Chủ động giữ rừng trong mùa khô

ALĂNG NGƯỚC 28/06/2016 10:12

Rút kinh nghiệm từ những vụ cháy rừng trước đây, mùa khô năm nay, Hạt Kiểm lâm huyện Đông Giang đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng.

Chủ động ứng phó

Trước những diễn biến phức tạp do thời tiết nắng nóng kéo dài, huyện Đông Giang đã chủ động xây dựng phương án ứng phó, nhằm tăng cường các biện pháp cấp bách trong việc phòng chống cháy rừng (PCCR) tại địa phương. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức trong PCCR cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đông Giang cho biết, để kịp thời ứng phó với “giặc lửa”, ngay từ đầu năm 2016, đơn vị đã xây dựng nhiều kế hoạch, phương án và tổ chức phối hợp với các cơ quan hữu quan trên địa bàn huyện nhằm chủ động PCCR và hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng tự nhiên. Bằng nhiều cách làm hay, địa phương đã và đang phát huy hiệu quả công tác giữ rừng trong mùa khô hanh, không để xảy ra cháy rừng do chủ quan, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất số vụ vi phạm và thiệt hại do cháy rừng.

Việc người dân địa phương tạo đường rãnh dọc khu vực rẫy nhằm phòng tránh cháy rừng được xem là cách làm hay của Đông Giang trong việc giữ rừng vào mùa khô. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Việc người dân địa phương tạo đường rãnh dọc khu vực rẫy nhằm phòng tránh cháy rừng được xem là cách làm hay của Đông Giang trong việc giữ rừng vào mùa khô. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động có nguy cơ dẫn đến cháy rừng và kết hợp tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức người dân về quản lý, bảo vệ rừng và PCCR, các lực lượng chức năng địa phương còn vận động các hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng và áp dụng các chế tài đối với người vi phạm. “Đối với các hộ dân đồng bào địa phương có khu vực rẫy trồng lúa, thời điểm trước khi đốt phải thông báo, đăng ký với chính quyền thôn, xã và kiểm lâm địa bàn nhằm không để tình trạng cháy rừng bất ngờ xảy ra. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động, phối hợp với lực lượng địa phương các xã và thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, bao gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích người dân tạo các đường rãnh 2 - 3m dọc khu vực rẫy, tránh để đám cháy có thể lây lan sang khu vực khác” - ông Hùng cho biết thêm.

Toàn huyện Đông Giang có hơn 81.000ha diện tích đất tự nhiên, trong đó đất lâm nghiệp chiếm gần 68.000ha, với diện tích rừng đặc dụng trên 12.000ha, rừng phòng hộ gần 38.000ha và rừng sản xuất hơn 17.000ha. Do nhiều cánh rừng tại địa phương có rất nhiều thảm mục, cây bụi, lau lách… nên vào mùa khô dễ xảy ra tình trạng cháy rừng. Và thực tế trong nhiều năm qua, từ các vụ đốt nương rẫy, lấy mật ong, đốt thực bì đã dẫn đến nhiều vụ cháy rừng lâm sinh trên địa bàn huyện. Vì vậy, để hạn chế việc cháy rừng, đòi hỏi chính quyền địa phương cần hết sức chủ động, làm tốt các công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát, củng cố lực lượng tại chỗ và xác định vùng trọng điểm dễ cháy rừng trên địa bàn liên tục từ tháng 3 - 9 hằng năm; đồng thời tránh chủ quan lơ là dẫn đến các vụ cháy rừng nghiêm trọng như đã từng xảy ra ở nhiều địa phương miền núi khác trong thời gian gần đây.

Nhiều giải pháp giữ rừng

Những năm gần đây, khi các vụ cháy rừng luôn là mối đe dọa lớn cho các ngành chức năng ở các huyện miền núi, công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCR lại trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tại huyện Đông Giang, năm 2015 có đến 2 vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra ở địa bàn xã Ba là do người dân tự ý đốt nương làm rẫy, gây thiệt hại hơn 4,5ha. Rút kinh nghiệm, mùa khô năm nay, công tác quản lý và PCCR đã được chính quyền huyện Đông Giang đặc biệt chú trọng, xây dựng nhiều phương án thiết thực và hiệu quả. Nhờ vậy đã giảm nguy cơ dẫn đến cháy rừng, đảm bảo theo mục tiêu chung.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Đông Giang về kết quả thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCR trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy, mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài nhưng trên địa bàn huyện không xảy ra tình trạng cháy rừng. Một tín hiệu lạc quan trong công tác giữ rừng của địa phương miền núi ngay trong mùa khô hanh cũng được chú trọng.

Theo ông Đinh Viết Khánh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đông Giang, để tăng cường công tác giám sát rừng vào mùa khô, đơn vị đã hợp đồng ở mỗi xã có một cán bộ quản lý rừng, chuyên làm nhiệm vụ về công tác PCCR. Ngoài ra, việc triển khai các phương án về quản lý, bảo vệ rừng và PCCR luôn được thực hiện chặt chẽ từ cấp cơ sở đến các ngành chức năng có liên quan trên địa bàn huyện, góp phần đẩy mạnh cuộc tuyên chiến với “giặc lửa” một cách hiệu quả nhất. “Cùng với việc tiến hành tu sửa các pa nô tuyên truyền, biển dự báo cấp cháy rừng và vận động nhân dân thực hiện tốt công tác PCCR, chúng tôi cũng thực hiện công tác tuyên truyền đến từng thôn, bản và người dân địa phương thông qua nhiều hình thức khác nhau, nhằm đảm bảo rừng luôn được an toàn, nhất ở các thời điểm mùa khô gay gắt” - ông Khánh nói. Theo dự báo, các đợt nắng nóng sẽ còn tiếp tục kéo dài và ngày càng gay gắt, phức tạp, khiến việc giữ rừng vào mùa khô sẽ rất cam go, thách thức. Do vậy, việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong PCCR và bảo vệ nghiêm ngặt các diện tích rừng hiện có luôn là trách nhiệm chung của người dân, chính quyền và các lực lượng chức năng của huyện Đông Giang, nhất là trong thời điểm “gay cấn” của các tháng khô kiệt kéo dài từ tháng 5 đến 8 hằng năm.

ALĂNG NGƯỚC

ALĂNG NGƯỚC