Cầu nối thắm tình hữu nghị
Hôm nay 6.10, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh tổ chức đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Trước thềm đại hội, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Hoàng Châu Sinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh cho biết:
Thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, những năm qua, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh (thành lập năm 2000) tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm mở rộng, tăng cường quan hệ đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước nói chung và Quảng Nam - Sê Kông nói riêng. Bên cạnh hoạt động của hội, các cơ quan, đoàn thể của tỉnh cũng tổ chức những chương trình giao lưu, kết nghĩa với các cơ quan, ban ngành, địa phương của nước bạn Lào. Những hoạt động này góp phần làm cho tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào ngày càng thêm gắn chặt và sâu nặng.
|
Đoàn công tác của tỉnh thăm, chúc mừng Tổng lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng nhân kỷ niệm 40 năm Quốc khánh Lào. Ảnh: L.H |
Cầu nối hữu nghị
- PV: Ông có thể nói rõ hơn hoạt động của hội trong thời gian qua?
- Ông Hoàng Châu Sinh: Hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh cũng như các cơ quan, đoàn thể chính trị xã hội khác được cụ thể hóa bằng các chương trình xã hội giúp nhân dân Lào, như khám bệnh phát thuốc, thăm tặng quà tết, trao học bổng, hỗ trợ thiết bị trường học… Hầu hết hoạt động đều được thực hiện thông qua việc vận động nguồn kinh phí từ các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm... Đặc biệt, giai đoạn 2012 - 2016, hội đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức các chuyến công tác từ thiện nhân đạo, tặng quà, khám chữa bệnh về mắt và phát thuốc miễn phí cho hơn 1.000 lượt người dân tại tỉnh Sê Kông và Chămpasắk (Lào); tặng hàng chục suất học bổng cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú và Trường Hữu nghị Lào - Việt. Tổng giá trị cho các đợt hoạt động hơn 2 tỷ đồng… Ngoài ra, các Chi hội Trường THPT Trần Quý Cáp, Trường Cao đẳng Y tế, Trường Đại học Quảng Nam… cũng triển khai nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác nổi bật. Trong đó, Chi hội Trường Đại học Quảng Nam tổ chức đưa sinh viên Lào đi tham quan thực tế, duy trì câu lạc bộ tiếng Việt cho sinh viên Lào; tổ chức chương trình đưa sinh viên vào sống, sinh hoạt với các hộ dân trên địa bàn theo hình thức homestay giúp sinh viên Lào tìm hiểu phong tục tập quán và văn hóa Việt Nam, đồng thời qua đó nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Việt.
- PV: Theo ông, để công tác đối ngoại nhân dân nói chung và hữu nghị Việt Nam - Lào nói riêng đạt kết quả, người cán bộ hội cần phải có những phẩm chất nào?
- Ông Hoàng Châu Sinh: Trước tiên, phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò của hoạt động hữu nghị giữa các dân tộc nói chung và tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào nói riêng. Nếu không nhận thức đúng sẽ xem đây chỉ là hoạt động có tính hình thức. Về mặt tổ chức, từ hội đến các chi hội phải hình thành ban chấp hành, bao gồm những cán bộ có tâm huyết, nhiệt tình và có hiểu biết nhất định về công tác đối ngoại nhân dân, về quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; có tư duy năng động, làm việc xuất phát từ tình cảm hữu nghị, vì lý tưởng cách mạng. Bởi vì các hoạt động hữu nghị đều trên cơ sở tự nguyện, không vụ lợi. Nếu bản thân cán bộ hội và các chi hội không có tình cảm quốc tế trong sáng, không am hiểu đường lối đối ngoại nhân dân của Đảng thì sẽ khó có được sự nhiệt tình, bản lĩnh và ý chí để thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, hoạt động hữu nghị Việt Nam - Lào không thể bó hẹp trong khuôn khổ nhất định mà phải lan tỏa, đặc biệt là ở các cơ quan, trường học, các đơn vị, địa phương kết nghĩa của hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông.
Đổi mới công tác hội
- PV: Nhiệm vụ trọng tâm hội sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ đến là gì, thưa ông?
- Ông Hoàng Châu Sinh: Một trong những hạn chế ở nhiệm kỳ qua đó là hội chưa tạo được mối quan hệ với các doanh nghiệp có tham gia hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào. Điều đó ảnh hưởng đến việc đổi mới công tác hội trong thời kỳ hiện nay - thời kỳ lấy xây dựng kinh tế làm trọng điểm, có nghĩa công tác của hội cũng phải góp phần phục vụ nhiệm vụ kinh tế đối ngoại. Do đó, ngoài những nhiệm vụ cốt yếu khác, hội sẽ tích cực thúc đẩy kêu gọi hỗ trợ, hợp tác kinh tế giữa hai nước, hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đơn vị với tinh thần bình đẳng, hai bên cùng có lợi.
- PV: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên cũng như hiệu quả hoạt động chung của hội trong nhiệm kỳ đến, đại hội lần này sẽ phải tạo nên những thay đổi, thưa ông?
- Ông Hoàng Châu Sinh: Hoạt động của hội thời gian qua căn cứ theo Điều lệ đã được Đại hội đại biểu Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh lần thứ I (nhiệm kỳ 2008 - 2013) thông qua, gồm 6 chương, 14 điều. Tuy nhiên, đến nay Điều lệ hoạt động đã bộc lộ một số bất cập. Trong khi đó, bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều chuyển biến, quan hệ hai nước Việt Nam - Lào không chỉ là quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt mà còn là mối quan hệ hợp tác toàn diện. Trong nhiệm kỳ thứ II, hoạt động của hội sẽ được củng cố, phát huy hơn thông qua việc sửa đổi điều lệ, bổ sung thành viên ban chấp hành, đồng thời bám sát tinh thần Chỉ thị 04 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) và Chỉ thị 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”.
Cũng xin nói rõ thêm, do điều kiện đặc thù trong hoạt động nên đến năm 2016 này hội mới tiến hành Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 2016 - 2021) và việc sửa đổi, bổ sung điều lệ mới được thực hiện. Theo đó, dự thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung gồm 8 chương, 25 điều, sẽ được trình để đại hội biểu quyết, thông qua; ban chấp hành khóa mới cũng sẽ được bổ sung thành viên là đại diện của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương.
- PV: Xin cảm ơn ông!
VINH ANH