Chưa di dời nhà máy thép
Gần 4 năm qua, trước sự phản đối của người dân, chính quyền địa phương và doanh nghiệp cam kết sẽ di dời nhà máy thép Việt - Pháp ra khỏi khu dân cư, nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa chuyển đến địa điểm mới.
Nhà máy thép Việt - Pháp hoạt động từ năm 2012, sản xuất phôi thép có quy mô vừa với diện tích mặt bằng là hơn 29ha, công suất 35 nghìn tấn phôi thép/năm. Từ năm 2012 đến nay, có cả chục lần người dân ở khối Bảy A, phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) tụ tập đông người phản đối nhà máy thép tại Cụm công nghiệp và dịch vụ Thương Tín 1 (đóng trên địa bàn khối Bảy A) gây ô nhiễm môi trường. Lãnh đạo tỉnh, chính quyền thị xã Điện Bàn nhiều lần đối thoại để tìm hướng giải quyết, sau đó thống nhất di dời nhà máy ra khỏi địa bàn.
Tuy các ngành chức năng đánh giá, mức độ ô nhiễm của nhà máy đều nằm trong tầm kiểm soát, doanh nghiệp cũng khắc phục hoạt động theo giờ cố định, nhưng người dân vẫn không yên tâm. Năm 2014, qua 3 lần kiểm tra đánh giá tác động môi trường, nhà máy đều đảm bảo yêu cầu và mới đây, tháng 6.2016, khi có ý kiến phản ảnh của người dân, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã tiến hành lấy mẫu khói bụi, nước để kiểm tra đánh giá, kết quả đều đáp ứng đúng quy chuẩn về môi trường. Thế nhưng, người dân vẫn không đồng tình và cho rằng phải di dời nhà máy đi nơi khác. Một số người dân manh động đập phá tài sản, dùng lời lẽ hăm dọa khiến doanh nghiệp sản xuất cầm chừng.
Tại cuộc đối thoại vào cuối năm 2014, người dân cho rằng cần phải di dời nhà máy thép Việt - Pháp để tránh tình trạng ô nhiễm. Ảnh: V.LỘC |
Hầu hết văn bản của cơ quan chức năng đều khẳng định, chưa có hồ sơ kết luận về việc nhà máy gây ô nhiễm, trong khi đó người dân địa phương luôn tìm cách gây sức ép để doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa bàn. Bà Võ Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Thép Việt - Pháp cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà máy, nên cần được Nhà nước xem xét hỗ trợ di dời. Hiện đơn vị đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ, bồi thường tài sản, kinh phí di dời đến địa điểm mới, nhưng vẫn chưa nhận được sự trả lời. “Mặc dù việc di dời rất tốn kém, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp nhưng chúng tôi không thể làm ăn lâu dài tại đây được nếu người dân không ủng hộ. Việc di dời nhà máy tới địa điểm khác cần phải có thời gian chuẩn bị” - Bà Hạnh nói. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn khẳng định, việc đầu tư nhà máy, di dời hay không thuộc thẩm quyền của UBND thị xã Điện Bàn chứ không phải của tỉnh.
Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, hiện nay nhà máy này hoạt động về đêm là chính nên người dân cũng ít gây sức ép hơn. Về những đề xuất của doanh nghiệp hỗ trợ di dời hơn 100 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất vay, địa phương rất khó xem xét vì nó không nằm trong hạng mục quy định nào của Nhà nước. Huyện cũng không thể bỏ ngân sách ra hỗ trợ cho doanh nghiệp được. Được biết, trước đây, Công ty TNHH Thép Việt - Pháp có tìm địa điểm xây dựng nhà máy mới tại địa bàn Đại Lộc, nhưng chính quyền nơi đây không đồng ý, nên đã chuyển vị trí xây dựng mới lên địa bàn thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang). Ông Chơ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho biết, công tác giải phóng mặt bằng diện tích 17ha đang triển khai, theo dự kiến năm 2017 sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy thép tại đây. “Việc xây dựng nhà máy thép tại thôn Hoa là theo chủ trương của tỉnh, địa phương chỉ thực hiện thôi” - ông Chơ Rum Nhiên khẳng định.
Tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến 2035 mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu về môi trường ở các nhà máy thép. Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
TRẦN NGUYỄN