Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân
Khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp những người sắp kết hôn phát hiện và điều trị sớm (nếu có) một số bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng sau này mà còn góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, việc này ít được các cặp đôi sắp kết hôn quan tâm.
Cần thiết
Theo bác sĩ Nguyễn Á - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân là nhằm giúp các cặp đôi nam nữ - vốn chưa có kinh nghiệm, bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn. Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, những người sắp kết hôn còn được tư vấn kiến thức để chuẩn bị mang thai, để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh; dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn... Thực tế cho thấy, không ít cặp vợ chồng sau khi kết hôn mới gặp phải những những rắc rối trong đời sống tình dục; mới phát hiện bạn đời của mình mắc các bệnh lý liên quan tới hệ sinh sản như vô sinh, hiếm muộn, viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung, rối loạn cương dương... “Khám sức khỏe tiền hôn nhân còn có thể phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau. Ngoài ra, cũng góp phần giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chẳng hạn các cặp vợ chồng trẻ sẽ có kiến thức, chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống vợ chồng nhằm khắc phục tối đa những lo lắng, sợ hãi, rối loạn cảm xúc, không thỏa mãn hay nghi ngờ lẫn nhau, hiểu rõ được những đặc tính của giới và tránh lây nhiễm cho nhau những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục” - bác sĩ Nguyễn Á nói thêm.
Khám sức khỏe sinh sản ở Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Bắc Trà My. Ảnh: PHÚC VIỆT |
Trước sự cần thiết và tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân trong việc xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho các các cặp vợ chồng trẻ và nâng cao chất lượng dân số, đã có ý kiến đề nghị Bộ Y tế bổ sung quy định bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân đối với các cặp nam nữ trước khi đăng ký kết hôn. Tại Quảng Nam, từ nhiều năm qua ngành y tế cũng đã đưa ra khuyến nghị này và chính thức triển khai khám sức khỏe tiền hôn nhân tại một số đơn vị chuyên môn như Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam...
Ít được quan tâm
Theo số liệu từ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, mỗi năm, trung tâm chỉ tiếp nhận tư vấn và khám cho khoảng 10 cặp. Đây là một con số rất nhỏ so với số cặp đôi kết hôn hằng năm. Chính vì sự thiếu quan tâm chăm sóc, tiếp thu kiến thức sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, đã có không ít trường hợp “vỡ chuyện ra mới giật mình”. Như chị L.T.B.H. ở xã Quế Long (Quế Sơn), kết hôn được hơn 3 năm mà chưa có con nên mới đi khám và chỉ khi ấy mới biết mình bị đa nang buồng trứng. “Rất tiếc là do chủ quan nên trước khi kết hôn chúng tôi không đi khám sức khỏe. Nếu khám và điều trị sớm, thì bây giờ có lẽ tôi đã có con bồng con bế” - chị H. tâm sự. Hỏi một số cặp vợ chồng trẻ, được biết họ không quan tâm đến sức khỏe tiền hôn nhân. Anh N.T.H. ở xã Đại An (Đại Lộc) nói, một phần là do trước khi cưới phải lo nhiều việc, một phần nghĩ mình khỏe mạnh, hoặc nếu có vấn đề gì thì sau cưới hãy can thiệp.
Theo bác sĩ Mai Văn Mười - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh, bên cạnh hoạt động truyền thông chung, việc cung cấp kiến thức tiền hôn nhân, kiến thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cho vợ chồng trẻ hiện nay chủ yếu thông qua hoạt động của các câu lạc bộ tiền hôn nhân ở các xã và 5 trường THPT của 5 huyện miền núi. Chẳng hạn như mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân cho vị thành niên và thanh niên ở xã Trà Tân (huyện Bắc Trà My). Theo bà Hoàng Thị Minh Đoàn- Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình Bắc Trà My, thông qua hoạt động của mô hình này, ngành y tế địa phương đã tổ chức khám sức khỏe, tư vấn cung cấp kiến thức cho các đối tượng, đồng thời làm các xét nghiệm cơ bản như viêm gan B, siêu âm, khám tổng quát. Qua đó đã phát hiện nhiều trường hợp có nguy cơ và chuyển lên tuyến trên để tiếp tục khám, điều trị... Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa thật sự phổ biến. Do vậy, hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân nói chung chủ yếu vẫn là cung cấp kiến thức khái quát; còn việc quan trọng không kém là kiểm tra tình trạng sức khỏe, sức khỏe sinh sản và can thiệp (nếu cần thiết) thì... tùy lúc, tùy nơi, tùy tình hình.
CHÂU NỮ – PHÚC VIỆT