Đối thoại với phụ huynh
Cuối tuần qua, lần đầu tiên Phòng GD-ĐT Tam Kỳ tổ chức đối thoại với Ban đại diện cha mẹ học sinh (sau đây gọi tắt là BĐD) các trường mầm non công lập, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố về các vấn đề liên quan đến dạy thêm - học thêm, thu chi quỹ hội phụ huynh cũng như các khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh để thực hiện xã hội hóa (XHH)giáo dục.
Các khoản tự nguyện và xã hội hóa: băn khoăn
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến băn khoăn về Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về điều lệ BĐD; về quy định dạy thêm, học thêm và huy động nguồn lực XHH giáo dục của UBND tỉnh. Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT Tam Kỳ nhìn nhận, thời gian qua, XHH giáo dục đã góp phần huy động nguồn lực, đóng góp rất lớn của xã hội và phụ huynh cho ngành giáo dục Tam Kỳ. Tuy nhiên năm học 2015 - 2016 vừa qua, toàn thành phố chỉ có 5 trường thực hiện đúng quy định của ngành và địa phương về huy động nguồn lực XHH giáo dục về mua sắm, trang bị cơ sở vật chất. Trong đó, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu huy động đúng quy định và nhiều nhất với số tiền lên đến gần 500 triệu đồng để trang bị ti vi và may màn rèm cho 31 phòng học. Thầy Phạm Văn Diệu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu chia sẻ, thành công trong việc huy động XHH của nhà trường là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền trong giáo viên, phụ huynh nhưng quan trọng nhất, đóng góp XHH giáo dục đem lại lợi ích thiết thực cho học sinh. “Dù làm đúng quy định nhưng nếu không có sự đồng thuận của giáo viên và đa số phụ huynh, việc XHH sẽ khó thực hiện đạt kế hoạch đề ra” - thầy Diệu nói.
Nhờ XHH giáo dục, cơ sở vật chất của nhiều trường học trên địa bàn Tam Kỳ được đầu tư. TRONG ẢNH: Một phòng học ở Trường Mẫu giáo Hương Sen. Ảnh: CHÂU NỮ |
Cùng quan điểm, Trưởng BĐD Trường Tiểu học Hùng Vương cho rằng, qua nhiều năm làm trưởng BĐD, ông nhận thấy để nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, các khoản thu, nhất là các khoản gọi là “tự nguyện” và huy động sự đóng góp của phụ huynh nhất thiết phải làm đúng các văn bản chỉ đạo và được cha mẹ học sinh đồng tình. Còn ông Vũ Từ Long - Trưởng BĐD Trường THCS Lý Tự Trọng cho rằng, nguyên tắc không chia bình quân, không “cào bằng” các khoản đóng góp tự nguyện của Sở GD-ĐT trong hướng dẫn việc tổ chức huy động các khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh là hết sức nhân văn vì thực tế, không phải mọi phụ huynh đều có điều kiện đóng góp như nhau. Trong khi đó, một số người lại băn khoăn, nếu không đưa ra mức thu bình quân, các khoản đóng góp tự nguyện sẽ khó huy động đạt kế hoạch. Theo Trưởng BĐD Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, lâu nay vấn đề lạm thu trong trường học thường liên quan đến khoản gọi là “tự nguyện”, cho nên cần nghiên cứu để vừa huy động được sự đóng góp của phụ huynh, vừa bảo đảm quy định thu - chi tài chính. Còn ông Nguyễn Hà Dũng - phụ huynh Trường Tiểu học Trần Quý Cáp cho rằng, ngoài việc huy động các khoản thu, nhà trường và BĐD cần phối hợp tốt để động viên, khuyến khích học sinh giỏi; quan tâm đến học sinh yếu kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Dạy thêm, học thêm: quản nhưng không cấm
Một số phụ huynh ở các trường mầm non của Tam Kỳ thắc mắc về các khoản gọi là XHH để huy động đóng góp tăng lương cho cấp dưỡng và mua sắm các trang thiết bị trong nhà trường. Riêng mức thu trả lương cho cấp dưỡng các trường thu tăng dao động từ 10 nghìn đến 30 nghìn/học sinh so với năm học trước. “Có thể nói, XHH quá nhiều là gánh nặng cho không ít gia đình nghèo đối với các khoản thu đầu năm” - một phụ huynh nêu ý kiến. Liên quan đến việc này, ông Trần Ngọc Sơn cho biết, trả lương cho cấp dưỡng không phải vận động XHH mà đó là khoản thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh và nhà trường vì cấp dưỡng là do hiệu trưởng tuyển, ngân sách nhà nước không trả lương. Việc tổ chức huy động các khoản đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục phải làm theo Hướng dẫn số 1307/HD-SGDĐT ngày 7.9.2015 của Sở GD-ĐT thì mới đúng quy trình XHH. |
Ông Trần Ngọc Sơn nêu quan điểm, hiện nay, dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, cần quản lý tốt và thực hiện đúng Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 26.2.2016 của UBND tỉnh về quản lý dạy thêm, học thêm chứ không cấm, trừ các trường hợp không được dạy thêm theo quy định. Tuy nhiên, phải xác định rõ dạy thêm, học thêm là nhu cầu của ai, của giáo viên hay của học sinh?
Ông Nguyễn Thành - Trưởng BĐD Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm đề nghị ngành GD-ĐT Tam Kỳ phải quyết liệt cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. “Học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày, nếu tối tiếp tục học thêm thì sẽ không còn thời gian cho các em vui chơi, giải trí” - ông Thành nói. Có phụ huynh ví von: “Không riêng Tam Kỳ, tôi thấy quy định cấm dạy thêm học thêm cũng giống như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Cấm cứ cấm nhưng vi phạm cứ vi phạm và không thấy ai xử phạt. Phụ huynh không muốn vi phạm quy định chỉ còn cách không cho con đi học thêm”. Ông Nguyễn Tấn Nhã - Phó Trưởng phòng GD-ĐT Tam Kỳ cho biết, UBND tỉnh đã quy định không dạy thêm đối với học sinh được nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày nên dứt khoát “nói không” với dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Trưởng phòng GD-ĐT Tam Kỳ Trần Ngọc Sơn đề nghị ban giám hiệu các trường tiểu học tăng cường kiểm soát, nhắc nhở giáo viên trường mình. Đồng thời nếu có thông tin về dạy thêm ở bậc tiểu học, phụ huynh cần báo cho ban giám hiệu hoặc lãnh đạo ngành GD-ĐT để kịp thời chấn chỉnh. “Dù UBND tỉnh quy định trưởng phòng GD-ĐT thành phố được ủy quyền cấp giấy phép dạy thêm, học thêm cho các trường học, tổ chức, cá nhân xin mở lớp hoặc tham gia dạy thêm theo chương trình THCS nhưng năm học này, tôi vẫn chưa nhận được được đơn đề nghị dạy thêm” - ông Sơn nói thêm.
CHÂU NỮ