Giữ rừng để giữ khoáng sản

TRẦN HỮU 04/10/2016 09:28

Tài nguyên rừng và khoáng sản trên địa bàn tỉnh liên tiếp bị khai thác vô tội vạ, ngoài gây thất thoát tiền của Nhà nước còn để lại hậu quả xấu về môi trường. Vì vậy, đề xuất những giải pháp bảo vệ hữu hiệu, mới mẻ là hết sức cần thiết.

Rừng chưa yên

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra những vụ phá rừng tập trung ở các nơi đa dạng hệ sinh học. Trên hồ sơ giấy tờ, các khu rừng có chủ là các tổ chức, đơn vị quản lý bảo vệ rừng (BVR), hay đã được giao khoán cho cộng đồng dân cư. Hơn 5 năm trở lại đây, rừng phòng hộ Sông Tranh không bình yên bởi hàng trăm hộ dân tái định cư ở xã Trà Bui (Bắc Trà My) sinh sống trong rừng nhưng lại thiếu đất sản xuất, buộc họ bất đắc dĩ “quay lưng” lại với rừng tìm sinh kế. Đại diện chủ rừng - Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh thừa nhận: “Nếu người dân tiếp tục khan hiếm đất sản xuất và các làng tái định cư còn hiện hữu tại đây thì không ai dám chắc rằng tài nguyên sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt”. Bước đầu cơ quan chức năng xác nhận có hàng chục hộ dân ở xã Trà Bui là đối tượng xâm hại trực tiếp với diện tích mà Nhà nước đã giao cho họ nhận khoán BVR.  Hay tại rừng phòng hộ Phú Ninh, thống kê 10 năm nay có ít nhất 2.000ha đất rừng bị người dân xâm hại. Nóng nhất là ở tiểu khu 688 (thuộc thôn 8, xã Phước Hiệp, Phước Sơn), lực lượng chức năng huyện Phước Sơn vừa phát hiện tại các khoảnh 8, 9 của tiểu khu này diện tích rừng trồng bị phá trái phép gần 17ha.

Dai dẳng khai thác vàng trái phép tại xã Tam Lãnh (Phú Ninh). Ảnh: TRẦN HỮU
Dai dẳng khai thác vàng trái phép tại xã Tam Lãnh (Phú Ninh). Ảnh: TRẦN HỮU

Vì sao nạn phá rừng tồn tại dai dẳng? Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm lý giải, có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, song cái chính là phân định ranh giới, đóng mốc đất rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất chưa thể hiện rõ trên bản đồ và ngoài thực địa. Điều này dẫn đến hậu quả diện tích rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Cạnh đó, chính quyền lẫn ngành chức năng thiếu kiểm tra, giám sát các hợp đồng giao khoán BVR. Diện tích quản lý ở các chủ rừng còn quá lớn trong khi chế tài, trách nhiệm lại không cụ thể. Thu nhập của người dân tham gia BVR thấp; quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chưa đáp ứng với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Và nữa, tội phạm phá rừng gia tăng, song quá trình điều tra phá án, đưa ra xét xử lại quá ít ỏi. Đơn cử, từ năm 2015 đến nay, trong số 59 vụ cơ quan kiểm lâm chuyển cơ quan điều tra, có đến 53 vụ chưa xử lý (26 vụ công an đình chỉ điều tra do lâm tặc “bỏ của chạy lấy người”).

Phá rừng ở khu vực đầu nguồn rừng phòng hộ Sông Tranh, địa phận xã Trà Bui hồi cuối năm 2015.
Phá rừng ở khu vực đầu nguồn rừng phòng hộ Sông Tranh, địa phận xã Trà Bui hồi cuối năm 2015.

Thất thoát khoáng sản

Những năm trước đây, do “sát hạch” các dự án thăm dò, khai thác khoáng sản  (KTKS) còn dễ dãi, nhiều đơn vị đã bất chấp quy định pháp luật, ồ ạt khai thác để thu hồi vốn nhanh, khai báo không trung thực để “chạy” thuế, phí môi trường.  Hệ lụy để lại nặng nề, nhà nước ngoài mất nguồn thu ngân sách còn tốn công sức và tiền của giải quyết những vấn nạn về ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội. Nhiều dự án công trình trọng điểm, đặc biệt dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khiến nhiều nơi lúng túng trong tìm mỏ đất nguyên liệu phục vụ thi công. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN-MT cho hay, dù đã cấp phép theo quy hoạch để dễ quản lý nhưng không ít doanh nghiệp khai thác ngoài ranh giới mỏ, vượt công suất cho phép; hoặc tranh thủ tận thu khi giấy phép đã hết hạn; thực hiện chưa đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như cam kết bảo vệ môi trường.

Sở TN-MT thống kê, đến tháng 8.2016 có tổng cộng 157 quyết định phê duyệt cấp quyền KTKS với tổng số tiền gần 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu này là không lớn, chưa tương xứng với giá trị tài nguyên các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh. “Chảy máu” tài nguyên phổ biến nhất là hoạt động trái phép xảy ra ở hầu hết địa phương, chủ yếu khoáng sản vàng, thiếc, cát sỏi lòng sông, đất sét làm gạch, đất san lấp, cát trắng...

Bảo vệ rừng mới giữ được khoáng sản

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, từ năm 2015 đến tháng 6.2016, cơ quan này đã khởi tố 59 vụ liên quan phá rừng. Các huyện Nông Sơn, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang được xác định là các “điểm nóng” xâm hại rừng, khoáng sản. Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt trữ lượng 81 báo cáo kết quả thăm dò; cấp gia hạn, cho phép chuyển nhượng 258 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, nhưng đến nay chỉ 122 giấy phép còn hiệu lực. Theo thống kê, các khoản thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 5 năm qua hơn 2.183 tỷ đồng.

Các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My, Phú Ninh... là những nơi tái diễn tình trạng xâm hại rừng, tận thu khoáng sản trái phép. Khó khăn chung của các địa phương là thiếu kinh phí cho tần suất truy quét liên tục. Cho nên, UBND tỉnh đã cho “cơ chế thoáng” bằng cách trích lại 50% khoản thu từ tiền cấp quyền KTKS; 100% từ tiền thu phạt hành chính và bán tang vật, phương tiện tịch thu vi phạm về lĩnh vực lâm - khoáng sản cho UBND cấp huyện để đảm bảo kinh phí cho công tác quản lý BVR, khoáng sản. Theo ông Viễn, các khoản doanh nghiệp khai khoáng đóng góp cho địa phương không phải là nhỏ nên sắp tới phải công khai, minh bạch hóa thông tin về khoản thu - chi từ hoạt động KTKS. Thường xuyên kiểm tra, thu hồi ngay các “giấy phép con” của chính quyền huyện, xã cấp không đúng thẩm quyền và quy định pháp luật. Thực hiện đấu giá quyền sử dụng KTKS để lựa chọn doanh nghiệp có năng lực, sử dụng công nghệ tốt nhất, tiến tới loại bỏ hoàn toàn công nghệ lạc hậu trong ngành khai khoáng.

Nỗi lo bây giờ ở các địa phương là làm thế nào để giữ được nguồn cát sỏi lòng sông. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn kiến nghị, cát sỏi lòng sông phục vụ xây dựng ngày càng khan hiếm nên không thể tận thu cát cho mục đích san nền các dự án công trình trọng điểm. “Về lâu dài, nên hạn chế; riêng phía hạ lưu tuyệt đối không cấp phép khai thác cát sỏi” - ông Úc kiến nghị. Đề cập giải pháp cứng rắn hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng, tỉnh chỉ cho phép khai thác vận chuyển cát sỏi vào ban ngày để tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng ban đêm để khai thác, vận chuyển trái phép. Quan điểm chung là không xuất bán ra khỏi địa bàn tỉnh nguyên liệu thô hoặc chỉ qua sơ chế đối với các loại khoáng sản cát trắng, đá vôi, ti tan. Các doanh nghiệp hoạt động KTKS phải có đăng ký doanh nghiệp hoặc thành lập chi nhánh tại Quảng Nam để có cơ sở quản lý việc chấp hành pháp luật, nghĩa vụ với Nhà nước. “Chính quyền sẽ lựa chọn doanh nghiệp có thương hiệu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Nguyên tắc là chỉ xem xét, giải quyết hồ sơ xin cấp mới giấy phép thăm dò, KTKS thuộc trường hợp trúng đấu giá quyền KTKS. Nói chung muốn không trôi chảy tài nguyên khoáng sản, phải bảo vệ được rừng” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu quả quyết.

Nêu lại các giải pháp tuy không mới nhưng rất thiết thực về giữ rừng hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, chính quyền cấp huyện phải xây dựng phương án quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng một cách cụ thể. Thực hiện điều tra, kiểm kê rừng đảm bảo chất lượng.Tiến tới hoàn thiện cắm mốc ranh giới các loại rừng rự nhiên ngoài thực địa, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giao đất, xây dựng phương án giao rừng phòng hộ phân tán và rừng sản xuất cho cộng động dân cư, hộ gia đình gắn với chính sách hỗ trợ  vùng dân tộc và miền núi.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU