Bi hài giải phóng mặt bằng

SÁU CÒI 30/08/2016 08:18

Báo Quảng Nam số ra ngày 12.4.2016, mục góc nhìn giao thông đã nêu một số góc khuất về chuyện giải phóng mặt bằng (GPMB). Tiếp tục tìm hiểu, Sáu Còi tôi phát hiện thêm nhiều chuyện bi hài xung quanh vấn đề này.

Khi nắm thông tin dự án sẽ đi qua khu vực mình ở, người dân đã đổ xô xây công trình “siêu tốc” giữa đêm khuya; dựng mồ mả giả; trồng cây ăn quả có giá trị thương phẩm cao mặc dù biết chắc thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp. Rồi một số hộ dân cuống cuồng lo đi tách hộ cho con mình, để dễ “than trời, kể khổ” một khi Nhà nước áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ và đặc biệt là tái định cư. Thành thử, có một ngôi nhà mà sở hữu tới 2 - 3 sổ hộ khẩu chẳng là chuyện hiếm gặp.

Không ít trường hợp bình thường tiếc tiền nên lờ thực hiện trách nhiệm nộp thuế, chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất, trong khi thửa mình đủ điều kiện công nhận là đất ở. Để rồi, dự án bắt đầu khởi động thì tất bật chạy ngược chạy xuôi làm thủ tục. Một vị lãnh đạo cấp huyện tỏ rõ quan điểm, trường hợp “dân gian” ấy mà gặp “quan tham” là hỏng hết. Ông này ví dụ, người dân đặt vấn đề: tôi có 10 cây, anh rũ lòng thương ghi cho tôi 20 cây, sau này tiền bồi thường sẽ thuộc về anh 5 cây, hoặc cán bộ “bắt tay” ngược lại như vậy. Chuyện “đi đêm” vừa nêu sẽ khiến cho khâu GPMB càng thêm khó gỡ, trong lúc bản chất của nó vốn đã muôn phần phức tạp do đụng đến quyền lợi của cá nhân hay tổ chức, mà chế độ chính sách áp dụng lại thường xuyên thay đổi.

Tổ chức đối thoại giải thích, vận động nhiều lần; giải quyết thấu lý đạt tình và hồ sơ pháp lý liên quan đã chứng minh yêu sách của gia chủ là sai lầm. Tuy nhiên, người ảnh hưởng bởi dự án không chấp hành chủ trương, thì bắt buộc cấp thẩm quyền phải ban hành quyết định cưỡng chế. Trên thực tế, nhiều trường hợp sát tới hạn định thi hành quyết định thì bất ngờ đổi ý, đồng tình nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Vậy nhưng, có hộ dân lại nghĩ ra chiêu trò cứ để lực lượng chức năng tới tháo gỡ nhà cửa, vật kiến trúc, chặt dọn cây cối… cho mình đỡ phải tốn công, tốn của làm. “Nhà nước phải bỏ ra kinh phí để tổ chức lực lượng thi hành cưỡng chế. Tiêu tốn vài chục triệu đồng, lại mất nhiều thời gian công sức, trong khi chủ nhà… ngồi rung đùi. Đó cũng là điều bất cập hiện nay” - một cán bộ làm công tác GPMB nói.

Thời buổi bây giờ, chuyện người dân bị lôi kéo vào kiện tụng liên quan GPMB nhan nhản. Đáng trách là nhiều trường hợp đòi quyền lợi không thuộc về mình; rồi do thiếu hiểu biết đã bị đối tượng xấu lợi dụng. Nhiều tin đồn chưa rõ thực hư kể rằng, một vài thành phần luật sư sau khi ra trường chưa có việc làm đã sốt sắng đến nhà người bị ảnh hưởng bởi GPMB đường cao tốc, rồi đề nghị sẽ “giúp” chủ nhân kiện đòi thêm quyền lợi… Nếu được, hai bên sẽ chia chác đúng thỏa thuận, còn thua thì ai đi đường nấy như chưa hề gặp nhau. Trước khi đâm đơn, luật sư rởm không quên… ứng tiền trước làm lộ phí. Không riêng gì dự án cao tốc, tin đồn một số hộ dân bị ảnh hưởng dự án cầu Giao Thủy được một người nào đó gợi ý đâm đơn khiếu nại, vì cho rằng Nhà nước làm sai rộ lên. Người này đề nghị mỗi hộ phải bỏ ra bao nhiêu đó để thực hiện. Sáu tôi thiết nghĩ, lực lượng công an phải vào cuộc theo dõi, xác minh tính thực hư. Có như thế, mới xác tín thông tin nào là chính xác để định hướng dư luận xã hội. Một cán bộ cơ sở cho rằng: “Nhân dân hãy bàn giao mặt bằng trước. Chuyện khúc mắc cứ khiếu kiện ra tòa giải quyết. Bà con mình bình tĩnh, đừng nghe lời kẻ xấu lôi kéo để rồi “tiền mất tật mang” mà bản thân lại mang tiếng chống đối luật pháp”.

SÁU CÒI

SÁU CÒI