Tôn vinh vẻ đẹp quê hương

PHAN CHÍ ANH 24/07/2016 07:17

Thay vì chọn một đề tài chuyên biệt, tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên lần thứ 21 năm 2016 (diễn ra tại Trung tâm VHTT tỉnh Quảng Nam từ 28.7 đến 1.8), một lần nữa, mảnh đất và con người trên dải đất này lại được chọn làm chủ đề chính, làm “đề bài” cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) sáng tác.

Mái nhà xưa (Đặng Kế Cường)
Mái nhà xưa (Đặng Kế Cường)

Những vẻ đẹp quen mà lạ

Theo NSNA Phạm Văn Tý - Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, việc chọn một chủ đề rộng như vậy là để tạo điều kiện cho các NSNA tự do “lia máy” sáng tác. Và quan trọng hơn là, dường như vẫn còn rất nhiều những vẻ đẹp riêng biệt, đặc trưng của đất và người Nam Trung bộ - Tây Nguyên chưa được khai thác hết; do vậy cần được thể hiện, phản ánh rõ hơn, đầy đủ và lung linh hơn thông qua ảnh nghệ thuật. “Vẻ đẹp cuộc sống là vô tận và khác biệt - tùy theo góc nhìn và cảm quan của mỗi nghệ sĩ. Để cho các nghệ sĩ tìm kiếm, khai thác, tôn vinh vẻ đẹp của đất và người ở chính nơi mình sống cũng là một cách để mỗi người sống, sáng tác có trách nhiệm hơn và thêm yêu quê hương mình” - NSNA Phạm Văn Tý nói.

Không nằm ngoài dự đoán của Ban tổ chức, từ một “đề bài mở” như vậy, các NSNA từ 10 tỉnh, thành phố trong khu vực đã gửi về liên hoan hơn 2.000 bức ảnh chụp phong cảnh, chân dung, sinh hoạt đời thường, tĩnh vật... Qua đó, phản ánh được phần nào các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng...; những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Hình ảnh những bản làng Tây Nguyên bảng lảng trong làn sương sớm; những rẫy cà phê, cao su ngút ngàn; những chiếc cầu treo chênh vênh vắt ngang sườn núi... xuất hiện với tần suất khá cao. Đề tài sinh hoạt đời thường, thiên nhiên - môi trường và tĩnh vật cũng có một lượng tác phẩm đáng kể, với những hình ảnh gần gũi, hiền hòa và giàu chất thơ. Mảng đề tài mang tính thời sự là xây dựng nông thôn mới cũng có nhiều tác phẩm khá ấn tượng với những cánh đồng xanh ngát, những xóm làng ngói hóa, những con đường bê tông thẳng tắp... chân thực nhưng lạ lẫm và đầy tin yêu.

Vũ điệu Apsara (Mai Thành Chương)
Vũ điệu Apsara (Mai Thành Chương)

Bên cạnh những mảng đề tài trên, một số danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa nổi tiếng tiếp tục được các NSNA khai thác một cách triệt để. Những hình ảnh về Mỹ Sơn, Hội An (Quảng Nam), ghềnh Đá Đĩa, đầm Ô Loan (Phú Yên), đầm Thị Nại, bán đảo Phương Mai (Bình Định), Buôn Đôn, hồ Lắk (Đắc Lắc), Bà Nà, Sơn Trà (Đà Nẵng), Vũng Điệp, vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), biển Sa Huỳnh, núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi), nhà thờ gỗ Kon Tum, Măng Đen (Kon Tum)... xuất hiện nhiều đến mức “dày đặc”. Thoạt nhìn thì đấy là những hình ảnh rất quen nhưng thật ra vẫn lạ, nhờ góc nhìn, khung hình, bố cục và cảm xúc rất mới. Đặc biệt, mảng đề tài về biển đảo quê hương cũng được nhiều tác giả khai thác. Những Cù lao Chàm, Phú Quý, Lý Sơn, Cửa Đại, Sơn Trà... hay những hòn đảo ở tít tận Trường Sa; những gương mặt ngư dân rắn rỏi, những chiếc tàu cá lực lưỡng vươn khơi, các phương tiện, khí tài hiện đại của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam... hiện lên với nhiều hình ảnh đặc trưng, đẹp một cách quyến rũ và gần gũi.

Nuôi dưỡng và làm mới cảm xúc

Ở những mùa liên hoan trước, hiện tượng “người nơi nào chụp ảnh nơi ấy” là rất phổ biến. Đến mức, chỉ cần nhìn ảnh, không cần nhìn địa chỉ vẫn có thể biết đích xác tác giả của nó là người tỉnh nào. Riêng mùa liên hoan này, sự hoán chuyển địa bàn sáng tác đã diễn ra khá mạnh mẽ. Có nhiều bức ảnh chụp các buôn làng Tây Nguyên hóa ra lại là của các tác giả Bình Định, Khánh Hòa. Có những bức ảnh chụp những khung cảnh của Quảng Nam nhưng tác giả lại là người Đà Nẵng, thậm chí là Phú Yên, Gia Lai. Hay như mảng đề tài sông nước, biển đảo, có một số tác phẩm của các tác giả Tây Nguyên. Theo một thành viên Hội đồng giám khảo, sự dịch chuyển địa bàn này sáng tác này là một dấu hiệu tích cực. Bởi thông qua đó, mỗi nghệ sĩ có cơ hội làm mới cảm xúc của mình, tìm ra được những góc nhìn khác hơn cũng như giúp họ có những lựa chọn mới hơn về đề tài sáng tác...

Bên cạnh sự dịch chuyển ấy, vẫn có không ít người biết tạo nên khác biệt bằng sự thủy chung của riêng mình. Đó là, có những tác giả qua 3-4 mùa liên hoan vẫn chỉ trung thành với một đề tài, một thực thể nhưng cảm xúc và kỹ thuật tạo hình không hề lặp lại, trái lại là khá mới mẻ. Ví như Lê Trọng Khang (Quảng Nam) vẫn đắm đuối với Mỹ Sơn, Hội An; Đặng Văn Nở (Đà Nẵng) vẫn nặng lòng với những gì thuộc về biển cả; Trần Bảo Hòa (Đắc Lắc) vẫn miệt mài theo bước chân những đàn voi; Nguyễn Lúc (Khánh Hòa) vẫn gắn bó với môi trường biển... NSNA Lê Trọng Khang tâm sự, cũng là để giải thích về những “góc nhìn” của riêng mình: “Những gì mình đã yêu thì theo hoài vẫn thấy mới, chụp hoài vẫn thấy đẹp, thấy lạ, vậy thôi!...”.

PHAN CHÍ ANH

PHAN CHÍ ANH