Chế độ chính sách cho nạn nhân chất độc da cam: Nhiều bất cập cần tháo gỡ
Theo thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC) tỉnh, từ tháng 7.2014 đến 4.2016, có 1.694 người giám định y khoa và chỉ có 267 người được công nhận nhiễm CĐDC, hầu hết mắc bệnh đái tháo đường típ 2 và một số ít do bị ung thư.
VÌ sao số người bị nhiễm CĐDC ở Quảng Nam rất nhiều nhưng tỷ lệ được hưởng chế độ trợ cấp mấy năm gần đây lại thấp như vậy? Đâu là nguyên do?
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 2, điều 57, Thông tư 05 của Bộ LĐ-TB&XH, hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC là “một trong những giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng CĐDC: Quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng CĐDC được xác lập từ ngày 30.4.1975 trở về trước”. Tuy nhiên, trên thực tế các giấy tờ trên chỉ ghi phiên hiệu đơn vị mà không ghi rõ địa điểm đơn vị đóng quân, chiến đấu; do vậy khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chức năng không có căn cứ xác nhận thời gian tham gia hoạt động kháng chiến của đối tượng tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng CĐDC để làm cơ sở tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ ưu đãi.
Thứ hai, cho đến nay vẫn chưa có tiêu chí cụ thể xác định người bị nhiễm CĐDC. Pháp lệnh Ưu đãi người có công quy định là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC, còn Bộ Y tế hiện vẫn khẳng định không thể xác định được ai là người bị nhiễm CĐDC. Thứ ba, trong danh mục 17 loại bệnh tật do Bộ Y tế quy định, có những loại bệnh không nằm trong danh mục nên Hội đồng giám định y khoa không thể xác nhận bệnh tật. Thêm nữa, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp phải mất sức lao động từ 61% trở lên. Pháp lệnh Ưu đãi người có công chỉ quy định ưu đãi đến thế hệ thứ hai, tức con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC bị dị dạng, dị tật không tự lực trong sinh hoạt…, còn thế hệ thứ ba là đời cháu lại không có quy định nào để làm cơ sở công nhận. Một nguyên nhân nữa, đó là việc đi giám định làm các thủ tục, phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc, trong khi đó bệnh nhân hầu hết là người nghèo, cận nghèo, xa trung tâm thành phố, đi lại ăn ở gặp rất nhiều khó khăn.
Bà Trần Thanh H. ở Bắc Trà My cho biết, ban đầu, khi làm hồ sơ, bà được thông báo là cung cấp giấy ra viện nhưng sau đó bị trả lại và yêu cầu cung cấp bản tóm tắt bệnh án. Khổ nỗi, bệnh viện chưa biết nội dung mẫu bản tóm tắt bệnh án như thế nào nên không thể cấp bản tóm tắt bệnh án điều trị. Có những gia đình con được hưởng chế độ nhưng cha mẹ không được hưởng; hoặc ngược lại cha mẹ được hưởng nhưng con dị tật lại không được hưởng. Như trường hợp của vợ chồng ông Phan Thanh H. ở thôn Già Ban, xã Quế Bình (Hiệp Đức). Hai vợ chồng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam từ năm 1960 tới 1970, thời gian quân đội Mỹ rải chất độc hóa học nhiều nhất. Vợ chồng ông sinh con đều bị di chứng CĐDC, đặc biệt là đứa con trai duy nhất bị dị dạng bẩm sinh, chân tay co quắp, được hưởng chế độ CĐDC thuộc đối tượng con của người tham gia kháng chiến. Nhưng vợ chồng ông lại không được hưởng chế độ. Theo Hội đồng Y khoa, bệnh tật mà vợ chồng ông mắc phải lại không nằm trong danh mục để công nhận bị nhiễm CĐDC!
Ông Nguyễn Anh Cả, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh cho biết: Hiện nay hội có tổng số hội viên gần 12.000 người, trong đó chỉ có 4.747 người được công nhận là nạn nhân CĐDC. Vì vậy, nhiều hội viên chán nản vì là hội viên nhưng không phải là đối tượng được hưởng chế độ chính sách. Mặt khác, việc không thống nhất phương pháp giám định ngay từ đầu dẫn tới nhiều người tham gia cách mạng cùng thời điểm, cùng sống trong vùng bị phun rải chất độc hóa học nhưng kẻ được người không. Nếu giám định trước năm 2014 thì được công nhận là nạn nhân CĐDC, còn giám định sau năm 2014 lại không được công nhận, gây bất bình trong dư luận. Rất mong các cơ quan chức năng có những giải pháp tháo gỡ những bất cập ở trên, để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi CĐDC, đặc biệt là những người tham gia kháng chiến.
AN DÂN