Ứng dụng công nghệ cao: Thách thức đối với bài toán việc làm
Công nghiệp công nghệ cao đang đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế tại khu vực Đông Nam Á (ASEAN) nhưng lại đặt ra nhiều thách thức đối với nguồn lao động.
Trên đây là khẳng định lại tại báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), theo kết quả nghiên cứu của ILO Bureau for Employers’ Activities (Văn phòng ILO cho các hoạt động sử dụng việc làm). Trước đó, các chuyên gia của văn phòng này đã tiến hành khảo sát về việc công nghệ đang tác động như thế nào đến hiệu quả của việc làm dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, được tiến hành tại các nước ASEAN. Đồng thời các doanh nghiệp, lao động mong chờ sự chuyển giao công nghệ ra sao trong thập kỷ tới.
Hoạt động sản xuất, chế tạo qua ứng dụng công nghệ cao tại ASEAN. (Ảnh: ILO) |
Bảng báo cáo lần này của ILO có tên gọi: “ASEAN trong chuyển giao: Công nghệ đang thay đổi việc làm và doanh nghiệp như thế nào” cho thấy, tiềm năng mang lại cơ hội phát triển và việc làm bằng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất chế tạo, rô-bốt và hệ thống internet rất đáng kể. Nghiên cứu của ILO được tiến hành tại 4.000 doanh nghiệp ASEAN, 2.700 sinh viên và phỏng vấn hơn 330 cổ đông cũng như khách hàng của các doanh nghiệp đó. ILO tập trung vào vấn đề công nghệ tại các doanh nghiệp chế tạo ô tô, phụ tùng ô tô, điện - điện tử, dệt may, quần áo và giày dép, bán lẻ, gia công. Theo đó, hơn 60% doanh nghiệp trong khối ASEAN được khảo sát cho thấy kết quả của ứng dụng công nghệ là yếu tố tích cực trong việc tăng lương cho nhân công, nâng cao năng suất lao động và gia tăng số lượng việc làm có tay nghề cao. Ví như, công nghệ rô-bốt không những mang lại những yếu tố tích cực vừa nêu trên mà còn đóng góp vào tính kiên định, chất lượng sản phẩm và an toàn lao động nơi làm việc.
Một ví dụ khác về quốc gia ngoài ASEAN là Nhật Bản, nơi ứng dụng công nghệ rô-bốt rất rộng rãi từ nhiều năm qua, như là lực lượng lao động chính tại rất nhiều hãng sản xuất, nông trại. Kết quả cho thấy, những nông trại sử dụng chủ yếu rô-bốt sẽ giảm một nửa chi phí nhân công của công ty, đồng thời tăng 25% sản lượng rau quả thu hoạch. Tuy nhiên, các chuyên gia ILO nhìn nhận rủi ro của việc phát triển rô-bốt trên khía cạnh tác động cơ hội việc làm của nhiều lao động, nhất là những người có tay nghề thấp, chiếm tỷ lệ rất cao trong lao động ASEAN. ILO thống kế, chỉ riêng trong hoạt động sản xuất của ngành dệt may, quần áo và giày dép trong ASEAN hiện tạo ra hơn 9 triệu việc làm cho khu vực, chủ yếu là lao động nữ trẻ tuổi, nhiều người có cuộc sống kinh tế rất khó khăn. Do đó, những lao động không được đào tạo bài bản sẽ là đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất, bên cạnh đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, những thị trường lớn của ASEAN như châu Âu và Mỹ có thể sử dụng công nghệ cho hoạt động sản xuất tại đó sẽ làm giảm tăng trưởng xuất khẩu của ASEAN.
Vi vậy, ông Deborah France-Massin - Giám đốc Văn phòng ILO cho rằng: “Các nhà hoạch định chính sách của khối ASEAN cần thiết phải tập trung, đầu tư hơn nữa về nguồn nhân lực, lao động có tay nghề cao, nghiên cứu, phát triển chất lượng sản phẩm. Những quốc gia cạnh tranh về lao động nhân công giá rẻ cũng dần thay đổi chiến lược phát triển trong thời đại rô-bốt”.
QUỐC HƯNG