Giúp dân vùng biên

LÊ THỊ ĐIỂM 25/05/2016 08:26

Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2, được trường giữ lại làm giảng viên, tương lai rộng mở, nhưng Trung úy Nguyễn Thanh Phi xin được về công tác tại xã Đắc Pring, huyện Nam Giang. Trong thời gian công tác ở đây, anh và đồng đội đã sát cánh cùng đồng bào, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, góp phần giúp người dân cải thiện đời sống vật chất, tinh thần.

Làng Pê Ta Poóc (xã Đắc Pring) nằm sát biên giới Việt - Lào. Nơi đây các hộ dân bản sinh sống trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn. Từ năm 2010 trở về trước, khu vực này hầu như biệt lập với bên ngoài, cán bộ Đồn Biên phòng Đắc Pring phải băng rừng lội suối hơn 20km mới đến được Pê Ta Poóc. Kinh tế kém phát triển, tự cung tự cấp, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, vì thế các hộ dân nhiều lần có ý định di cư sang tỉnh Kon Tum sinh sống. Trước tình hình đó, xác định đây là địa bàn chiến lược, cần vận động nhân dân bám trụ để góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Đắc Pring tập trung giúp đỡ đồng bào từng bước khắc phục khó khăn, đảm bảo lương thực tại chỗ cho các hộ dân.

Năm 2012, Nguyễn Thanh Phi nhận nhiệm vụ tại Đồn Biên phòng Đắc Pring, anh bắt tay ngay vào việc hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống. Phi cùng cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã mang theo lương thực, thực phẩm lên Pê Ta Poóc quan sát địa hình, đề xuất phương án trồng lúa nước. Được cấp trên đồng ý, các anh bắt tay dựng lều đóng lán, chọn vị trí phát hoang, san lấp mặt bằng, be bờ tạo ruộng, tìm kiếm nguồn nước, giống lúa để trồng thử nghiệm. Những năm đầu dù rất cố gắng nhưng năng suất lúa không được như mong muốn. Địa hình, thời tiết khí hậu, nguồn nước… để đảm bảo cho việc trồng lúa rất khó khăn. Không nản chí, Phi vận động các chiến sĩ đơn vị, nhất là đoàn viên thanh niên của Đồn Biên phòng Đắc Pring ra sức cải thiện điều kiện sản xuất, tìm nhiều cách để đưa nước về ruộng, chọn giống phù hợp để gieo trồng… Muốn có nguồn nước, các anh đã phải đắp đập ngăn dòng một con suối, mua ống dẫn nước về ruộng. Bằng cả tấm lòng yêu thương dân làng, ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao, Phi cùng đồng đội đã lăn lộn cùng bà con, thường xuyên bám ruộng, bám bản sử dụng các kỹ năng, kiến thức tự học hỏi được áp dụng vào thực tế. Cuối cùng thì công sức của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring và đồng bào cũng được đền đáp xứng đáng. Đến vụ mùa năm thứ ba, năng suất lúa đã đạt được 2,5 tấn/ha, góp phần quan trọng đảm bảo lương thực tại chỗ cho nhân dân. Hiện nay diện tích trồng lúa đã phát triển trên 3ha, với năng suất bình quân 3,5 tấn/ha/vụ.

Ngoài giúp bà con trồng lúa nước, Trung úy Nguyễn Thanh Phi cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị còn giúp người dân vùng biên Đắc Pring xây dựng đời sống văn hóa, tổ chức nhiều lớp học xóa mù chữ, góp công sức xây dựng  đường giao thông, “Mái ấm biên cương”… Với những đóng góp bền bỉ, Trung úy Nguyễn Thanh Phi được các cấp tuyên dương, khen thưởng. Năm 2015, Phi được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lý Tự Trọng về thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên; vào ngày 25.3.2016, anh là một trong 10 chiến sĩ được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chọn tuyên dương, khen thưởng “Gương mặt trẻ tiêu biểu” toàn quốc năm 2015. Tháng 12.2015, Phi được điều chuyển công tác về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện là Đội phó Đội vũ trang, Bí thư chi đoàn Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam.

LÊ THỊ ĐIỂM

LÊ THỊ ĐIỂM