Quốc hội thống nhất dành 2 triệu tỷ đồng phát triển kinh tế - xã hội
Sáng nay (10.11), 89,88% tổng số đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với tổng mức đầu tư tối đa là 2 triệu tỷ đồng.
Các đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết . Ảnh: quochoi.vn |
Tổng mức đầu tư 2 triệu tỷ đồng này bao gồm vốn ngân sách Trung ương là 1.120.000 tỷ đồng (vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng), trong đó phát hành 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (gồm cả 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 chuyển sang), tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250.000 tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.
Xác lập định hướng đầu tư tới năm 2020
Quốc hội xác định tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách, làm cơ sở đẩy mạnh sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác. Không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.
Ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn NSNN cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng; các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống, khắc phục tình trạng hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung.
Đối với tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp, Quốc hội ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế.
Theo định hướng trên, Quốc hội tán thành bố trí 72.817 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 để thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 43.119 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 29.698 tỷ đồng. Bố trí 5.000 tỷ đồng đầu tư giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Bố trí 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia.
Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và mức vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 cụ thể cho từng dự án quan trọng sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án này theo quy định của Luật Đầu tư công.
Bố trí vốn tập trung, không dàn trải
Nguyên tắc phân bổ vốn được đặt ra là phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020), Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc phân bổ vốn phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 và các văn bản liên quan.
Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, dở dang, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ nguồn NSNN; bố trí đủ vốn đối ứng các dự án ODA. Đồng thời, có các giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án quan trọng quốc gia; các dự án trọng điểm, cần thiết, cấp bách; các chương trình mục tiêu làm cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền.
Đối với các địa phương được bố trí vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020, phải cam kết bố trí phần vốn còn thiếu từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ. Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án so với tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư trung hạn, địa phương phải tự cân đối vốn bổ sung từ các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Đối với nguồn vốn nước ngoài, phải tính toán, cân đối giữa nhu cầu vay và khả năng trả nợ của các dự án đã triển khai và các dự án mới.
Bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên
Đối với nguồn vốn trong nước, không bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ, việc bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên: Thứ nhất, Nhà nước bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, không bố trí vốn NSNN để thanh toán các khoản nợ đọng phát sinh sau ngày 31/12/2014.
Thứ hai, Nhà nước bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Thứ ba, Nhà nước bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020 và cuối cùng, sau khi bố trí đủ vốn theo thứ tự ưu tiên nêu trên, trường hợp còn vốn Nhà nước sẽ xem xét bố trí cho các dự án khởi công mới.
Đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, việc phân bổ vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: Thứ nhất, bố trí đủ phần vốn trái phiếu Chính phủ còn thiếu trong tổng mức đầu tư của các dự án, công trình quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi theo đúng quy định tại Phụ lục số 3 của Nghị quyết số 726/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Dự án Di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Thứ 2, sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án trên, xem xét, bố trí vốn cho các dự án mới, thực sự cấp bách thuộc ngành y tế, giao thông, thủy lợi; chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Đối với nguồn vốn nước ngoài, bố trí đủ kế hoạch vốn cho các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân đối với số vốn ngân sách Trung ương đã ký kết hiệp định của từng dự án trong giai đoạn 2016-2020. Mức vốn kế hoạch trung hạn bố trí cho từng dự án không vượt quá số vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quốc hội quyết nghị người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc quyết định chủ trương đầu tư; chỉ quyết định chủ trương đầu tư những dự án thật sự cần thiết khi đã thẩm định, làm rõ hiệu quả của dự án, nguồn vốn, khả năng cân đối, bố trí vốn cho từng chương trình, dự án, bảo đảm dự án được phê duyệt có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện.
Theo Thành Chung/VOV