Khi người nghèo được sẻ chia...
Người giàu có, khá giả đi bệnh viện đã khổ. Người nghèo còn khổ hơn, mặc dù đối tượng này đã được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% nếu khám chữa bệnh đúng tuyến.
Trước đây, nếu khám chữa bệnh đúng tuyến, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn vẫn phải trả 5% tổng chi phí. Từ ngày 1.1.2015, khi Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, các trường hợp nêu trên khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được chi trả 100%. Nghĩa là, gánh nặng chi phí khám chữa bệnh của người nghèo đã giảm đáng kể, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng này được tăng lên. Tuy nhiên, người nghèo vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn khi đi bệnh viện, đến mức có không ít người mang bệnh nhưng không dám đến bệnh viện để điều trị.
Bà Phạm Thị Uyển điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: C.N |
Nghèo đeo khổ
Bà Huỳnh Thị Hoàng (57 tuổi, ở xã Bình Chánh, huyện Thăng Bình không có chồng, đứa con duy nhất đã mất), sống một mình trong căn nhà tình thương được xây dựng cách đây hơn 10 năm, nay đã xuống cấp. Chưa đầy 60 tuổi mà trông bà như ngoài 70 vì bệnh tật hành hạ bà suốt chục năm qua. Giờ đây, bà Hoàng mang trong người nhiều căn bệnh: rối loạn tiền đình, viêm xoang, viêm dạ dày, sưng khớp. Mắt trái bà bị múc bỏ nhãn cầu đã lâu, mới đây, mắt phải bị đục thủy tinh thể, có nguy cơ mù lòa nếu không được phẫu thuật kịp thời. Vậy nhưng, bà vẫn lần lữa vì không có tiền để chi phí ăn uống trong thời gian phẫu thuật. Chưa kể bà lo lắng không người chăm sóc trong những ngày ở viện. Cho nên bà Hoàng đến Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình, rồi Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chỉ để khám và nhận thuốc về uống cầm chừng. Bà Phạm Thị Uyển ở xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bà Uyển năm nay 82 tuổi, sống một mình, không người thân thích. Ngày 22.5 vừa qua, bà Uyển bị gãy chân và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật khi trong túi chỉ có vài chục nghìn đồng. Một người em xa chạy vạy mượn tiền nuôi bà. Lẽ ra phải điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh dài ngày hơn nhưng do không có người thân nên bà đã xin về điều trị ở tuyến dưới cho gần nhà.
Ở các Khoa Ung bướu, Nội thận - nội tiết Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam phần lớn là bệnh nhân nghèo vì các căn bệnh này điều trị lâu dài, tốn kém. Nằm viện lâu ngày nên nhiều người vốn nghèo lại thêm khánh kiệt. Có trường hợp như em Hoàng Văn Sang ở Thăng Bình mới 20 tuổi mà đã có 7 năm điều trị ở bệnh viện. Nhiều trường hợp nhà ở xa, ngoài thời gian chạy thận 3 lần/tuần, lúc nào cảm thấy khỏe trong người, bệnh nhân tranh thủ đi bán hàng rong, vé số để kiếm thêm tiền trang trải trong thời gian nằm viện.
San sẻ yêu thương
Bà Hoàng cho biết, trong những ngày nằm ở Trung tâm Y tế Thăng Bình, bà thường được các cô điều dưỡng giúp đỡ khá nhiều, từ việc chăm sóc đến ăn uống. Những ngày tết vừa rồi, bà là bệnh nhân duy nhất của Trung tâm Y tế Thăng Bình, cũng được điều dưỡng lo từng bữa ăn. Còn trường hợp của bà Uyển, thương người hàng xóm nghèo gặp nạn, người dân ở xã Sơn Viên tổ chức quyên góp tiền gửi vô Tam Kỳ cho bà mua thức ăn và các chi phí khác.
Ở Bệnh viện Nhi Quảng Nam cũng có nhiều trường hợp sống lay lắt và được cộng đồng chung tay giúp đỡ. Hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Thu Hương (dân tộc Ca Dong, ở Phước Sơn) là một ví dụ. Cách đây vài tháng, Báo Quảng Nam nhận được điện thoại của một người nhà bệnh nhân đang chăm con ở Bệnh viện Nhi Quảng Nam thông tin về hoàn cảnh của chị Hương và đề nghị tòa soạn giúp đỡ. Hai trong số 3 người con của chị bị bệnh thiếu máu bẩm sinh. Để duy trì được sự sống, hằng tháng chị phải đưa con đi chuyền máu, khi ở Quảng Nam, có lúc ra tận Bệnh viện Trung ương Huế. Không có người giúp đỡ, chị Hương bế đứa con nhỏ mới vài tuổi vào luôn bệnh viện để tiện chăm sóc cả 3 con. Chứng kiến hoàn cảnh đáng thương của chị Thu Hương, nhiều người nuôi con bị bệnh ở Bệnh viện Nhi Quảng Nam một mặt hỗ trợ chị từng bữa ăn, một mặt huy động người thân của mình giúp đỡ mẹ con chị.
Nhiều người tâm sự, đã nghèo mà còn phải đi viện thì gặp muôn cái khó, nếu không có sẻ chia của cộng đồng, của những người cùng cảnh ngộ với nhau thì hẳn sẽ còn khó khăn hơn. Chính những sự giúp đỡ ấy là “liều thuốc” để họ vơi bớt những lo toan và nỗi đau bệnh tật.
CHÂU NỮ