"Vẩn đục" sân chơi học trò

ANH SẮC 06/08/2016 08:17

Tưởng như sân chơi thể thao học đường lúc nào cũng trong sáng như trang giấy học trò nhưng cuối cùng lại bị “vẩn đục” bởi sự toan tính của người lớn và “lỗ hổng” trong việc ban hành điều lệ của ban tổ chức.

Sân chơi học trò cần sự trong sáng, vô tư của cả người lớn.Ảnh: ANH SẮC
Sân chơi học trò cần sự trong sáng, vô tư của cả người lớn.Ảnh: ANH SẮC

Lễ khai mạc vòng chung kết Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc lần thứ IX năm 2016 vừa diễn ra tại tỉnh Nghệ An. Trước đó, giai đoạn 1 đã được tổ chức sôi nổi tại một số địa phương đại diện cho các vùng trên cả nước như Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Dương, Cần Thơ. HKPĐ là sân chơi thể thao lớn nhất 4 năm mới có một lần dành cho học sinh (HS) phổ thông trên toàn quốc, thu hút tổng cộng hơn 8.000 vận động viên (VĐV) đến từ 63 tỉnh, thành phố tham gia tranh tài. Năm nay, lần đầu tiên HKPĐ được tổ chức với tinh thần “không đưa HS năng khiếu thể thao, HS là VĐV chuyên nghiệp thi đấu cùng với HS phổ thông”. Mục đích của quy định này là tạo điều kiện cho HS phổ thông có cơ hội được thể hiện mình tại ngày hội thể thao lớn nhất cả nước, tránh tình trạng HKPĐ trở thành sân chơi riêng của các VĐV chuyên nghiệp, còn các em HS phổ thông lại đứng ngoài cuộc.

Không chỉ các giải thể thao chuyên nghiệp mà ngay cả các giải thể thao HS những năm trước đây thực tế vẫn xảy ra tình trạng tiêu cực như gian lận tuổi, đưa VĐV không phải là HS tham gia hay nhiều chiêu trò khác. Năm nay, điều lệ HKPĐ quy định khá cụ thể và quán triệt tinh thần trung thực, cao thượng, trong sáng của thể thao học đường. Song điều đáng buồn là, căn bệnh thành tích khiến cho một số đơn vị vẫn cố tình “lách luật”. Trước lễ khai mạc, đã có một số đội, VĐV bị ban tổ chức loại khỏi sân chơi hoặc tước huy chương do vi phạm điều lệ như đội bóng rổ Thanh Hóa, đội bóng đá Quảng Ngãi hay một số VĐV đội bóng bàn của Hải Dương.

Qua HKPĐ lần này, câu chuyện “đạt thành tích bằng mọi giá” một lần nữa lại hiển hiện buộc ngành phải vào cuộc mạnh mẽ. Xử lý kỷ luật rõ ràng không khó, nhưng việc bị loại giữa chừng hay tước thành tích đã tạo ra “vết hằn” tâm lý của HS, làm “vẩn đục” sân chơi học trò bởi sự toan tính của người lớn, mà cụ thể ở đây là thầy cô của các em.

Kẽ hở trong việc xây dựng điều lệ, những lỗ hổng do quy định chưa chặt chẽ về đối tượng tham gia của ban tổ chức HKPĐ đã tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị cố tình “lách” hoặc cũng có thể vô tình vi phạm. Chẳng hạn như Hà Nội đưa VĐV của trường năng khiếu TD-TT tham gia song vẫn được ban tổ chức xác nhận hợp lệ sau khi bị một số đơn vị tố cáo phạm luật. Điều này cho thấy cần xem lại những quy định có phần cứng nhắc, chưa hợp lý của ban tổ chức sân chơi học trò. Theo một cán bộ ngành GD-ĐT, VĐV trường năng khiếu TD-TT cũng là HS của trường phổ thông. HKPĐ cấp tỉnh, các em vẫn được tham gia thi đấu trong màu áo trường phổ thông mà mình theo học thì hà cớ gì HKPĐ toàn quốc lại không cho? “Trừ trường hợp những em đạt được thành tích ở các giải đấu trẻ toàn quốc, giải đấu do Tổng cục TD-TT, các liên đoàn thể thao quốc gia tổ chức, còn những em HS năng khiếu, chưa có thành tích thì cần tạo điều kiện cho các em tham gia sân chơi HKPĐ và đó mới là sự công bằng” - vị này nói.

Chuyện đội bóng đá Quảng Ngãi bị loại giữa chừng do một số VĐV nằm trong thành phần đội tuyển U17 Quảng Ngãi từng giành huy chương đồng giải U17 quốc gia hay đội bóng rổ THCS Thanh Hóa bị tước huy chương vàng vì sử dụng VĐV đang học THPT nên dễ dàng bị phát hiện khi có đơn khiếu nại. Một cán bộ ngành TD-TT cho biết thật ra ở HKPĐ năm nay có khá nhiều địa phương cử lực lượng VĐV trung tâm đào tạo VĐV hoặc trường năng khiếu TD-TT tham gia tranh tài. Tuy nhiên, do không ai kiện cáo và thật tình cũng khó mà biết ngoại trừ những VĐV có tên tuổi đã khẳng định mình tại các giải quốc gia nên không bị lộ như sự việc của Quảng Ngãi hay Thanh Hóa. Thế nên, có thể nói, chừng nào các địa phương không tìm cách đối phó hoặc “lách luật” vì mục đích thành tích thì khi đó HKPĐ mới thật sự trong sáng và hồn nhiên như tuổi học trò. Bởi sân chơi học trò cần sự trong sáng, vô tư của cả người lớn.

ANH SẮC

ANH SẮC