Cần xử lý dứt điểm ô nhiễm rác thải

TRẦN NGUYỄN 07/11/2016 08:25

Tình trạng ô nhiễm rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư đông đúc lại bùng phát trong thời gian qua, đã lộ rõ sự bất cập trong cơ chế vận hành, xử lý rác thải hiện nay.

“Điểm đen” ô nhiễm

Chỉ sau khi hàng chục tiểu thương ở chợ Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) đồng loạt ký đơn yêu cầu đơn vị thu gom, xử lý rác thải khẩn trương khắc phục ô nhiễm môi trường, thì cuối tháng 10.2016 đoàn kiểm tra liên ngành địa phương mới vào cuộc. Trước đây, do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị chi nhánh thị xã Điện Bàn đã không thực hiện đúng cam kết, để lượng rác tồn đọng nhiều gây bốc mùi hôi thối, khiến tiểu thương bức xúc. Bình quân mỗi ngày có gần 4 mét khối rác thải các loại xả ra, nhưng đơn vị thu gom đổ đống lại 3 - 4 ngày mới vận chuyển đi. Trời mưa rác theo nước chảy ra bên ngoài, làm cho mùi hôi phát tán. Nhiều tiểu thương kinh doanh đồ ăn uống than vắn thở dài: “Do mùi thối kéo dài nên tình hình buôn bán càng trở nên ế ẩm. Trong khi thuế má, tiểu thương nộp đủ đầy nhưng ban quản lý chợ vẫn không chịu thuê đơn vị môi trường thu gom, vận chuyển rác ra ngoài”. Ông Trần Văn Tho - Trưởng ban Quản lý chợ Vĩnh Điện cho biết, sở dĩ phụ thuộc nhiều vào mỗi Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị là vì đây là đơn vị có chức năng thu gom rác và trung chuyển đến các bãi rác để xử lý hợp vệ sinh. “Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác, đơn vị có thể tự thu gom rác nhưng không tìm ra chỗ xử lý. Sau khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, bước đầu công ty môi trường đã cam kết xử lý triệt để rác thải, bình quân 4 ngày trong tuần thu gom rác đến bãi thải. Ô nhiễm môi trường quanh chợ đến nay đã khắc phục nhưng vẫn chưa triệt để” - ông Tho nói.

Rác thải tràn ra ngoài đường quanh khu vực chợ Tam Kỳ.
Rác thải tràn ra ngoài đường quanh khu vực chợ Tam Kỳ.

Trong khi đó, quanh chợ Tam Kỳ (phường Phước Hòa), các hộ dân lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để buôn bán, ngoài việc gây mất trật tự đô thị còn xả rác thải nhếch nhác. Gặp trời mưa, nước và rác thải tràn ra ngoài đường. Ở chợ Hòa Hương (phường Hòa Hương), nhiều năm nay tồn tại 2 lò giết mổ và hàng chục tiểu thương buôn bán hàng gà vịt đã gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Ông Trương Công Thành - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hương cho biết, ô nhiễm quanh khu vực chợ luôn tái diễn, nhất là vào mùa mưa. Để giải quyết căn cơ bài toán ô nhiễm môi trường, chính quyền đề xuất xây dựng công trình thoát nước thải của chợ kết nối với hệ thống xử lý nước thải chung của thành phố.

Công nhân môi trường thu gom rác thải tại chợ Vườn Lài - Tam Kỳ. Ảnh: T.N
Công nhân môi trường thu gom rác thải tại chợ Vườn Lài - Tam Kỳ. Ảnh: T.N

Quá tải bãi rác

Yêu cầu cơ sở sản xuất bột hương khắc phục ô nhiễm môi trường
Sở Tài nguyên và môi trường vừa có văn bản yêu cầu UBND huyện Núi Thành giải quyết dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường của cơ sở sản xuất bột hương (thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ tổng hợp Thiện Nhân) tại thôn Tam Mỹ, xã Tam Xuân 1 (Núi Thành), không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người.
Trước đó, Sở Tài nguyên và môi trường nhận được phản ảnh của nhân dân qua đường dây nóng về hoạt động của cơ sở này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân tại khu vực.(VĂN PHIN)

Tiếp nhận và xử lý lượng lớn rác thải khổng lồ từ các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn lên, bãi xử lý rác thải Đại Hiệp (Đại Lộc) luôn trong tình trạng quá tải. Bãi rác này trước đây nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bãi rác ở xã Tam Xuân 2 (Núi Thành) cũng trong tình cảnh tương tự. Do rác lấp đầy ở bãi xử lý nên người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng vứt rác thải ra ngoài trời rồi tự tiêu hủy. Mới đây lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh phế liệu do bà Võ Thị Nhân (trú thôn An Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) làm chủ đã để 35m3 rác thải thông thường ngay bên ngoài khuôn viên không đúng quy định về bảo vệ môi trường. Cơ sở của bà Nhân có hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam để thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, nhưng số rác thải trên vẫn để tự phân hủy ngoài trời. Nhiều năm qua, 8 hộ dân đang sinh sống nằm sát bãi chứa rác ở xã Tam Xuân 2 chấp nhận sống chung với ô nhiễm nhưng chính quyền vẫn chưa có phương án di dời, bố trí tái định cư cho phù hợp.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 15 khu xử lý rác thải, trong đó chỉ có 6 khu xử lý với hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Các bãi rác ở miền núi hầu như đang được xử lý theo kiểu đốt thủ công nên không đảm bảo vệ sinh môi trường. Còn ở các khu vực đồng bằng, khoảng cách vận chuyển từ nơi thu gom đến điểm xử lý lại khá xa dẫn đến tình trạng ứ đọng rác, gây bốc mùi làm ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, thói quen của người dân khu vực nông thôn vẫn là đổ đống và đốt rác thải kể cả các loại chất dẻo như chai nhựa, cao su, túi ni lông ngay tại gia đình. Việc này không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây ra nhiều tác hại cho môi trường. Khí thải phát sinh ra từ các đống rác sẽ làm ô nhiễm môi trường không khí, gây mùi hôi, ảnh hưởng sức khỏe con người; nước rỉ do rác sinh ra sẽ chảy xuống ao hồ, ngấm xuống các mạch nước ngầm làm ô nhiễm nguồn nước.

TRẦN NGUYỄN

TRẦN NGUYỄN