Ngọt giọt mật, mặn giọt mồ hôi
Chúng tôi có thể quên bẵng đi được bao nhiêu khổ sở, cực nhọc của những chuyến vào rừng già săn mật ong khi nâng niu trong tay từng giọt mật ong rừng vàng sóng sánh. Bởi không chỉ “ngọt một giọt mật, mặn một giọt mồ hôi” mà trong đó còn có “linh hồn” Quảng Nam của tôi!
Tổ ong vừa được lấy xuống.Ảnh: MINH NGA |
Một ngày giữa tháng 5 nắng cháy, tôi - một phóng viên vừa giã từ Sài Gòn về quê với mong mỏi tìm cho mình một công việc mới nơi quê nhà. Tình cờ nghe người bạn thân kể về một chuyến vào rừng sâu với người đồng bào ở huyện Khâm Đức, cái “máu” nghề nghiệp lại nổi lên rần rần. Vậy là quyết định vứt váy đầm, vứt giày cao gót… tôi bắt đầu dấn thân vào rừng thiêng nước độc.
Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt
Con đường từ bản của người đồng bào ở các xã Phước Năng, Phước Đức, Phước Chánh… vào bìa rừng dài hơn 10km với nhiều đồi dốc, sông suối, thác ghềnh. Sau khi mang theo đầy đủ lương thực và dụng cụ đi rừng săn ong, chúng tôi được anh em chở vào rừng bằng xe Win chuyên dụng. Đó là những chiếc xe Win cũ kỹ nhưng “lực lưỡng” được anh em buộc xích vào bánh mới có thể băng qua những con đường có địa hình hiểm trở.
Ngày đầu tiên và lần đầu tiên ngồi sau lưng anh Xoài (người săn mật ong rừng kỳ cựu ở Phước Năng), tôi đã khóc thét và ôm chặt lấy anh khi xe băng qua một khúc quanh ôm lấy quả núi cao mà bên này là vực thẳm. Dù là một tay lái cứng cựa và cố gồng mình đi trong hiên ngang nhưng trong lúc hốt hoảng, chẳng may anh loạng choạng, chúng tôi ngã nhào xuống. Tôi hai tay quờ quạng, chân không nhích lên được vì đụng phải đá. Nhưng trong cái rủi ro cũng còn được chút may mắn khi chúng tôi chưa rơi tõm xuống vực. Tôi đưa tay lên ngực: “Ơn trời! Mình vẫn còn sống”. Mỗi chuyến đi là một con đường vào bìa rừng khác nhau. Không dốc cao thì lầy lội, bùn sình. Khi xe chết máy, chúng tôi phải xúm nhau đẩy những con Win nặng trịch ra khỏi vũng nước lầy.
Trèo lên cây gỡ tổ. |
Nếu đoạn đường đi từ bản vào bìa rừng khổ một thì đoạn đường đi trong rừng già lại khổ gấp trăm lần. Rừng sâu nhiều chỗ không có lối đi buộc anh em phải vừa đi vừa chặt những cây nhỏ để tìm đường. Dù dưới chân là đường rừng khó di chuyển nhưng mắt mọi người vẫn cứ phải hướng lên trời để tìm tổ ong. Với đặc trưng rừng già ở đây, ong phần lớn làm tổ trên những nhánh cây cổ thụ cao chót vót. Thành ra, muốn tìm được tổ phải quan sát một cách vô cùng kỹ lưỡng. Đoàn chúng tôi 6 người nhưng thường chia ra 3 nhóm nhỏ để tìm. Và tín hiệu duy nhất để khỏi lạc nhau là tiếng “hú”. Trong rừng núi vốn chỉ nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy róc rách thì giờ lại nghe thêm tiếng người “hú” với nhau.
Cũng thú vị lắm chớ!
Có những hôm chúng tôi đi tìm đến tận 12 giờ trưa vẫn không tìm ra tổ ong. Đôi chân mỏi nhừ, đôi tay rã rời và lưng áo ướt sũng mồ hôi. Càng mệt, càng thở mạnh thì hơi thở càng lúc càng ngắn dần. Mọi người dường như phải thở luôn miệng, cả... lỗ tai. Nhưng khi tìm được tổ ong, ai ấy như khỏe hẳn ra. Chúng tôi bắt đầu cười nói rôm rả, trêu đùa đủ chuyện để anh em bắt đầu hành trình leo cây lấy mật ngọt. Mỗi cây mỗi tổ sẽ có mỗi cách lấy mật khác nhau, thời gian và công sức nhiều ít cũng phụ thuộc vào điều đó.
Đáng nhớ và ám ảnh nhất với chúng tôi là tổ ong trên cây cổ thụ cao hơn 60m cách đây hơn nửa tháng. Anh em phải mua những chiếc đinh to đóng cây gỗ vào thân cây để làm thang leo lên. Dù trên mình buộc dây nhưng ở dưới là vực sâu thăm thẳm, chỉ cần sơ ý một tí là có thể nguy hiểm đến cả tính mạng. Bao nhiêu sự nguy hiểm đang bủa vây quanh mình nhưng bằng tất cả sự cố gắng, quyết tâm, anh em cũng mang được 4 tổ ong trên cây xuống an toàn. “Mạng sống không khác nào như chỉ mành treo chuông nhưng đã là nghề kiếm sống thì chúng tôi phải chấp nhận đánh cược”- anh Sơ quả quyết.
Không chỉ săn mật ban ngày, anh em ở các bản làng còn thường xuyên ở lại rừng ban đêm. Một phần vì đi rừng sâu, xa không về kịp, phần khác vì ong rừng lúc đêm đang ngủ, sẽ không nhìn thấy được người. Mỗi đêm ở lại rừng, anh em phải mắc võng ngủ, chịu muỗi, chịu vắt cắn… và trong tâm trạng nơm nớp lo sợ những rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu thú rừng xuất hiện.
Đời người - đời ong
Vào cái thuở anh Xoài còn chưa ra đời, cha ông của anh ở nơi đây đã coi việc săn mật ong rừng là nghề kiếm sống. Anh Xoài kể: “Chẳng biết nghề này có tự bao giờ. Tôi lớn lên nối nghiệp cha mình và sau này con cái của tôi cũng sẽ như vậy”. Anh Lực năm nay 18 tuổi cũng theo vào rừng hồi mới lên 13. Lực tuy nhỏ tuổi nhất đoàn nhưng lại là người leo cây rừng chủ lực trong đoàn săn mật ong rừng hơn 5 năm nay. “Chẳng có ai dạy tôi leo cây cả. Lúc còn nhỏ tôi hay trèo cây ổi, cây xoài nên quen rồi. Khi theo cha vào rừng săn mật, tôi cứ vậy mà leo thôi! Ban đầu leo những cây nhỏ nhưng giờ thì cây nào cũng leo”- anh Lực cho biết.
Phút nghỉ ngơi giữa rừng. |
Ở bản làng xa xôi này mấy chục năm nay vẫn có hàng chục gia đình cặm cụi ngày đêm săn mật ong rừng. Những người đàn ông vẫn thủy chung son sắt với nghề mà cha ông đã để lại. Như hai cha con anh Lực bao năm rồi vẫn rong ruổi vào rừng già dù cho người cha đã ngấp nghé tuổi 60. Dù đã có không ít người mang thương tật suốt đời hoặc vĩnh viễn ra đi bởi chuyện sinh nghề tử nghiệp. Nhưng biết làm sao được! Bởi sống kinh tế của họ còn vô vàn khó khăn, túng thiếu mọi bề, thì nghề săn kiếm mật ong rừng là một nghề mưu sinh chủ yếu. “Không làm nghề này thì biết làm nghề gì để kiếm sống. Mùa nắng thì săn mật, mùa mưa thì săn cá để kiếm cái ăn”- anh Xoài chia sẻ.
Ca sĩ Ánh Tuyết (một người con của Hội An, nay sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh) từng mua hàng chục lít mật ong rừng nơi đây khi xem qua những hình ảnh, clip về hành trình săn mật ong rừng và cuộc sống của người dân nơi đây đã làm chị thực sự cảm động. Chị đã không dưới một lần ngỏ ý muốn giúp đỡ hai cha con anh Lực vào Sài Gòn để làm công việc chăm sóc vườn tược nhẹ nhàng hơn. Nhưng anh Lực quả quyết: “Không đi đâu cả! Chỉ sống với núi rừng thôi! Yêu núi rừng lắm!”.
Tôi có thể hiểu được tình yêu của họ với núi rừng, với cuộc sống và con người nơi đây. Cái bản làng này nằm đâu có cách xa thị trấn Khâm Đức bao nhiêu nhưng sao họ sống tách biệt, khép kín và còn nhiều nỗi lo sợ trằn trọc. Nhưng dù ít học, ít đi ra ngoài xã hội, kinh tế còn khó khăn nhưng họ là những con người chân chất, hiền lành, chịu khó.
Tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần cái cảnh anh Xoài, anh Lực, anh Sơ, anh Ấm… và hàng chục con người nơi đây nâng niu từng giọt mật rừng vàng sóng sánh như nâng niu chính công sức của mình. Người ta bảo: “Của một đồng, công một nén” chẳng sai: công đi, công săn, công leo trèo, công cõng về, công vắt mật, công lọc mật… Và họ cũng như tôi, hiểu được giá trị của giọt mồ hôi mình. Và chúng tôi hoàn toàn có quyền tự hào về đặc sản của quê hương.
Hồi mới xa nhà, tôi nhớ ghê gớm cái mùi thơm và vị ngọt thanh của mật ong rừng già quê mình. Cái vị mà khi trôi qua miệng vẫn còn “ngậm nghe” len lỏi vào tâm hồn, đâm ra vấn vương mãi. Có lần dùng mật ong mua ở siêu thị, tôi uống mà cảm giác thiêu thiếu cái gì đó, dù là mật rừng nguyên chất. Mãi sau này tôi mới phát hiện cái thiêu thiếu đó chính là cái vị của núi rừng quê hương đất Quảng mà không gì có thể thay thế nổi.
Ghi chép của MINH NGA