Khoảng trống công viên xanh
Các đô thị hiện nay mặc dù quy hoạch không gian tổng thể nhìn có vẻ hài hòa về kiến trúc, xây dựng, mật độ công viên cây xanh; song thực tế việc thừa hưởng những tiện ích công cộng, môi trường trong lành giữa phố vẫn còn hạn chế.
Quảng trường 24.3 Tam Kỳ về đêm. |
Thiếu công viên thân thiện
Không khí môi trường ở TP.Tam Kỳ chưa đến mức ngột ngạt, nếu nhìn ở góc độ mật độ dân cư, bình quân người dân sử dụng không gian diện tích đô thị. Tốc độ phát triển đô thị hóa vừa phải, dòng người di cư đến thành phố sinh sống, làm ăn chưa nhiều nên chưa gây áp lực về xã hội, phá vỡ các quy hoạch hiện có. Những năm qua, TP.Tam Kỳ dành nhiều nguồn lực ưu tiên xây dựng hoặc mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông, sắp xếp dân cư, nâng cấp vỉa hè, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, hoàn thiện cảnh quan đô thị... Thời điểm hiện tại, có thể nói địa điểm công viên vui chơi nội thành lớn nhất của Tam Kỳ tập trung chủ yếu ở Quảng trường 24.3. Nằm giữa trung tâm của tỉnh lỵ, phải thừa nhận không gian nơi đây rất lý tưởng, sạch sẽ. Những người đi bộ buổi sáng từ già đến trẻ tập trung ở khu vực này rất nhiều.
Tuy vậy, nhiều người dân Tam Kỳ bảo rằng, Quảng trường 24.3 còn thiếu nhiều chức năng cần thiết của một công viên hiện đại, cảm giác nơi đây là khu “hoàng gia” hợp với tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật, chỉ thu hút giới trẻ sinh viên, học sinh, cán bộ công chức nhà nước..., còn đối tượng người lao động chân tay về đây để hóng mát, tản bộ thì ít ỏi lắm. Thị dân ngại đến đó không phải “mặc cảm” mà vì sở thích không phù hợp, thậm chí xa địa bàn dân cư với các phường Hòa Hương, An Sơn, Phước Hòa, Trường Xuân... “Lực hút” của công viên ở các đô thị lớn là trùng điệp cây xanh, có đầy đủ loại hình vui chơi, giải trí. Ở đó không “phân biệt” tuổi tác, thành phần xã hội. Bởi vậy, người ta tìm đến công viên là để thư thái, hít thở không khí trong lành, hòa mình vào biển người. Tại TP.Hồ Chí Minh, cũng như thủ đô Hà Nội, chính quyền xây dựng công viên tổng hợp đa chức năng nhưng tùy thực tế mỗi nơi còn hình thành công viên chuyên biệt phục vụ cho từng đối tượng. Dĩ nhiên ai cũng đều được vào đây vui chơi, giải trí. Ở TP.Hồ Chí Minh, hiện nay giới trẻ đam mê thể thao rất thích vào công viên vì nơi đó có thể tập miễn phí nhiều môn thể dục thể thao, cũng như nhiều trò chơi dân gian. Còn quanh Hồ Gươm (Hà Nội), từ tờ mờ sáng các bà, các chị tập thể dục dưỡng sinh rất đông. Các hồ điều hòa sinh thái Nguyễn Du, Duy Tân (TP.Tam Kỳ) thực chất chỉ quy hoạch với chức năng điều tiết môi trường cho đô thị, chứ không làm thay chức năng của một khu giải trí. Tuy nhiên, thời gian qua, giới mê câu cá đã biến các bờ hồ thành điểm giải trí chộn rộn.
“Bớt xén” đất quy hoạch công viên
Bất kỳ đô thị thân thiện với môi trường nào trên thế giới cũng đều dành diện tích đất nhất định để xây dựng công viên cây xanh. TP.Tam Kỳ không phải là ngoại lệ. Trước đây, khi quy hoạch các khu dân cư số 1 (phường An Mỹ), khu dân cư số 6 (phường Tân Thạnh), An Hà - Quảng Phú, khu phố mới Tân Thạnh..., chính quyền lẫn chủ đầu tư đều dành đất xây dựng công viên cây xanh. Tuy nhiên, do sức ép từ các dự án phát triển cùng với sự thiếu quan tâm nguồn đầu tư địa điểm giải trí, nên đất quy hoạch công viên cây xanh đã bị “bớt xén” chuyển đổi mục đích sử dụng. Điển hình, tại khu dân cư số 1 (phường An Mỹ), năm 2013 một công viên đang trồng các loại cây lộc vừng, bằng lăng, sưa vàng... buộc phải chặt bỏ để xây dựng công trình trụ sở làm việc cho các hội. Theo Sở Tài nguyên - môi trường (chủ đầu tư dự án khu dân cư số 1), căn cứ quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt thì Tam Kỳ đã xây dựng trụ sở làm việc các hội ngay trên diện tích đất quy hoạch và đã xây dựng công viên cây xanh, phá vỡ quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt. Việc lấy đất công viên để sử dụng vào mục đích khác đã làm cho “hình hài” đô thị bị méo mó, gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch xây dựng. Tương tự, tại thị trấn Phú Thịnh (Phú Ninh), một số diện tích trước đây quy hoạch cây xanh đã bị điều chỉnh sang đất công cộng. Đơn cử, 1.440m2 đất xây dựng nhà làm việc của Đội quản lý điện Phú Ninh hiện nay nguyên thủy là đất dành cho cây xanh. Sở dĩ, nhiều công viên bị “bỏ quên” do địa phương thiếu nguồn lực đầu tư, thậm chí lấy mặt bằng sạch đã quy hoạch phát triển cây xanh ưu tiên cho các dự án khác.
Tại TP.Hội An, gần đây cử tri phản ứng về việc hàng chục nghìn mét vuông đất dành xây dựng quảng trường, khu vui chơi giải trí đã cho Trường Đại học Phan Châu Trinh thuê sử dụng đến nay chưa thu hồi (thời hạn thuê đất của trường này chỉ đến ngày 31.12.2015 nhưng vẫn tiếp tục gia hạn). Vì vậy, bấy lâu nay địa phương “quy hoạch treo” dự án đầu tư công viên. Theo Sở Xây dựng, khi quy hoạch đô thị, bất cứ địa phương nào cũng bắt buộc xây dựng hạng mục công viên cây xanh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nên quá trình đầu tư chưa đồng bộ và phù hợp. Hai thành phố lớn là Tam Kỳ và Hội An đang có xu hướng phát triển đô thị xanh, thành phố sinh thái nhưng gặp khó khăn chung là diện tích đất cây xanh hiện nay ít ỏi, cơ cấu cây trồng lại chưa hợp lý. Theo tiêu chuẩn đô thị xanh, mỗi người phải có 10m2 cây xanh để hấp thu lượng khí thải ra. Tuy nhiên, cây xanh ở đô thị chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái.
HỮU PHÚC