An ninh trong thế giới nhiều rủi ro

NAM VIỆT 05/07/2016 21:20

(QNO) - Thế giới đang đứng trước nhiều thách thức, đe dọa nghiêm trọng. Vấn đề an ninh đang được lên hàng đầu tại khắp các châu lục, trên mọi lĩnh vực.

Nhân viên Cục điều tra Liên bang Mỹ đang săn tìm tội phạm công nghệ cao trên toàn cầu qua internet (ảnh: digitaltrends)
Nhân viên Cục điều tra Liên bang Mỹ đang săn tìm tội phạm công nghệ cao trên toàn cầu qua internet (ảnh: digitaltrends)

Theo nhận định của hãng truyền thông quốc tế Đức - Deutsche Well, thế giới hiện đang gánh chịu nhiều hệ lụy cực kỳ nguy hiểm từ chiến tranh, xung đột, bạo lực và tội phạm công nghệ cao. Hơn lúc nào hết, an ninh, được bảo vệ trở thành những vấn đề nóng rất được quan tâm. Vụ lộ bí mật lớn nhất trong lịch sử hay còn gọi là “Hồ sơ Panama” diễn ra vào mùa xuân năm nay khiến cả thế giới bị chấn động. Thiên đường thuế Panama bị phanh phui với giá trị tài sản nhiều tỷ đô của các công ty, cá nhân trên thế giới, đặc biệt là của nhiều chính trị gia.

Nhưng mặt khác, vụ việc cũng lộ rõ về việc tấn công dữ liệu nhằm gây tổn hại uy tín cá nhân đặt ra vấn đề lớn trong bảo mật đối với các hãng luật, công ty tư vấn, đầu tư, tài chính, bí mật quốc gia. Đó là khi các tội phạm công nghệ cao tấn công rất nhiều ngân hàng trên thế giới để đánh cắp số tiền trong tài khoản. Như vụ Ngân hàng Trung ương Bangladesh mới đây bị mất 100 triệu USD gửi trong Cục dự trữ Liên bang Mỹ do bị tin tặc Trung Quốc đánh cắp. Ngân hàng Berenberg của Đức hợp tác với Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới Hamburg (HWWI) vừa xuất bản một công trình nghiên cứu với đề tài: “Chiến lược 2030: Của cải và cuộc sống trong thế hệ tiếp theo”, trong đó chủ yếu tập trung đến vấn đề an ninh và bảo mật.

Công trình nghiên cứu trên dành 35 trang nói về chủ nghĩa khủng bố không những cướp đi sinh mạng của không biết bao nhiêu người mỗi năm mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế thế giới khoảng 53 tỷ USD vào năm 2014. Trong khi đó thiệt hại từ các vụ tấn công công nghệ cao là 400 tỷ USD. Tấn công khủng bố ngày càng gia tăng số vụ, quy mô và số người chết từ Á sang Âu, từ châu Mỹ sang châu Phi, cả châu Úc. Mới nhất là vụ tấn công tự sát kinh hoàng bằng bom gài trong xe tải vào cuối tuần qua ở thủ đô Baghdad của Iraq khiến hơn 200 người thiệt mạng. Chỉ trong một ngày 4.7 vừa qua, Ả-rập Xê-út chứng kiến 3 vụ đánh bom liều chết tại 3 thành phố khác nhau, trong đó có một vụ làm rung chuyển thánh địa Hồi giáo linh thiêng nhất nhì thế giới.

Phát biểu với hãng tin DW, Giám đốc HWWI, ông Henning Vöpel nói: “Vấn đề ninh đang được kêu gọi khi nhu cầu được bảo vệ ngày càng gia tăng trước nhiều thách thức lớn. Chỉ trong vòng 20 năm tới thì việc chuyển tải dữ liệu sẽ tăng gấp 5 lần hiện nay. Đồng thời, nền công nghiệp thế giới đang chuyển nhanh sang một thời kỳ mới, gọi là cuộc cách mạng kỹ nghệ 4.0 (Industry 4.0), cảm biến, rô-bốt và các máy in 3D, Internet of Things (mọi thứ được kết nối bằng internet), trí thông minh nhân tạo càng đòi hỏi được đầu tư an ninh bảo mật phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Công trình nghiên cứu trên đồng thời dành nhiều đề cập đến bạo lực, xung đột từ căng thẳng địa chính trị. Theo đó ước tính từ đầu năm đến nay đã diễn ra 42 cuộc xung đột trên nhiều quy mô khác nhau. Căng thẳng gia tăng đồng nghĩa với việc chi tiêu quốc phòng tăng. Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm thống kê, lần đầu tiên sau 4 năm sụt giảm, chi tiêu quân sự trên thế giới đã tăng thêm 1% lên mức 1,8 nghìn tỷ USD trong năm 2015. “Một mặt, gia tăng trang bị quân sự đe dọa đến nền hòa bình. Mặt khác, việc chi tiêu này gia tăng là cách để các nước đối mặt với nguy cơ, đảm bảo an ninh quốc phòng” - ông Henning Vöpel cho biết. 

NAM VIỆT

NAM VIỆT