Đối thoại về chính sách lao động

DIỄM LỆ 13/07/2016 09:50

Đối thoại các chính sách liên quan đến pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội nhằm giúp doanh nghiệp (DN) giải tỏa được thắc mắc, là dịp để cơ quan quản lý nhà nước đến gần DN hơn.

Nhiều thắc mắc

Một cuộc đối thoại với DN ở khu vực Núi Thành được Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành tổ chức đã thu hút sự quan tâm của khá đông DN trên địa bàn, liên quan đến chính sách lao động (LĐ), bảo hiểm xã hội (BHXH).

Ông Diệp Thế Trí - Giám đốc Hành chính nhân sự (Công ty Liên doanh may Như Thành) nói: “Công ty chúng tôi liên doanh với đối tác nước ngoài, nên quan điểm của lãnh đạo phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, nhất là những chính sách liên quan trực tiếp đến người LĐ. Về phía khách hàng cũng kiểm tra rất gắt gao việc tuân thủ quy định của Việt Nam trước khi ký kết hợp đồng. Đặc biệt, các văn bản pháp luật của Nhà nước cần có bản song ngữ để thuận lợi hơn cho DN có yếu tố nước ngoài đầu tư, bởi không phải lúc nào phiên dịch cũng truyền đạt đúng và đủ nội dung liên quan”. Ngoài ra, ông Trí cũng quan tâm đến việc đào tạo trình độ cho đội ngũ nhân sự như tổ chức các khóa tập huấn thường xuyên về pháp luật LĐ, BHXH. Về phía người LĐ cũng cần được quan tâm tuyên truyền các chính sách nêu trên để thực hiện đúng luật, đồng hành với DN trong phát triển sản xuất. Riêng đối với một số DN có người LĐ nước ngoài, ông Trí đề nghị nên có câu lạc bộ sinh hoạt cho người LĐ nước ngoài ở một khu, cụm có sự quản lý của nhà nước. Bởi từ năm 2016, theo quy định của Luật BHXH người nước ngoài đều phải tham gia BHXH, nên các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để LĐ nước ngoài hiểu và đồng thuận.

Ông Diệp Thế Trí (Công ty Liên doanh may Như Thành) cho rằng cần quan tâm đến người lao động nước ngoài.  Ảnh: D.L
Ông Diệp Thế Trí (Công ty Liên doanh may Như Thành) cho rằng cần quan tâm đến người lao động nước ngoài. Ảnh: D.L

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thuận - cán bộ nhân sự của Công ty TNHH CCI Việt Nam quan tâm đến chế độ dành cho LĐ theo quy định của pháp luật. Bà Thuận thắc mắc: “Quy trình giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức đối với người LĐ của cơ quan BHXH còn chậm, phải mất một tháng. Bởi cuối tháng DN mới chuyển đóng các khoản BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ, như vậy quá lâu cho người LĐ”. Bà Thuận còn hỏi thêm về quy định khi người LĐ nghỉ việc thì tháng liền kề trước đó phải tham gia BHXH mới được giải quyết chế độ. Trong khi đó, có trường hợp vì như người LĐ nghỉ việc tháng 5.2016, nhưng tháng 4.2016 nghỉ phép hơn 14 ngày nên công ty không tham gia BHXH. Theo quy định phải có quyết định tạm hoãn hợp đồng LĐ mới giải quyết được, nhưng Công ty CCI là DN nước ngoài nên chủ sử dụng LĐ cho rằng họ chỉ nghỉ phép tạm thời nên không ra quyết định tạm hoãn được, như vậy khó khăn cho người LĐ.

Một số DN quan tâm đến ý thức của người LĐ khi nghỉ việc mà không thông báo trước thời hạn; người LĐ vi phạm nội quy làm việc thì DN không được xử lý kỷ luật bằng cách trừ lương để tăng tính răn đe; phần lớn người LĐ đơn phương nghỉ việc nhưng DN muốn chấm dứt hợp đồng phải có lý do…

Giải quyết theo luật

Ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Tiền lương, BHXH (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: “Về hợp đồng LĐ, chúng tôi đã nhìn thấy bất cập và đã có kiến nghị lên Trung ương có những quy định hợp lý hơn cho DN. Tuy vậy, luật cũng quy định nếu người LĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng LĐ không có lý do, nghỉ ngay sau khi gửi đơn mà không theo trình tự thời gian là trái luật. Điều này hai bên nên thỏa thuận rõ trong nội quy LĐ của công ty. Nội dung kỷ luật người LĐ nên thỏa thuận giữa hai bên trong hội nghị người LĐ hoặc đưa vào nội quy LĐ và bắt buộc hai bên phải tuân thủ”. Ông Tứ giải thích thêm, khi xử lý vi phạm đối với người LĐ, DN tuyệt đối không trừ vào lương, nhưng có thể khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức đối với người có chức danh… Mọi vấn đề xử lý kỷ luật LĐ cũng phải được quy định rõ ràng trong nội quy LĐ đã được hai bên thỏa thuận. Có những đối tượng người LĐ không được áp dụng xử lý kỷ luật gồm phụ nữ mang thai, đang nghỉ thai sản, DN có thể xử lý sau khi họ hết thời gian này. Việc tuyên truyền pháp luật LĐ, Luật BHXH vẫn được Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan như BHXH tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện thường xuyên. Các DN tùy theo điều kiện sản xuất, bố trí thời gian và liên hệ trực tiếp về sở để đăng ký cho người LĐ được nghe tuyên truyền luật. Đặc biệt, việc tuyên truyền hoàn toàn miễn phí, DN có thể yên tâm và cần phối hợp với cơ quan chức năng để đưa pháp luật đến người LĐ.

Đối với đề nghị phiên dịch tài liệu pháp luật sang tiếng nước ngoài của DN là chính đáng, nhưng trong điều kiện hiện nay chưa cho phép nên các DN cần quan tâm đến đội ngũ phiên dịch viên có trình độ. Ông Nguyễn Thanh Danh - Phó Giám đốc BHXH tỉnh, thông tin: “Hiện cơ quan BHXH có cuốn Luật BHXH song ngữ Việt - Anh, nội dung tóm tắt, dễ hiểu, DN liên hệ cơ quan BHXH để được cung cấp”. Đối với ý kiến về chế độ ốm đau giải quyết chậm, BHXH tỉnh tiếp thu và sẽ xử lý kịp thời, không để phiền hà cho người LĐ cũng như DN. Riêng chế độ bảo hiểm thất nghiệp như ý kiến của Công ty TNHH CCI Việt Nam, luật đã quy định phải có quyết định tạm hoãn hợp đồng LĐ của DN mới giải quyết được chế độ cho người LĐ. Điều này bộ phận tham mưu nhân sự cho DN phải giải thích rõ cho chủ sử dụng LĐ hiểu và tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

DIỄM LỆ

DIỄM LỆ