Quyền lợi và quy định

SÁU CÒI 12/07/2016 08:50

Câu chuyện quyền lợi hay việc đòi hỏi của người dân về việc bồi thường, giải tỏa thuộc dự án dường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa thống nhất so với quy định còn dài; chỉ có ý thức và trách nhiệm với cộng đồng mới mong khai thông điểm nghẽn.

Thị xã Điện Bàn đang quyết tâm tháo gỡ những “nút thắt” cuối cùng về ách tắc giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thuộc địa phận xã Điện Thọ. Theo số liệu mà Sáu Còi nắm bắt, địa phương hiện còn 7 hộ dân chưa bàn giao công địa cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Những gia đình này đều đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ; phần lớn triển khai xây dựng nhà cửa thuộc địa điểm khu tái định cư (TĐC) tập trung mới, hoặc TĐC tại chỗ. Chủ đầu tư, nhà thầu, cả hệ thống chính trị của thị xã Điện Bàn, điển hình là xã Điện Thọ tiếp tục vận động hộ nào đang xây nhà mới thì thuê chỗ ở tạm thời theo chính sách hỗ trợ đã nhận, hoặc trú ngụ nhà người thân để khẩn trương bàn giao mặt bằng. Có trường hợp, đại diện một đơn vị của nhà thầu gói số 2 còn nhiệt tình mời gia chủ đến trú ngụ miễn phí tại trụ sở mình thuê, trong lúc chờ đợi thời khắc tân gia. Về phía chủ nhà, họ khẳng định sẽ cố gắng bàn giao sớm nhất có thể, khi mà ngày, giờ dời chuyển bàn thờ gia tiên đã được ấn định. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Điện Thọ Phan Minh Lộc thổ lộ, những hộ thuộc diện này, địa phương sẽ kiên trì động viên, phân tích cho bà con nhận rõ sự cần thiết cần bàn giao nhanh mặt bằng để nhà thầu xây dựng công trình, đặc biệt là khu vực nằm trúng ngay tim đường, đoạn tuyến trọng yếu cần nhiều thời gian hoàn thiện.

Điện Thọ còn 3 trường hợp đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa thỏa mãn về chuyện TĐC. Mặc dù đảm bảo điều kiện để TĐC tại chỗ và theo quy định không nằm trong diện nhận lô tại khu TĐC tập trung, tuy nhiên họ vẫn khăng khăng đòi hỏi quyền lợi. Đặc biệt, hộ ông Phan Văn Nuôi còn gửi đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND tỉnh. Đưa cho chúng tôi xem nội dung đơn thư đã chuyển đi, con trai của ông Phan Văn Nuôi là ông Phan Văn Phòng đồng thời giải thích rằng, gia đình bị thu hồi 156,4m2 đất ở (bề ngang rộng 14m), phải giải tỏa căn nhà cũ. Diện tích đất ở còn lại 439,6m2, tuy vậy khi làm nhà mới thì mặt tiền phải quay ra con đường nhỏ, không còn chỗ buôn bán, sát miếu thờ… sẽ không đảm bảo cuộc sống ổn định về sau này. Hộ làm đơn nhiều lần, nhưng UBND thị xã quyết định không bố trí TĐC nơi ở mới. Ông Phòng còn “so sánh” với một số hộ dân nằm chung tuyến đường, bị thu hồi đất phía sau lưng, không ảnh hưởng căn nhà hiện hữu song vẫn được cấp đất bố trí TĐC? Phải chăng, ông Phòng không hề biết hộ do mình “chỉ điểm” có nhà ở gần ngay hạ lưu sông, vào mùa mưa lũ sẽ ảnh hưởng trực tiếp sự sống nên bắt buộc di dời đến khu TĐC mới. Nếu như vậy, những người có trách nhiệm cần khẩn trương đối thoại, giải thích rõ mọi ngọn ngành, trước khi cưỡng chế đặng “tâm phục khẩu phục”. Trôi về giai đoạn cuối, Điện Bàn đã, đang phải đối mặt nút thắt khó gỡ nhất, cho nên địa phương cần tiếp tục nỗ lực, linh hoạt để sớm về đích theo yêu cầu.

SÁU CÒI

SÁU CÒI