Nỗ lực phòng chống căn bệnh thế kỷ

NGUYỄN DƯƠNG 26/10/2016 08:13

Là một trong những nơi tập trung nhiều dân cư nhất của tỉnh với các dịch vụ phức tạp nhưng Điện Bàn đã nỗ lực hết sức trong công tác phòng chống HIV/AIDS để giảm thiểu số lượng người mắc bệnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo bác sĩ Trần Lộc Quang - Phó khoa Kiểm soát dịch bệnh (thuộc Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn), hiện nay thị xã có 20 xã phường với gần 220 nghìn dân. Đây là vùng tập trung nhiều khu công nghiệp như Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Dương… với số công nhân tứ xứ đổ về hơn 30 nghìn người. Đặc biệt, tại địa phương hàng năm có hàng chục nghìn người đi làm ăn ở các thành phố lớn và nước ngoài trở về, chính vì vậy tình hình xã hội rất phức tạp. Việc kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS theo đó cũng khó khăn hơn rất nhiều. “Dân cư tập trung đông đúc, nhất là các vùng có công nhân. Các hình thức giải trí, vui chơi cũng theo đó mà sinh ra nên chúng tôi luôn phải nỗ lực hết sức để kiểm soát được tình hình” - bác sĩ Quang cho biết.

Tại Điện Bàn, người nhiễm HIV phát hiện đầu tiên vào tháng 12.1993 tại xã Điện Hồng, từ đó đến nay tăng lên 71 người. Trong đó đã chết 44 người, còn lại 24 người; số xã, phường có người nhiễm là 16/20. Những đối tượng này chủ yếu là do tiêm chích ma túy, một số ít là do quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Theo thống kê của cơ quan công an, đến tháng 5.2016 trên địa bàn có 175 người đang sử dụng ma túy, ma túy đá có 169 người. Điện Bàn có tổng cộng 124 nhà nghỉ, khách sạn; nhóm hành nghề có nguy cơ cao gồm có 367 quán hớt tóc… “Với số lượng công nhân cũng như nhóm hành nghề có nguy cơ cao trong việc lây nhiễm HIV/AIDS buộc chúng tôi luôn phải cẩn trọng với căn bệnh thế kỷ này. Ở đây, muốn phòng chống lây nhiễm thì hoàn toàn phải dựa vào ý thức của mỗi người dân.

Công tác tuyên truyền với nhiều hình thức tại Điện Bàn đã mang lại những hiệu quả cao trong việc phòng chống HIV/AIDS. Trong ảnh: Cán bộ TTYT Điện Bàn tư vấn cho người cai nghiện ma túy bằng methanol.
Công tác tuyên truyền với nhiều hình thức tại Điện Bàn đã mang lại những hiệu quả cao trong việc phòng chống HIV/AIDS. Trong ảnh: Cán bộ TTYT Điện Bàn tư vấn cho người cai nghiện ma túy bằng methanol.

Chính vì vậy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm sao cho phù hợp từng độ tuổi, từng ngành nghề để sâu sát hơn chứ không chỉ dừng lại ở hình thức” - bác sĩ Ngô Thoại - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn nói. Theo đó, mỗi quý trung tâm Y tế thị xã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể từng địa phương để tổ chức tuyên truyền cho người dân. Trong đó, những người đang hoạt động trong nhóm hành nghề có nguy cơ cao được ưu tiên nhất, kế đến là những phụ nữ mang thai, những đoàn viên thanh niên, nông dân…, đặc biệt là các chương trình trò chuyện với các em học sinh đang độ tuổi trưởng thành để cung cấp những kiến thức cần thiết nhất làm hành trang cho các em bước vào cuộc sống sau này.

Mỗi người bệnh là một tuyên truyền viên

Bác sĩ Trầm Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV tỉnh cho biết, với những chiến dịch truyền thông thiết thực trong thời gian qua, Điện Bàn đã góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh cao trong cộng đồng. “Ở Điện Bàn, công tác quản lý những người bệnh rất tốt đến tận từng thôn, xã để giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền, cách phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể để đạt được hiệu quả cao là một mô hình để các nơi khác học tập, làm theo, góp phần đẩy lùi căn bệnh thế kỷ. Sắp tới, trung tâm cũng có kế hoạch xây dựng Điện Bàn là một trong những nơi cấp pháp thuốc điều trị nghiện bằng methadone nên sẽ góp phần hơn nữa việc phòng chống HIV/AIDS ở đây” - bác sĩ Kiệm cho hay.

“Ngoài việc phòng chống lây nhiễm, chúng tôi cũng chú trọng đến việc giúp những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Ngoài việc theo dõi chặt chẽ, hỗ trợ tư vấn cho họ và người nhà về công tác điều trị, cách phòng tránh lây truyền cho cộng đồng, chúng tôi vận động họ trở thành những tuyên truyền viên đắc lực trong việc tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS. Không ai có thể hiểu được hoàn cảnh, môi trường lầm lỡ cho đến hình thức bị lây nhiễm bằng chính bản thân họ. Những trải nghiệm đó sẽ là kiến thức quan trọng, thiết thực hơn bất kỳ văn bản nào” - bác sĩ Trần Lộc Quang cho biết.

Hiện nay, đã có 15 người trong số những người bị nhiễm bệnh là những tuyên truyền viên tích cực nhất của địa phương trong các hoạt động của chương trình phòng chống HIV/AIDS. Anh N.T.T. quê ở Điện An là một trong những thành viên tích cực nhất trong công tác này. Anh cho biết, trước đây mình cũng theo bạn bè mà lầm đường lạc bước. Đến khi biết mình đã mang căn bệnh thế kỷ thì mọi thứ như sụp đổ. “Lúc đó chỉ muốn buông bỏ hết, nghĩ đến cảnh bị người đời dị nghị, cha mẹ thất vọng chỉ muốn tìm đến cái chết. Nhưng sau khi được các anh vận động, động viên, mình cũng muốn góp một chút sức gì đó để giúp cho những bạn trẻ sau này đừng lặp lại sai lầm của mình” - anh T. nói.

Tại những cuộc trò chuyện được tổ chức cho các học sinh trên địa bàn, T. đã chia sẻ những sai lầm trong quá khứ của mình, về những trò chơi tiềm ẩn nguy cơ nhưng khi mới lớn khó có thể nhận ra được. Đó chính là những bài học đắt giá nhất cho các em học sinh trên địa bàn. Em N.H.M., học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến cho biết, qua những buổi trò chuyện đó em đã rút ra được nhiều bài học cho bản thân mình. “Em cũng đang độ tuổi mới lớn, nên những cái gì mới lạ đều muốn được thử. Nhưng qua những buổi trò chuyện đó, em đã có những bài học đắt giá nhất” - M. nói.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG