Tăng chức năng cho Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh: Áp lực sẽ không nhỏ
Với việc được giao thêm chức năng tiếp nhận, giáo dục và cai nghiện cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh (xã Sông Trà, Hiệp Đức) sẽ áp lực không nhỏ một khi cả 4 nhóm đối tượng gia tăng tại trung tâm.
Nhóm cơ sở xã hội đang được cai nghiện ở Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh hơn nửa tháng nay. Ảnh: D.L |
Gia tăng đối tượng
Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh từ sau vụ bạo động năm 2012, an ninh trật tự được thắt chặt hơn. Chúng tôi đến khu giữ người đang cai nghiện mới vào trung tâm theo nhóm “người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định” trên địa bàn tỉnh. Đây là những đối tượng trong thời gian lập hồ sơ để Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc (gọi là nhóm cơ sở xã hội). Ông Lương Văn Cường - Trưởng phòng Bảo vệ của trung tâm cho hay: “Lúc mới bị đưa vào trung tâm, các em rất bất bình, phản kháng và không chịu hợp tác trong cai nghiện. Nhất là những lúc lên cơn nghiện, các em trở nên hung hãn, sẵn sàng làm bất cứ việc gì dại dột, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân để được đưa ra ngoài. Nhưng rồi các em được cắt cơn đúng cách, được giữ tránh xa ma túy nên dần dần nguôi ngoai”.
Nỗi niềm trăn trở của ông Lương Văn Cường cũng như cán bộ Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh là thuốc chống phơi nhiễm HIV cho cán bộ quản lý trực tiếp đối tượng chưa được cấp. Bởi khi đối tượng nghiện mới được đưa vào trung tâm, nếu xảy ra gây gổ đánh nhau hay cố tình tự tử thì sẽ có vết thương hở, cán bộ can ngăn chắc chắn sẽ bị dính máu của đối tượng. Mà lúc đó chưa biết các đối tượng đó có bị nhiễm HIV hay không nên không thể không lo lắng. |
Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc phụ trách trung tâm cho biết, đơn vị đang điều trị cho 23 người nghiện ma túy (22 người của Tam Kỳ và 1 của Duy Xuyên) được tiếp nhận từ ngày 16.5.2016. Chỉ mới hơn nửa tháng, nhưng cách quản lý, giáo dục của trung tâm đã khiến họ thay đổi hoàn toàn, thay đổi đến nỗi gia đình không nhận ra con em của mình, đến thăm mà rơi nước mắt mừng rỡ. Những thanh niên từng nghiện ngập, thể xác vật vờ, giờ đây trắng trẻo hơn, tăng ít nhất 2kg trở lên. Bảo vệ mở cửa, chúng tôi vào phòng thì nhận được những lời chào, ánh mắt nhìn và những nụ cười khá thân thiện lúc các em không lên cơn. Trên các tầng giường, mùng mền được xếp gọn gàng, mọi thứ đều ngăn nắp, sạch sẽ.
Những ngày gần đây, theo lời ông Trung, các địa phương liên tục điện thoại cho ông để hỏi về việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú trên địa bàn vào trung tâm. Sắp tới, chắc chắn đối tượng tại trung tâm sẽ tăng cao, thay cho khoảng thời gian từ tháng 10.2015 đến đầu tháng 5.2016 không có đối tượng nào. Sở dĩ như vậy vì từ nửa cuối năm 2013, do vướng quy định bắt buộc phải có quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc mới đưa được người đi cai nghiện. Nhưng hầu hết đối tượng nghiện không ở trên địa bàn cư trú mà đi nơi khác nên không thể đưa họ đi cai nghiện. Vì vậy từ đó đến tháng 10.2015, người ở trung tâm cai nghiện thành công đi ra thì có, nhưng đưa vào không có, nên không còn đối tượng nào ở trung tâm. Bây giờ, quyết định của UBND tỉnh cho phép mở nút thắt này, nên các địa phương sẽ dễ dàng hơn trong việc đưa người nghiện của địa phương đi cai nghiện bắt buộc.
Áp lực lớn
Khi đối tượng các nhóm gia tăng (gồm cai nghiện bắt buộc, đối tượng tự nguyện, nhóm cơ sở xã hội, đối tượng sau cai), buộc trung tâm phải mở rộng nếu không sẽ không đủ chỗ giữ đối tượng. Hiện tại, khu dành cho nhóm cơ sở xã hội chưa hình thành, nên khu giữ đối tượng cai nghiện bắt buộc được trưng dụng để cho nhóm cơ sở xã hội ở. Ông Trung cho biết, nhóm cơ sở xã hội sẽ được tách riêng thành một khu ở ngoài khuôn viên của trung tâm. Còn khu nhà cũ của trung tâm ở phía trước sẽ được cải tạo, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu ăn ở, cắt cơn, sinh hoạt của nhóm cơ sở xã hội trong thời gian chờ có quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, rồi sẽ đưa vào khu cai nghiện bắt buộc. Đối với nhóm này, ngoài xã hội bức xúc thực sự có, nên chắc chắn các địa phương sẽ đưa nhóm này vào trung tâm nhiều. Khi nhóm này gia tăng số lượng trong thời gian ngắn, việc bố trí ăn ở, điều kiện cắt cơn cho họ sẽ gặp khó khăn do thiếu cơ sở vật chất. Đó là chưa nói khi nhóm 23 người ban đầu vào trung tâm, dự kiến khoảng nửa đầu tháng 6.2016 tòa án sẽ có quyết định chính thức, như vậy họ sẽ được đưa vào khu cai nghiện bắt buộc. Lúc đó, nhóm cơ sở xã hội khi đưa lên trung tâm sẽ không thể ở khu bắt buộc được trưng dụng như trước nữa, mà phải đưa họ qua một khu khác, có thể là khu tự nguyện. Tuy nhiên, nếu có đối tượng tự nguyện đến, thì khu này nhóm cơ sở xã hội cũng không thể ở được. Lúc này, khu nhà ở, cắt cơn cho nhóm cơ sở xã hội sẽ trở nên bức bách vô cùng.
Theo ông Trung, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xã hội, trung tâm ngoài việc thực hiện cai nghiện cho đối tượng bắt buộc, đối tượng tự nguyện, còn phải tổ chức đào tạo nghề, quản lý đối tượng sau cai cho đến khi đối tượng thực sự có thể hòa nhập với cộng đồng, sau đó sẽ đưa về lại địa phương, gia đình để tái hòa nhập. Vì thế mà tại trung tâm sẽ thiếu khu dạy nghề cho các đối tượng sau cai. Thêm nữa, nếu trong nhóm các đối tượng đến cai nghiện, sau khi khám phát hiện có đối tượng nhiễm HIV thì phải tách riêng để quản lý, hoặc đối tượng là nữ giới cũng phải được ở khu vực riêng, nên áp lực về chỗ ăn ở cho đối tượng sẽ rất lớn.
Về mặt con người, hiện tại chưa có bức xúc, nhưng khi quy mô đối tượng tăng lên theo quy định là trung tâm quản lý 150 đối tượng bắt buộc, 100 người nhóm cơ sở xã hội, chưa kể nhóm tự nguyện và sau cai thì cán bộ quản lý thiếu là điều chắc chắn. Ông Cường cho biết, trước kia khi đối tượng đông, quản lý rất vất vả, và sắp tới khi mở được nút thắt cho các địa phương, đối tượng sẽ tăng trở lại. Do đặc thù công việc, các bộ phận y tế, bảo vệ, lao động sản xuất phải thường trực 24 giờ. Hiện tại bộ phận bảo vệ do ông Cường quản lý có 12 người, chia làm 2 ca. Khi đối tượng tăng lên, lực lượng này phải rải ra khắp cả 4 khu bắt buộc, tự nguyện, cơ sở xã hội, sau cai, khu nữ, khu bệnh HIV. Đó là chưa kể khi đối tượng có vấn đề về sức khỏe, cán bộ phải đi theo suốt đối tượng đó để quản lý. Chẳng hạn như một đối tượng nhập viện thì phải mất một cán bộ túc trực tại bệnh viện. Hoặc ở khu nữ hay khu HIV, dù chỉ có một đối tượng cũng phải mất một cán bộ bảo vệ quản lý riêng.
DIỄM LỆ