Nhà nông đua tài
Hội thi Nhà nông đua tài tỉnh lần thứ IV năm 2016 do Hội Nông dân tỉnh tổ chức vừa bế mạc vào tối ngày 4.10. Tham gia hội thi có gần 200 thí sinh là cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu xuất sắc đại diện cho gần 230 nghìn hội viên nông dân từ 18 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Nông dân thời nay
Từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, Hội thi Nhà nông đua tài được tổ chức theo 3 phần thi gồm: “Chúng tôi nói về chúng tôi”, “Ai giỏi hơn ai”, “Tài năng nông dân”. Mỗi phần thi đều có những ý nghĩa, nội dung riêng để đánh giá sự tài năng, khéo léo và am hiểu kiến thức nhà nông của những cán bộ, hội viên nông dân. Ở phần thi “Chúng tôi nói về chúng tôi”, bằng những làn điệu dân ca, những tiểu phẩm ngắn, các đội đã giới thiệu được đặc trưng vốn có của mảnh đất, con người mỗi địa phương. “Ai giỏi hơn ai” là phần thi về kiến thức, đòi hỏi thành viên trong từng đội phải chuẩn bị kỹ lưỡng mới có thể trả lời được các câu hỏi liên quan đến nhiều lĩnh vực như tìm hiểu chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức hội nông dân, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm. Phần thi “Tài năng nông dân” thể hiện rõ nhất sự tài tình, khéo léo của những nông dân khi họ hóa thân thành những diễn viên trong các tiểu phẩm kịch ngắn, tấu hài, dân ca, hát múa… Nhiều tiểu phẩm đã để lại ấn tượng sâu đậm trong người xem khi phản ánh được những vấn đề nóng hổi, bức xúc trong xã hội hiện nay như: an toàn vệ sinh thực phẩm, sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người trong xã hội, hay vấn đề phá rừng, đốt rừng, tảo hôn ở miền núi…
Một tiết mục trong phần thi “Tài năng nông dân” được đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức. Ảnh: V.A |
Trải qua các hội thi cấp xã, phường, thị trấn cho đến cấp huyện, thị, thành phố và cấp tỉnh, Hội thi Nhà nông đua tài đã thực sự trở thành một sân chơi bổ ích. Qua từng hội thi cho thấy, nông dân thời nay không chỉ là hình ảnh của sự vất vả, cực khổ quanh năm với đồng áng, ruộng vườn mà họ còn có những năng khiếu, sự am hiểu kiến thức trên các lĩnh vực cuộc sống và lao động sản xuất. Đánh giá về Hội thi Nhà nông đua tài tỉnh Quảng Nam lần thứ IV năm 2016, bà Lê Thị Minh Tâm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng: “Qua hội thi có thể thấy được nông dân ngày hôm nay không chỉ lao động, sản xuất - kinh doanh giỏi mà còn hiểu biết, nắm bắt kiến thức, kinh nghiệm phục vụ cho chính cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, họ còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ giúp đỡ những nông dân khó khăn vượt lên thoát nghèo; biết gìn giữ phát huy những giá trị truyền thống của quê hương qua những làn điệu dân ca, hò vè…”.
Vẫn còn những “hạt sạn”
Kết quả Hội thi Nhà nông đua tài tỉnh lần thứ IV: Hội Nông dân huyện Duy Xuyên và Thăng Bình đoạt giải Ba, giải Nhì thuộc về Hội Nông dân huyện Hiệp Đức và thị xã Điện Bàn, giải Nhất được trao cho Hội Nông dân huyện Đại Lộc. Ban tổ chức còn trao 13 giải Khuyến khích và các giải phụ khác. |
Đơn vị huyện Bắc Trà My chỉ dành được giải Khuyến khích nhưng không vì thế mà các thành viên trong đội không vui. Chị Nguyễn Thị Lan (cán bộ phụ nữ thôn Mậu Long, xã Trà Sơn, Bắc Trà My) chia sẻ: “Năm thành viên của đội thi Bắc Trà My đều là những nông dân chính hiệu, đi thi với tinh thần học hỏi, giao lưu là chính. Dù không đạt được giải cao nhưng toàn đội vẫn cảm thấy vui vẻ vì đã cố gắng hết mình. Đặc biệt, qua hội thi này những nông dân như chúng tôi không chỉ nắm được nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và kiến thức bổ ích về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mà còn “học lóm” được nhiều mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường… để về tuyên truyền, nhân rộng tại địa phương mình”. Được biết, chị Lan là hộ nông dân mới bắt đầu khởi nghiệp đầu tư về chăn nuôi heo, gà, vịt. Vì vậy, chị cho biết hội thi không khác nào một lớp tập huấn để chị tiếp thu những kiến thức quý nhằm áp dụng trong thực tiễn gia đình.
Xét một cách tổng quan thì Hội thi Nhà nông đua tài tỉnh Quảng Nam lần thứ IV đã thành công tốt đẹp, như ban tổ chức đánh giá: “Với Hội thi Nhà nông đua tài, có thể tất cả chúng ta đều giành chiến thắng. Bởi chúng ta đã hoàn thành tốt hội thi ở cấp mình, đã tạo ra được sân chơi bổ ích cho nông dân sau những ngày lao động mệt nhọc”. Tuy nhiên, cũng như nhiều hội thi phong trào khác, vẫn còn đó những “hạt sạn” rất khó khắc phục. Có thể thấy, trong khi một số đơn vị dự thi “thật thà” tuyển chọn thành viên đều là “hai lúa” thì một số đơn vị vẫn chưa trung thực khi cử thành viên tham gia đội thi. Đó là những ý kiến mà chúng tôi ghi nhận được từ hàng ghế khán giả sau khi hội thi kết thúc.
Hội thi là sân chơi cho cán bộ, hội viên nông dân, nhưng không ít đội vẫn cử thành viên là cán bộ các ban ngành, đoàn thể khác của huyện. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi về sự công bằng của hội thi. Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều người vẫn thắc mắc vì sao không có một đơn vị ở miền núi nào được chọn để trình diễn trong đêm công diễn và bế mạc. Trong khi, một số tiểu phẩm được ban tổ chức đánh giá là “mang tính tuyên truyền, vận động, giáo dục tốt” như tiểu phẩm “Tình rừng” của Nam Giang, hay “Đốt rừng” của Đông Giang lại không được chọn để công diễn. Khán giả đã đặt câu hỏi, giá như có một tiết mục của vùng cao được chọn để trình diễn trong đêm công diễn thì hội thi sẽ để lại nhiều ấn tượng đẹp hơn; sự hụt hẫng, tiếc nuối sẽ không đọng lại trong lòng người xem...
ANH ĐÔNG