Theo giấc mơ vàng...
Những phu vàng mà tôi gặp đang hì hục với “giấc mơ vàng” để nuôi hy vọng đổi đời. Đối với họ, chuyện cơm áo, gạo tiền nặng trĩu trên đôi vai chai sần nắng gió. Vì vậy làm vàng là kế sinh nhai và theo đuổi giấc mơ… từ dưới lòng đất.
Những “xí nghiệp” tuyển vàng giữa rừng keo trên khu vực Đồi Sim. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Thấp thỏm…
Trong cái nắng như đổ lửa giữa tiết trời tháng 6, hơi nóng tỏa ra từ những mảng núi đá bị đào xới nham nhở táp vào mặt. Khu vực Đồi Sim được coi là “điểm đen” của xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh) bởi ở đây luôn thường trực những người làm vàng trái phép. Nguyên thủy đây vốn là diện tích đất thuộc quyền khai thác của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu, nhưng sau khi công ty này bị chính quyền tỉnh yêu cầu dừng khai thác, để lại những hầm lò sâu hun hút. Và đó là nơi mà những người dân tứ xứ đổ về để “mót” quặng, đánh đu mạng sống của mình trong hốc núi.
Trong vai những người đi đo đạc rừng, chúng tôi len lỏi vào những cánh rừng keo để tìm dấu vết. Tiếng máy xay đá rộn vang cả một khu đồi nên việc tiếp cận không khó. Thấy bóng người lạ, họ hơi chững lại, nhưng rồi yên tâm cho rằng không phải công an truy quét nên lại lầm lũi tiếp tục làm. Những quặng đá đào từ các hầm, lò được tập kết về đây để xay, rồi tuyển quặng, lắng lọc. Nói cách khác đây giống như một “xí nghiệp” tuyển vàng thu nhỏ, được đặt giữa bạt ngàn rừng keo. Một thanh niên đang đều đặn xúc những xẻng đá đổ vào máy nghiền, tiếng máy gầm lên. Họ hy vọng trong mớ tạp chất đó - những hạt vàng óng ánh theo nước được dẫn chảy về phía máng lọc.
Theo ông Nguyễn Tấn Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Tam Lãnh, Công ty vàng Bồng Miêu sau khi lấy quặng đã dùng bê tông, cốt thép “khóa” miệng hầm lại. Thế nhưng nhiều người vẫn tìm cách mở đường và chui vào các hầm này để tiếp tục tìm vàng. Trên địa bàn có khoảng 44 hầm lò cũ cộng với hàng loạt hầm trái phép. “Để giải quyết triệt để là rất khó, vì nguồn lợi quá lớn, đập phá máy móc xong là họ mua lại máy mới để làm tiếp. Cứ truy quét thì họ lại chạy qua đất huyện Bắc Trà My, hết đẩy đuổi thì họ vào làm lại. Trong khi quy chế phối hợp giữa hai địa phương lại không hiệu quả” - ông Hòa nói. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở TN-MT, trong vòng 6 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ ngạt khí, sập hầm vàng trái phép khiến 41 người chết. Cụ thể, có đến 11 vụ làm chết 2 người trở lên. Trong đó, có những vụ tai nạn cực kỳ nghiêm trọng. Chẳng hạn, vụ sập hầm vàng xảy ra vào ngày 14.6.2011 tại khe Nước Voi (xã Tà Bhing, H.Nam Giang) khiến 6 người chết; vụ ngạt khí tại Ngách Chụm, thôn Bồng Miêu (Tam Lãnh, Phú Ninh) khiến 3 người chết nhiều ngày mới được phát hiện. Vụ tai nạn xảy ra vào giữa tháng 4 năm nay khiến 4 phu vàng tử vong do ngạt khí tại thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang)… |
Qua dò hỏi, đây là bãi của một người tên Dũng, quê ở Tam Lãnh làm chủ, mỗi người làm ở đây được trả ngày công chưa đến 200 nghìn đồng. Tin lời chúng tôi là cán bộ đi đo đạc rừng, ông Trần Văn Hải (52 tuổi, trú ở huyện Tiên Phước) bộc bạch: “Mình cũng chỉ là làm thuê cho người ta, thuê đâu làm đó, cốt kiếm được ngày công nuôi con nuôi cái. Già rồi, không đủ sức đứng giữa nắng làm thợ hồ, lại chẳng có gì khác ngoài mấy mảnh ruộng nay được mai mất. Rứa thôi, chứ chẳng ham hố chi vàng vọt, có cũng là của người ta, không đến lượt mình”.
Đứng cạnh, hai thanh niên cũng tham gia câu chuyện, như giãi bày việc mình làm vàng trái phép là ngoài ý muốn, là chỉ làm công. “Tụi em là dân nông thôn, ở tận Bắc Trà My. Học hành chẳng đến đâu, phía sau lại còn cả mấy đứa em nheo nhóc. Mình phải đi, kiếm được đồng nào nuôi thân thì ba mẹ bớt khổ ngày đó. Mà cũng cực lắm anh ạ, nhiều khi công an truy quét ráo riết, phải lủi sâu vào rừng, nửa ngày cũng chẳng có miếng nước mà uống”. “Thế không sợ bị bắt à?” - tôi hỏi. Người thanh niên có tên Lợi đáp nhanh: “Sợ chứ anh, nên mới phải chạy rứa đó. Nhưng lâu rồi thành quen, phản xạ tự nhiên thôi. Giờ nói về tháo lắp máy nổ thì thợ chuyên nghiệp cũng không bằng tụi em đâu”. Đó là những buổi bị lực lượng công an truy quét, Lợi cùng cả nhóm tháo rời từng bộ phận của máy nổ, máy xay đá rồi vứt đâu đó trong các bụi rậm. Còn bộ phận quan trọng thì phải gánh chạy. Cứ thế, khi công an rút quân thì đem những bộ phận này ra ráp lại thành máy.
Đối mặt nguy nan
Ngược lên đỉnh núi, bỏ lại sau lưng là tiếng máy nổ chát chúa, chúng tôi leo lên đỉnh Đồi Sim, ngay phía sau lưng của nhà máy vàng Bồng Miêu là những hầm lò cũ mà công ty này từng khai thác, cũng là nơi nhiều người đang tập trung mót vàng.
Người dân tứ xứ đổ về mót quặng.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG |
Chúng tôi dừng lại ở một miệng hầm sâu dựng đứng chừng hơn 10m đang có hai người đang đào lấy quặng. Cách đó không xa là một dàn tuyển lọc quặng hoạt động hết công suất với hai nhân công đang hì hục. Lần này chúng tôi không qua được mắt phu vàng. Đành… lật bài ngửa, thì câu chuyện lại trở nên cởi mở hơn. Chúng tôi nhận được cái vẫy tay từ những người đang ngồi ở máy tuyển lọc vàng: vào đây uống tí nước đã.
Mở đầu câu chuyện, ông Hồ Văn Hờn (48 tuổi, trú tại huyện Bắc Trà My) nói thẳng: “Mấy chú là nhà báo phải không? Đừng giấu, tụi tôi lạ chi. Lúc đầu còn sợ, chứ chừ thì chai rồi. Mấy chú có nói gì cũng thế cả. Việc tôi tôi làm, bao lâu nay vẫn thế. Truy quét lại chạy, hết lại làm. Người ta lấy cả hàng tấn vàng chẳng làm gì được, tụi này chỉ kiếm đôi ba đồng, gọi là đi mót kiếm sống qua ngày thì lại làm ầm cả lên…”. Vừa nói, ông thủng thẳng nhấp ngụm nước chè đặc quánh rồi quay qua giải thích từng công đoạn của tuyển lọc vàng, như phải chọn đá thế nào, xay ra sao, lọc vàng sao cho khỏi hụt…
Theo ông Hờn, ở quanh khu vực này còn rất nhiều người như ông, cũng chỉ là những người làm thuê kiếm tiền sống qua ngày, còn lại chủ bãi thì khoảng 3 ngày lên một lần để lấy vàng rồi đưa ít tiền, thức ăn cho họ. Việc đánh đu mạng sống của mình ở trong những hầm lò chằng chống sơ sài, dày đặc chướng khí đối với họ trở thành quen thuộc, có sợ, nhưng nỗi sợ đong đầy cơm áo cho con ở nhà còn lớn hơn. Nỗi buồn quánh đặc như khói thuốc từ từ bay lên. “Nghe nhiều người chết do ngạt khí gần đây rồi, cũng sợ. Nhưng sợ rồi cũng phải làm. Không làm lấy chi nuôi con? Sinh nó ra thì phải có trách nhiệm nuôi nó, thân mình coi như bỏ rồi. Cốt để cho nó sáng sủa hơn, khỏi theo cha nó chui rúc trong những hầm tối tăm” - ông Hờn nói như tiếng thở dài. Vợ ông bị tai biến, chỉ quanh quẩn ở nhà. Ba đứa con thì mới một đứa có chồng, còn 2 đứa vẫn đang học đại học. Có lẽ đó cũng là niềm tự hào duy nhất để ông sẵn sàng gánh chịu nguy nan.
Theo cánh tay ông chỉ, chúng tôi ngược lên trên một chút nữa, nơi những hầm lò của Công ty vàng Bồng Miêu còn để lại. Trong một căn hầm đã bị đánh sập, chỉ còn lại mấy thanh gỗ mục nơi cửa hầm nay đang được một nhóm người chằng chống lại để tiếp tục khai thác. Ngay phía trên đầu họ, cả triền núi bị bạt vơi đi hơn nửa, cả khối đất như chực đổ xuống vùi lấp tất cả nếu chỉ với một cơn mưa. Nhưng họ vẫn miệt mài chằng chống, cơi nới từng chút một để tìm kiếm vận may. Một người đàn ông ngoài 30 tuổi cho biết, mấy anh em đều là họ hàng cùng một nhà, lên đây hơn nửa tháng. “Thấy họ làm mình cũng làm thôi, chẳng biết có vàng hay không, nhưng hầm cũ người ta đã từng làm, chắc có!”. Phía trong căn hầm vừa được đào sâu chừng 5m, những cây gỗ được chằng chống sơ sài là nơi mà 4 người thay nhau đào những lớp đá dày cộm để tìm vỉa vàng. “Đá kiểu này, mấy anh có dùng thuốc nổ không?”. “Cũng có chứ anh, nhưng mới đào phía ngoài thôi, vào trong sâu mới nổ”. “Thế thuốc nổ mua ở đâu?”. “Thì người ta mua ở đâu em mua ở đó thôi”.
Ở khu vực này những hầm lò mọc lên như nấm sau mưa, mới có, cũ có. “Em chỉ làm một thời gian thôi, chỉ cần kiếm được kha khá là nghỉ, kiếm ít vốn cho vợ buôn bán. Trước em có nhiều người trúng lắm, mình làm theo thử” - một thanh niên nói.
Có quá nhiều lời cảnh báo, cả răn đe, dọa nạt. Nhưng nhiều phu vàng vẫn theo đuổi giấc mơ riêng của mình, dù ở phía trước họ là những hiểm họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào.
Phóng sự của NGUYỄN DƯƠNG