Làm kinh tế bằng cà gai leo xen canh với cao su
(QNO) - Ý tưởng trồng cây cà gai leo xen canh với cây cao su của anh Nguyễn Duy Thạnh (công tác tại Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam) bước đầu mang lại kết quả khả quan.
Anh Nguyễn Duy Thạnh với những sản phẩm dược liệu của mình. Ảnh: MỸ LINH |
Anh Nguyễn Duy Thạnh rời TP.Đà Nẵng trở về quê Thăng Bình năm 2012 để theo nghiệp của gia đình với những rừng cao su bạt ngàn. Không ngồi yên nhìn giá cao su biến động thất thường, anh Thạnh tìm cơ hội để khai thác không gian từ các rừng cao su chưa khép tán, tăng hiệu suất, hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế phụ, tăng thêm thu nhập cho người lao động của công ty.
Anh Thạnh có nhiều ý tưởng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn như nghiên cứu hệ thống tự động hóa dây chuyền sản xuất mủ cao su; hệ thống xử lý nước thải kết hợp thu hồi khí biogas phục vụ sản xuất sơ chế cao su. Đặc biệt là ý tưởng về thành lập quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế thanh niên với nguồn vốn được huy động từ sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên công ty, các tổ chức, cá nhân đối tác và một phần quỹ đoàn của công ty để hỗ trợ đoàn thanh niên và người lao động có kế hoạch, dự án phát triển chăn nuôi, trồng cây thảo dược. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ rất lớn từ Ban giám đốc và cán bộ, công nhân viên công ty. Khởi đầu từ nguồn quỹ này là mô hình trồng xen canh cây dược liệu trong vườn cao su kiến thiết cơ bản, giúp người lao động tăng thu nhập, bám trụ với cao su, vượt qua giai đoạn khó khăn khi giá mủ cao su giảm sâu. Đến nay, nguồn quỹ trên đã hỗ trợ vốn cho 3 phương án chăn nuôi bò và trồng cây thảo dược với tổng số tiền 45 triệu đồng.
“Những năm gần đây, do nhu cầu của thị trường đối với các loại dược liệu tăng cao nên hầu hết khai thác ào ạt vì lợi nhuận khiến nhiều loại trở nên khan hiếm. Xây dựng mô hình trồng xen canh cây dược liệu sẽ giúp bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý. Hơn nữa khi công nhân chăm sóc cây dược liệu hiệu quả thì giảm được công chăm sóc, làm cỏ cho vườn cây cao su, đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập" - anh Thạnh nói.
Tìm hiểu về giá trị dược lý và đặc tính thích nghi của cây cà gai leo trong tự nhiên, anh đã mạnh dạn đăng ký đề tài lên công ty về trồng xen canh cây cà gai leo lá nhỏ bản địa trong diện tích cao su kiến thiết cơ bản. Đây là loại cây dược liệu ngắn ngày, có thể phát triển ở những nơi đất đai nghèo dinh dưỡng, dễ chăm sóc lại đang có nhu cầu lớn trên thị trường. Hiện anh đang phối hợp với công nhân, người lao động trong công ty và người dân trồng hơn 5ha cà gai leo xen canh trong vườn cao su và trồng chuyên canh, vừa tiếp nhận đầu ra cho sản phẩm của hàng chục thanh niên công nhân đang trồng tại nhà.
Nguồn nguyên liệu này được trồng theo quy trình, không thuốc bảo vệ thực vật. Với giá bán ngoài thị trường từ 15.000 - 20.000 đồng/kg khô, anh mua với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg khô để giúp ổn định giá cho anh em công nhân. Cà gai leo được trồng rất nhiều tại Thăng Bình hiện đang mất giá, nhiều gia đình điêu đứng vì đã chuyển đổi phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp sang trồng loại cây này. Còn anh Thạnh với hướng đi riêng của mình, nên những biến động của thị trường không ảnh hưởng nhiều. Theo anh, để đạt được mục tiêu lớn cần phải chủ động xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, vì vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt là yếu tố cốt lõi để theo đuổi hướng phát triển kinh tế từ dược liệu. Hiện anh đang xây dựng cơ sở sản xuất dược liệu Tiên Phong tại thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) và chuẩn bị các điều kiện để mở rộng cơ sở sản xuất trong thời gian tới.
“Là người trẻ, tôi muốn khẳng định mình ở những lĩnh vực riêng. Chắc chắn những người tiên phong bao giờ cũng gặp rất nhiều gian nan, có khi nhận cả sự thất bại. Nhưng phải đặt hy vọng để bước tiếp, tìm mọi cách khắc phục khó khăn, hướng đến mục tiêu của sự thành công và hiệu quả mang lại” - anh Thạnh chia sẻ.
MỸ LINH