Làng ơi!

DƯƠNG ĐỘNG VĂN HÀ 16/10/2016 09:53

Tôi sinh ra ở làng Văn Hà (xã Tam Thành - Phú Ninh), từ thuở nhỏ đã nghe mấy cô mấy thím kể chuyện hát nhân ngãi, có người còn hát đối đáp nhiều bài thật hay. “Văn Hà con gái có duyên/Con trai thủ chí lo miền làm ăn” là câu tôi thích nhất. Đàn ông làng tôi ai cũng biết làm nghề mộc. Ngày xưa thợ mộc Văn Hà nổi tiếng lắm. Nhiều ngôi nhà gỗ đẹp ở vùng phía nam của tỉnh Quảng Nam được làm bởi bàn tay tài hoa của trai làng tôi. Nhiều đình làng, chùa chiền có kiến trúc đẹp đều có công sức của thợ mộc Văn Hà. Chiến tranh đã tàn phá nhiều nhưng bây giờ vẫn còn những ngôi nhà cổ ở Lộc Yên (Tiên Phước), đình Chiên Đàn (Tam Đàn - Phú Ninh), Văn thánh Khổng miếu (Tam Kỳ)... Và nhiều ngôi nhà ở các làng Bầu Tâu, Tú Hội, Văn Hà, Trường Thành, Khánh Lộc... (Tam Thành - Phú Ninh).

Làng quê, nơi chất chứa nhiều kỷ niệm trong tôi. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng quê, nơi chất chứa nhiều kỷ niệm trong tôi. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Làng bây giờ chỉ còn duy nhất bác Thẩm vừa là thợ vừa là thầy, nhưng tuổi bác đã trên chín mươi, may mà bác còn minh mẫn để mỗi khi muốn nói về nhà gỗ mít với kèo tam đoạn, về nét chạm tài hoa trên quả bí hoặc chiếc bàn xoay kỳ bí, tôi lại về làng hỏi bác. Nhiều khi không về quê được cũng phải đành lòng dằn cái tự trọng của trai làng Văn Hà mà hỏi ông anh Nguyễn Thượng Hỷ là người gốc Huế. Thợ mộc Văn Hà chỉ nổi tiếng thời xưa chứ bây giờ thì hầu như không có sản phẩm nào được ưa chuộng như thợ Kim Bồng (Hội An) hoặc các làng nghề ngoài Bắc. Bây giờ tài hoa và mồ hôi của thợ mộc Văn Hà chỉ còn lưu dấu ở những ngôi nhà cổ và trong chuyện kể.

Làng tôi nghèo, một làng quê không có núi cao, không có sông mà cũng chẳng có hồ. Chỉ có những ngọn đồi bát úp với nhiều mồ mả và cây sim, cây mua, cây móc. Ruộng đồng không cò bay thẳng cánh mà nhiều đám nhỏ, đám thấp, đám cao..., nhưng hầu như nhà ai cũng có vườn để trồng khoai lang, khoai sắn và gần nhà thì trồng thơm, trồng tiêu. Làng tôi nghèo nhưng trong trái tim tôi vẫn là ngôi làng đẹp và đầy ắp thương yêu. Tuổi thơ tôi lấm lem bùn đất và gắn bó từng thửa ruộng, bờ mương, ao đìa với con cá con lươn. Tôi nhớ suốt đời vị ngọt và chua của trái trâm, vị chát của trái móc. Tôi không bao giờ quên những trưa hè đá banh chuối (trái bóng làm bằng lá chuối gói lại), rồi chạy ra đồng hái trộm trái dưa gang, chùi vội vào cái quần xà lỏn, nhai ngấu nghiến, xong, chạy về nhà, ra ảng kéo gáo tu một bụng nước lạnh mát ơi là mát! Buổi chiều thả bò ra đồng hoặc đồi hoang để say sưa với con dế ô than, ô sậm hoặc cánh diều giấy bay tít tắp giữa trời chiều. Tôi nhớ từng cây trâm trên đồi núi Cốc, từng cái giếng như giếng Bố, giếng Cơm, giếng Ý, giếng Oản, giếng Chờ...

Tôi chẳng thể nào quên khi đi câu cá rô mùa lúa trổ hay đi vét ruộng, tát đìa bắt cá. Ngày Tết Mùng năm hay ngày Tết Nguyên đán, xách cái giỏ nhựa với đòn bánh tét, một chục bánh ít, hai chiếc nem và chai rượu trắng theo cha đi tết ông bà nội ngoại... Khi trống ngoài trường làng giục tùng… tùng..., lại háo hức bài chòi, lô tô. Tôi thèm được ăn ngon lành thịt heo dẫu là thịt heo mỡ như ngày xưa đi ăn chạp mả. Và mỗi khi gần tết đi ăn tất niên nhà bạn hoặc cúng xóm cuối năm tôi lại lặng thầm khóc vì nhớ mẹ. Ngày xưa mỗi khi xóm cúng, mẹ nấu nồi cơm đầy, độn ít khoai và dặn đợi mẹ về hãy ăn. Anh em nhà tôi ngồi dõi mắt ra ngõ chờ mẹ. Quá ngọ mẹ về với một bọc lá chuối toàn thịt heo. Mẹ bảo tụi con ăn đi, thế là anh em tôi ăn một bữa cơm ngon, no đến “cành hông”. Sau này mới biết ra ngoài làng, mẹ và các cô, các thím chỉ ăn cơm với nước rang (nước nấu bằng mỡ heo) và rau ghém (cải cay xắt nhỏ), còn thịt thì chia phần đem về cho con. Ơi những người mẹ của làng tôi!

Bây giờ làng không còn như ngày xưa. Những ngôi nhà với ngõ đá nhà tranh với bờ chè tàu có dây tơ hồng và những vườn tiêu, vườn thơm không còn nữa. Những đứa trẻ của làng học hành khôn lớn giờ đã đi xa. Có đứa là kỹ sư, bác sĩ, có đứa thợ điện, thợ hồ nhưng cũng ra dáng “đại gia”. Tết đánh ô tô chở vợ con về làng rồi ra đồi thắp hương cho ông bà, xong, cúng vội, ăn vội. Vội vã trở về rồi vội vã ra đi với vô vàn lý do. Bận phải lo tiếp khách cơ quan, bận trực tết, bận đi thăm đối tác làm ăn... Có đứa nói thật, vợ con không ngủ được vì không có máy lạnh, không ở lại một ngày vì không tắm được ngoài giếng... Quà tết của cha mẹ, chị em là dăm đòn bánh tét, vài chục bánh ít hoặc con gà, con vịt, dùng dằng rồi gửi lại vì xe chật quá, hơn nữa ô tô máy lạnh không thể chở được mấy cái lồng gà, lồng vịt... Ơi những thằng con chân đất của làng! Những đứa còn lại thì dời nhà ra dọc con đường thảm nhựa chen chúc nhau mà vui. Sáng cũng cà phê, chiều cũng bia bọt như ở phố. Chẳng còn mấy đứa tha thiết với ruộng vườn. Đi làm thợ hồ cơm ăn nước uống, chiều chủ đãi bia bọt công ngày hai trăm rưỡi nghìn, còn phụ hồ cũng xấp xỉ hai trăm thì hạt lúa củ khoai chẳng là “cái đinh” gì. Bỏ tiền công một tháng mua lúa thì một năm làm ruộng của phú nông ngày xưa cũng không bằng chứ đừng nói đến bần nông, bần cố nông…

Tôi về làng thăm bà con, người thân trong xóm cũ chỉ gặp toàn người “sứt cây gãy cán”. Những ông bà già thui thủi, ông thì tai biến nằm đã mấy năm; những thím những cô lưng còng tóc trắng quanh năm vẫn cần mẫn với ruộng vườn. Họ sống bằng hạt lúa củ khoai và những đồng tiền của cháu con thơm thảo gửi về. Tôi đi dọc con đường bê tông để nhớ quả mâm xôi, hoa dủ dẻ. Dạo lên rừng núi Cốc thì chỉ còn những hố hầm sâu đầy nước với lời cảnh báo hiểm nguy. Người ta đã múc ngọn đồi này để đổ nền đường cao tốc. Và nghe đâu đồi Nổng Giếng, Tam Phương rồi cũng như vậy. Tôi lại về Dương Động thắp hương cho ông bà, cha mẹ. Đứng trên ngọn đồi cao nhìn ra, cánh đồng đã gặt xong chỉ còn toàn gốc rạ. Thi thoảng vài con trâu nhẩn nha tận hưởng hạnh phúc sau mùa gặt và một vài cánh cò. Lòng ngổn ngang buồn vui về vật đổi sao dời. Tôi ngửa mặt nhìn trời chiều và đau đáu gọi: làng ơi!

DƯƠNG ĐỘNG VĂN HÀ

DƯƠNG ĐỘNG VĂN HÀ