Tam Hải - Nỗi lo về rác
Xã Tam Hải (Núi Thành) được biết đến như là hòn đảo có nhiều cảnh đẹp và tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên điều gây nhiều lúng túng cho người dân và chính quyền địa phương hàng bao năm qua chính là giải quyết bài toán về rác thải.
Nhiều nhất phải kể đến bến sông trước chợ Tam Hải (thôn 2) khi rác được người dân và các tiểu thương buôn bán nơi đây đổ tràn xuống sông, lâu ngày dồn thành đống ngập ngụa kéo dài hàng chục mét trông rất phản cảm. Không chỉ khu vực chợ, dọc tuyến đường ven sông rác cũng được vứt tràn lan, chủ yếu là bao ni lông và rác thải vô cơ khác. Theo lời những người dân nơi đây, dù biết việc xả rác ra môi trường gây ô nhiễm nhưng họ không còn cách nào vì trên đảo không có người thu gom cũng như nơi tiêu hủy nên có muốn dồn rác lại một chỗ thì cũng không biết xử lý ra sao. “Xả xuống sông để đến khi nước lớn rác sẽ tự trôi ra biển”, một người dân cho biết. Chính vì suy nghĩ này nên mỗi ngày đã có hàng chục ký rác thải từ chợ được người dân vô tư vứt xuống sông. Dòng sông Trường Giang đoạn chảy qua xã vốn đã ô nhiễm vì chất thải từ bến tàu và chợ Tam Quang phía bờ đối diện thải ra nay càng thêm ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Kết cục điểm đến cuối cùng của số rác này hoặc trôi lềnh bềnh trên sông, ra biển hoặc tấp vào các bãi bờ quanh làng mà hậu quả rõ nhất là bờ biển bãi Nồm (thôn 2) và Bàn Than, Hòn Dứa rác vứt tràn ra khắp nơi.
Trong chuyến khảo sát du lịch Tam Hải với sự tham gia của một số doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh do Công ty CP Du lịch Việt Đà (Đà Nẵng) vừa tổ chức mới đây, bên cạnh ấn tượng về cảnh đẹp thiên nhiên Tam Hải thì hầu hết ý kiến đều bày tỏ tiếc nuối và lo ngại trước tình trạng ô nhiễm rác trên đảo, đồng thời khẳng định đây sẽ là hạn chế lớn nhất của địa phương nếu muốn phát triển du lịch. Ông Đinh Văn Lộc – Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà cho rằng, điều quan tâm đầu tiên của bất kỳ du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đến một nơi nào đó chính là vệ sinh môi trường. Với Tam Hải việc xả rác thải ra môi trường không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn tạo ra hình ảnh thiếu thiện cảm cho khách. Do vậy, ngoài tìm giải pháp khắc phục thì việc nâng cao nhận thức cộng đồng về giữ gìn vệ sinh là rất quan trọng và bền vững nhất.
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Hữu – Chủ tịch UBND xã Tam Hải, vấn đề xử lý rác thải hiện là bài toán khó của xã, dù hàng bao năm nay địa phương rất quan tâm cố gắng nhưng vẫn còn lúng túng. “Cuối năm 2014 dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải của công ty môi trường đô thị đã được tỉnh phê duyệt xây dựng tại thôn 4 của xã, dự kiến kinh phí 4,5 tỷ đồng, công suất 600 ký/giờ nhưng hiện vẫn chưa thể triển khai được do người dân không đồng ý vì sợ ảnh hưởng ô nhiễm” - ông Hữu nói. Chưa kể theo quy định, nhà máy xử lý rác thải phải nằm cách khu dân cư tối thiểu 500m (đồng nghĩa đường kính 2 bên là 1km) trong khi diện tích đất của Tam Hải rất nhỏ hẹp, dân cư đông (khoảng 600 hecta, hơn 8 nghìn dân). Một giải pháp khác là vận chuyển rác vào đất liền tiêu hủy cũng khó khả thi do hạn chế về phương tiện vận chuyển vì phà chở khách không thể chở chung với xe rác được. Để tìm giải pháp khả thi thời gian qua xã cũng đã làm việc với Công ty Môi trường đô thị nhằm di dời địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải ra gần biển nhưng công ty không chịu do dự án đã được phê duyệt.
Cũng theo ông Hữu, sắp tới địa phương sẽ đề xuất công ty tạm thời hỗ trợ vận chuyển rác vào đất liền xử lý để hạn chế bớt ô nhiễm. Trong khi chờ giải pháp từ các cấp ngành liên quan, người dân xã đảo Tam Hải đành tự xử lý rác thải sinh hoạt theo những cách của riêng mình từ dồn đốt, đào hố chôn hoặc đơn giản hơn là vứt xuống sông, vứt ra bãi... và hậu quả là rác trên đảo ngày càng nhiều, đồng nghĩa môi trường sống ngày càng ô nhiễm. Nói như lời một người dân nơi đây: “Chúng tôi cũng đâu muốn vứt rác ra sông nhưng nếu không làm vậy thì biết để rác ở đâu vì ở đảo không có ai thu gom tập trung hay xử lý gì cả”.
VĨNH LỘC