văn bia “Hội Nguyên kiều bi ký” từ năm Tự Đức thứ 27 (1874) do dân làng Đông Bàn dựng nên để ghi lại quá trình xây dựng cây cầu này.

Theo đó, nội dung tóm lược như sau: “Xứ Cồn Đình làng Đông Bàn có con sông chảy qua nhưng chưa có cầu khiến cho việc đi lại rất vất vả. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Phạm Trúc Đường thi Hương đỗ đầu, ngày trở về quê nhà yết bái từ vũ, người trong làng cùng lòng xin Trúc Đường làm một cây cầu để dân làng đi lại thuận lợi. Ông từ chối. Sau đó, (ông) đỗ Hội nguyên và đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ đệ nhất danh. Ngày vinh quy, dân làng lại xin ông giúp cho việc làm cầu, ông đồng ý. Khoảng năm Tự Đức thứ 15 - 16 (1862 - 1863), (ông) gửi bạc tiền (về) được hơn mấy trăm xâu. Tháng 6 năm thứ 23 (1870), bắt đầu tập trung làm cầu. Cầu hoàn thành là nhờ sự đồng lòng của mọi người. Dân làng cho rằng (tỉnh) Phước Kiến nhà Thanh có cầu Trạng Nguyên, nên làng đặt tên là cầu Hội Nguyên với mong muốn dân làng nhìn vào đó để tiến bộ. Cầu dài 19 thước, cao 6 thước 3 tấc, rộng 7 thước 5 tấc. Tổng tiền hơn 1.000, ông đóng góp 750 xâu tiền, làng quyên góp hơn 300 xâu”. Tuy nhiên, cầu Hội Nguyên và tấm bia đá đã bị hư hại trong chiến tranh chống Mỹ, giờ chỉ còn trong ký ức của người dân địa phương.

Hà kiều là tên của một cây cầu hiện nay bắc qua dòng khe có tên là Hà khê (khe Sen). Hà khê còn có nhiều tên gọi khác là Hà trì (bàu Sen), Cửu khúc Hà trì (9 đoạn bàu Sen), mỗi tên gọi là ngôn ngữ hóa thạch minh chứng cho diện mạo và sự thay đổi theo thời gian của khe Sen này. Cây cầu này vốn có trước thời của Hà Đình Nguyễn Thuật, làm bằng tre, sau làm bằng ván nên còn có tên là cầu Ván. Nhưng theo năm tháng nó tiếp tục bị hư hỏng, Sơn phòng Nguyễn Tạo, anh ruột của Nguyễn Thuật, phải khởi xướng việc quyên góp làm cầu. Hiện nay vẫn còn một tấm bia 2 mặt, dựng vào tháng 8 năm Canh Tý đời Thành Thái (1900), do Hà Đình Nguyễn Thuật viết chữ, ghi lại việc trùng tu cây cầu. Cũng từ đó mà có tên là Hà kiều. Nội dung văn bia cho biết: “Khe Sen làng ta có một chiếc cầu làm từ lâu rồi, trước đây cầu bị gió mưa làm hỏng. Năm Thành Thái thứ 2 (1890), mới trùng tu, sửa chữa, gia cố lại, từ đó kể cũng trải mười năm dầu dãi, gỗ ván hư mục quá nhiều. Năm nay (1900 - NV) các vị thân lão trong làng cùng họp bàn sửa lại cầu theo cách mới.

Dùng đá xếp chồng dưới đáy khe, chừa ra năm lối cho nước chảy qua, xây đá kết thành lũy cao để bắc cầu qua thay cho trụ đỡ vậy. Phía trên được lát bằng ván dày, hai bên có thành lan can kết chặt bảo vệ. Công trình so với trước được gia cố với quy mô chắc chắn hơn, có thể lâu bền được. Việc này cứ theo nền nếp, thứ tự mà sắp xếp tiến hành, của cải trong làng chưa có nhiều, các quan thân đóng góp tiền của; nhà giàu có hào sản thì vật lực góp vào đầy đủ. Việc thuận lòng người thì ai cũng đều vui vẻ chung sức để làm, công đức to lớn này chẳng thể nào mai một vậy. Nhân đó mới dựng bia ghi việc làm cầu để khắc rõ tên họ, chức tước của những người có công đức vào đá cứng lưu truyền về sau” (Nguyễn Bằng, Nguyễn Văn Hà dịch). Theo văn bia, số tiền đóng góp của gia đình Hà Đình Nguyễn Thuật gấp 5 - 10 lần so với mỗi cá nhân khác. Văn bia này còn lưu giữ thông tin về kỹ thuật làm cầu lúc bấy giờ để chúng ta tham khảo, chứ hiện tại cây cầu này đã là một cây cầu bằng xi măng. Nhà bia còn có câu đối: “Nhất xuyên trừng tịnh luyện/ Thập lý tống hà phong (Một dòng lắng bùn trong/ Mười dặm đưa gió sen)”, làm ta nhớ đến hai câu thơ “Mười dặm hương sen mùi còn thoảng/ Bờ tây cầu ván ấy nhà ta” (Thập lý hà phong hương bất đoạn/ Bản kiều tây bạn thị ngô gia) của Hà Đình Nguyễn Thuật.

Dẫu cầu Hội Nguyên không còn, chỉ có chút liên quan địa danh Cống Ba (Điện Trung, Điện Bàn) nhưng tiếng tăm của nó vẫn còn đó, luôn gợi lên hình ảnh vị đại thần Phạm Phú Thứ thông minh, thao lược, hết lòng phụng sự quốc gia và lo lắng cho người dân. Mọi người mỗi lần đi qua cây cầu Hà kiều không thể không nhớ đến vị trọng thần Hà Đình Nguyễn Thuật mà ngay cả quan nhân triều Thanh cũng không tiếc lời khen ngợi. Hai cây cầu này như là biểu trưng cho nhân tài xứ Quảng, sang cầu như sang bờ bên kia của học vấn, của địa vị và bước ra thế giới bởi hai vị này đã từng đi sứ không dưới một lần.

NGUYỄN DỊ CỔ

NGUYỄN DỊ CỔ