Sạt lở nặng nề ở xã đảo

NGUYỄN QUANG VIỆT 22/09/2016 08:49

Tình trạng sạt lở bờ biển, xâm thực vào đất liền diễn ra ngày càng nặng nề hơn tại xã đảo Tam Hải (Núi Thành) khiến người dân lo lắng.

Ăn sâu vào đất liền

Năm 2011, công trình kè bảo vệ bờ biển đoạn qua thôn Tân Lập, xã Tam Hải được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai làm chủ đầu tư xây dựng. Công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 4.2012, đến nay đã hư hỏng, sạt lở nặng. Có mặt tại khu vực này, chúng tôi nhận thấy nhiều tảng dầm bê tông tách ra khỏi kè, bị nước biển đẩy nằm lăn lóc. Đoạn kè hư hỏng hơn 200m, mái kè bê tông bị tách ra khỏi khối, đường giao thông bị hư hỏng, gạch ngổn ngang đổ vỡ. Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải lo lắng: “Mối nguy không chỉ nằm ở chỗ kè bị sạt lở mà nguy cơ đổ vỡ liên hoàn đã có biểu hiện rõ rệt. Khổ lắm, chính quyền xã cứ vận động người dân trồng phi lao làm một “kè” khác để tránh xâm thực nhưng mà nước biển thì có “tha” cho đâu. Tình trạng gặm nhấm đất liền xảy ra ngày càng nặng nề hơn”.

Kè qua thôn Tân Lập bị hư hỏng. Ảnh: N.Q.V
Kè qua thôn Tân Lập bị hư hỏng. Ảnh: N.Q.V

Đoạn kè qua thôn Tân Lập bị hư hỏng, sạt lở khiến tình trạng xói mòn, xâm thực bờ biển sâu vào thôn Thuận An, chỗ điểm tiếp giáp của 2 thôn này. Theo quan sát của chúng tôi, một luồng lạch tự nhiên đã được nước biển mở ra, lấn sâu vào đất liền, rộng gần 20m, dài gần 100m. Khu vực trồng hoa màu, dương liễu của người dân bị nước biển đánh tan hoang, nham nhở. Ông Ngô Đạt, một hộ nuôi tôm trên cát ở thôn Thuận An nói: “Việc thiết kế, xây dựng, nghiệm thu kè là chức phận của ngành chức năng, chúng tôi làm sao dám can thiệp. Nhưng mà công nghệ kè chi lạ, sạt lở, sụt lún ghê gớm quá. Năm trước bờ biển cách ao nuôi tôm của chúng tôi hơn 50m thì nay chỉ còn chưa đầy 15m. Sang năm có khi phải gỡ bỏ công trình nuôi chứ không biển đánh tan nát. Lỗ tiền đầu tư không dưới 200 triệu đồng, nghe ê ẩm cả người”.

Chúng tôi trở lại khu vực sạt lở bờ biển ở thôn Bình Trung, xã Tam Hải - nơi chúng tôi đã đến trước đây và có bài phản ánh. Hiện tình trạng sạt lở diễn ra càng dữ dội hơn. Cả khu vực Cửa Lở bị gió, sóng quất liên tục, nước bắn tung tóe, trắng xóa ven các ngôi nhà tạm bợ. Vùng bờ biển này giống hệt một cái túi chứa đựng những cơn thịnh nộ từ biển. Đáng nói là khi mức độ sạt lở ngày càng nghiêm trọng thì 6 hộ dân vẫn cầm cự bám trụ. “Các cấp chức năng hỗ trợ chúng tôi 20 triệu đồng để di dời khỏi khu vực này. Quý hóa, chúng tôi biết ơn sự quan tâm đó. Có ai ngó nghĩ giùm, 20 triệu đồng thì che bạt làm chỗ trú càng không đủ nữa là làm nhà” - bà Nguyễn Thị Mân (một trong 6 hộ dân) nói.

Cần giải pháp cấp bách

Xã đảo Tam Hải bị bao bọc bởi 4 bề sông nước, cách trở khiến đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Sống chung với sạt lở càng khiến họ điêu đứng hơn. “Rừng phòng hộ đã bị biển phá và rồi sẽ bị vỡ. Nước biển đánh tan tác vào đất liền ngày một sâu, rộng hơn. Tình trạng này không được khắc phục thì chỉ vài năm nữa thôi khu dân cư của chúng tôi cũng bị sóng chiếm nốt” - ông Nguyễn Hộ (thôn Tân Lập) nói. Ông Nguyễn Tấn Hùng lo lắng, chỉ có mấy hộ dân ở thôn Bình Trung mà không thể di dời được từ mấy năm nay thì mấy trăm hộ dân thuộc 2 thôn Tân Lập và Thuận An sẽ khổ sở thế nào khi biển ngày một xâm thực ghê gớm trong thời gian tới. “UBND xã đã kêu cứu sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, ngành ở huyện, tỉnh lâu rồi chứ không phải bây giờ mới nhập cuộc. Tình trạng rất nan giải. Người dân thấp thỏm qua mỗi mùa biển động, mưa bão. Họ cứ luôn hình dung viễn cảnh mất làng, mất đất, rất tội nghiệp” - ông Hùng nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, huyện đã cử nhiều đoàn kiểm tra tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển ở các thôn trên địa bàn xã Tam Hải trong thời gian gần đây. Huyện Núi Thành gửi kiến nghị đến UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Kỳ Hà - Chu Lai khẩn trương khảo sát, kiểm tra, đánh giá và triển khai giải pháp thiết thực để khắc phục các đoạn sạt lở. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng nghiên cứu, gia cố, tránh hư hỏng thêm các đoạn kè khác, tránh sụp đổ liên hoàn. Việc cứu vãn các hệ thống kè trên địa bàn xã đảo Tam Hải đặt ra hết sức cần kíp. Các cấp chính quyền địa phương và người dân Tam Hải mong mỏi sự vào cuộc khẩn trương, hiệu quả của các ban ngành liên quan, hạn chế các thiệt hại từ thiên tai.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT