Vùng cấm... cấm ai?
Chuyện tàn sát rừng pơ mu nằm trên biên giới Việt - Lào mấy ngày qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Đề cập phá rừng ở miền tây xứ Quảng có lẽ nhiều người sẽ tặc lưỡi “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng vì sao lần này nó lại trở thành vấn đề nghiêm trọng, như nhận định của lãnh đạo tỉnh? Mấu chốt là hàng chục mét khối gỗ bất minh nằm ngay trên vùng đất quốc phòng, vốn được quản lý nghiêm ngặt. Gỗ xẻ thành phách nằm la liệt sát các cơ quan của đồn biên phòng và trạm kiểm soát cửa khẩu. Con voi đã chui qua được lỗ kim nên dư luận không khỏi hoài nghi về cái gọi là “đóng”, “mở” cửa rừng tùy tiện hiện nay trên “vùng cấm”. Người viết bài này đã từng bị một chiến sĩ biên phòng dọa sẽ bắt giữ khi qua khu vực biên giới lỡ quên khai báo, xin ý kiến của đồn biên phòng cửa khẩu. Nói đâu xa, trao đổi với báo giới, Thượng tá Nguyễn Trung - Phó phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Quảng Nam) bảo rằng, các điều tra viên liên hệ với trạm biên phòng để vào kho kiểm tra gỗ lậu nhưng bị từ chối. Đích thân ông và trưởng phòng đã lên đó, cử trinh sát liên hệ biên phòng nhưng họ nói đây là vùng cấm, không được vào. Công an thực thi nhiệm vụ còn bị từ chối vào khu vực biên giới huống chi dân thường. Còn ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang thì phải thốt lên, chính quyền vào vùng biên giới để kiểm tra, truy quét vàng tặc, lâm tặc thì biên phòng đưa ra hàng loạt quy định, quy chế để ngăn cản. “Tôi đồng ý nhưng hỏi ngược lại các anh, lâm tặc vào đây vác gỗ nhiều, to như thế các anh có biết không? Mình vào thì không được sao họ vào được. Ma túy nhỏ xíu nhét trong người còn bắt được sao gỗ khai thác rầm rộ như vậy mà biên phòng không biết. Thật vô lý!” - ông Alăng Mai phân bua. Theo cách nói của lãnh đạo địa phương, công tác phối hợp giữa chính quyền và bộ đội biên phòng trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là “có vấn đề”.
Thực tế chứng minh rằng, mấy chục năm nay, nhiều diện tích đất biên phòng chưa phải là “vùng cấm” đối với những đối tượng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép. Chẳng hạn, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (có một số xã biên giới thuộc huyện Nam Giang) thuộc quyền kiểm soát của đơn vị biên phòng, chẳng khác gì “đại bản doanh” của giới thổ phỉ. Họ cày nát núi đồi, “rút ruột” tài nguyên. Họ xâm nhập bất hợp pháp, gây mất an ninh trật tự cho cả vùng. Trong nhiều báo cáo của cơ quan chức năng của tỉnh đã thừa nhận có nạn bảo kê, dung túng cho đối tượng khai thác vàng, lâm sản trái phép nằm trên đất biên thùy nhưng cán bộ nào, thuộc cơ quan, đơn vị nào thì vẫn còn là ẩn số. Vậy cũng dễ hiểu vì sao giới vàng tặc lại chọn “khu vực nhạy cảm” để vơ vét tài nguyên? Chia sẻ với báo chí, ông Alăng Mai còn nói: “Khi Bí thư Đảng ủy xã La Dêê (xã xảy ra phá rừng pơ mu) đề nghị tổ chức truy quét lâm tặc thì lúc nào đồn biên phòng cũng gây khó khăn vì họ cho rằng đây là vùng biên giới, vùng cấm. Xã rất bất bình”.
Lãnh đạo tỉnh đang quyết tâm chỉ đạo lực lượng chức năng sớm phá án vụ tàn sát rừng pơ mu theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Và như vậy, chỉ khi nào bức màn bí mật được vén lên, thì nhân dân mới thực sự yên tâm vào việc bảo vệ tài nguyên rừng ở vùng biên.
HỮU PHÚC