Vinh quang và khổ luyện
1. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành huy chương vàng (HCV) Olympic đang diễn ra tại Brazil có lẽ là sự kiện nổi bật nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2016 và sẽ còn được nhắc đến nhiều năm sau nữa. Bởi, đây là tấm HCV đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic - điều mà người dân Việt Nam mòn mỏi trông chờ suốt bao nhiêu năm góp mặt. Tấm huy chương này danh giá và tự hào đến nỗi, sau khi Hoàng Xuân Vinh lập kỳ tích, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ngay lập tức gửi thư chúc mừng, ngợi khen. Kèm theo đó, một “cơn mưa” tiền thưởng đến với xạ thủ - người hùng trên mặt trận thể thao.
Các cầu thủ trẻ Quảng Nam. Ảnh: AN NHI |
Nhưng đằng sau tấm HCV là “một sự nỗ lực phi thường, một thành tích phi thường” như cách nói của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh - nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao và là trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại nhiều kỳ đại hội trước đây. Ít ai biết rằng, để có được thành tích khiến cả thế giới phải “ngước nhìn” này, nhà vô địch Olympic đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn mà có lẽ không mấy người tin: thiếu đạn tập. Tập đá bóng chắc chắn phải có bóng, tập bơi phải có hồ bơi, còn tập bắn súng ắt phải có đạn. Chuyện ấy là điều hiển nhiên! Vậy mà, Hoàng Xuân Vinh lại rơi vào tình cảnh “đói” đạn. Trong quá trình tập luyện, Vinh nhiều lần “mang súng ra ngắm lại mang về”.
Ông Nguyễn Hồng Minh cho biết tình trạng khó khăn của ngành thể thao Việt Nam và không giành được huy chương Olympic là chuyện bình thường, còn giành được HCV đó là điều phi thường. Đúng vậy, tấm HCV Olympic là phi thường và hẳn nhiên mọi người dân nước Việt đều tự hào với thành tích thần kỳ của Hoàng Xuân Vinh nhưng rõ ràng không ai mong muốn con đường đi đến thành công kiểu ấy. Thành công không thể chỉ dựa vào mỗi tài năng và sự thăng hoa của vận động viên mà cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức, từ chế độ ăn uống đến môi trường tập luyện. Không thể có chuyện “con nhà nghèo” đi thi để rồi sau mỗi thất bại lại đổ lỗi do “con nhà nghèo”.
2. Nhân chuyện của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chợt nhớ đến câu chuyện bóng đá đất Quảng. Năm 1997 là thời điểm được nhiều người nhắc đến với hình ảnh chói sáng của cầu thủ Huỳnh Quốc Anh - tuyển thủ đội tuyển quốc gia và sau đó giành được danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam dưới màu áo SHB Đà Nẵng. Song ít ai biết, để có được một Quốc Anh tài năng, cầu thủ người Trà My cùng với các đồng môn đồng lứa như Văn Việt, Thanh An, Huỳnh Dũng, Hồng Điệp … đã trải qua rất nhiều khó khăn trong tập luyện. Điều kiện ăn ở, tập luyện kham khổ của một đội bóng nhà nghèo. Những đàn em của Quốc Anh sau này cũng chẳng khá hơn. Không có sân tập, họ phải tập luyện trên đường piste, nền xi măng và tận dụng cả ở những bãi đất trống.
Những năm gần đây, khi chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý và được sự đầu tư mạnh tay hơn (kể cả ngân sách tỉnh), bóng đá Quảng Nam đã giành quyền lên chơi ở V-League. Tuy nhiên, việc đầu tư cho công tác đào tạo trẻ, nhất là điều kiện sân bãi vẫn chưa nhận được quan tâm đúng mức. Hiện tại, các cầu thủ trẻ vẫn phải lấy đường piste làm sân tập. Đội QNK Quảng Nam đánh mất dần bản sắc địa phương khi vẫn phải trông chờ sự tăng cường lực lượng từ các nơi. Có thể sẽ lại xuất hiện một “Huỳnh Quốc Anh thứ 2” tại sân Tam Kỳ trong tương lai nhưng với cách đầu tư theo kiểu “được chăng hay chớ” như vừa qua, điều “phi thường” như cách nói của ông Nguyễn Hồng Minh với bóng đá Quảng Nam e quá khó để lặp lại.
AN NHI