Chuẩn bị chu đáo cho bầu cử
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện, huyện Phú Ninh đang đón đợi ngày hội để toàn thể cử tri trên địa bàn huyện được thực hiện quyền lợi của mình - tự tay bỏ lá phiếu lựa chọn những người có đủ đức, đủ tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
|
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Nguyễn Phi Thạnh, Chủ tịch UBND huyện kiêm Chủ tịch Ủy ban Bầu cử (UBBC) huyện Phú Ninh cho biết: “Một trong những nhiệm vụ được huyện chú trọng triển khai trong thời gian qua là công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức, tập trung vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND, cùng các văn bản chỉ đạo của các cấp về bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021”. Theo đó, từ đầu tháng 3, Tiểu ban tuyên truyền đã tổ chức các buổi tuyên truyền tại các thôn, khối phố về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử để người dân nắm rõ. Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện cũng đã xây dựng chuyên mục hướng tới bầu cử, tăng thời lượng phát sóng các tin bài phản ánh về công tác bầu cử, hỏi đáp về Luật Bầu cử, danh sách, tiểu sử tóm tắt các ứng cử viên ĐBQH và HĐND các cấp; đẩy mạnh việc đăng tải các văn bản liên quan đến công tác bầu cử trên cổng thông tin điện tử. Ngoài ra, công tác tuyên truyền trực quan về bầu cử trên các tuyến đường được triển khai khá đồng bộ.
Phú Ninh chú ý tuyên truyền trực quan sinh động. |
Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Phú Ninh - ông Nguyễn Văn Hùng cho biết, đơn vị đã bố trí 5 cụm pano lớn ở các địa điểm như khu trung tâm hành chính huyện, các cụm công nghiệp; riêng các trục đường lớn được treo dán hơn 100 băng rôn, áp phích, khẩu hiệu. Đồng thời đơn vị cũng bố trí xe tuyên truyền lưu động đến tận khu dân cư, phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình văn nghệ với chủ đề “Ngày hội non sông” để tuyên truyền tạo không khí phấn khởi trước ngày bầu cử. Vinh dự nhiều lần được cầm lá phiếu để bầu chọn người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, cử tri Võ Khắc Thiệu (thôn Trà Sung, xã Tam Lãnh) bày tỏ: “Khác với những lần bầu cử trước, tôi thấy việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử lần này được huyện chuẩn bị rất chu đáo về mọi mặt. Đặc biệt là công tác tuyên truyền đã giúp người dân chúng tôi hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm tham gia bầu cử để lựa chọn những người đủ đức, đủ tài đại diện cho mình tại các cơ quan dân cử”.
Sẵn sàng cho ngày hội lớn
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, huyện Phú Ninh có 62.315 cử tri ở 11 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 85 đơn vị bầu cử HĐND cấp xã với 85 khu vực bỏ phiếu. |
Công tác giới thiệu người ứng cử, hội nghị hiệp thương, hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, quần chúng nhân dân đối với người ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp đã được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ thời gian, đúng quy trình và Luật Bầu cử. Sau 3 lần hiệp thương, toàn huyện đã giới thiệu 49 người ứng cử để bầu 30 đại biểu HĐND huyện khóa XI và 482 người ứng cử để bầu 289 đại biểu HĐND các xã, thị trấn. Chất lượng các ứng cử viên được nâng lên, đảm bảo về tỷ lệ số đại biểu trẻ, đại biểu nữ, đại biểu ngoài Đảng, đại biểu tái cử, đảm bảo số dư theo quy định. Ông Nguyễn Văn Dõng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch UBBC huyện Phú Ninh cho biết: “Qua lấy ý kiến của cử tri đối với tất cả ứng cử viên, nhìn chung nhân dân đồng tình và tin tưởng, mong muốn các ứng cử viên sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến thẳng thắn tham gia với các ứng cử viên làm nổi bật tinh thần dân chủ, khách quan trong việc giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND các cấp của huyện”. Từ ngày 2.5, UBBC huyện chỉ đạo các đơn vị bầu cử tiến hành niêm yết danh sách người ứng cử đại biểu HĐND huyện và đại biểu HĐND xã tại các khu vực bỏ phiếu.
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng tổ chức cho người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tiếp xúc cử tri, thực hiện vận động bầu cử; báo cáo với cử tri chương trình hành động, nếu trúng cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Đồng thời, UBBC huyện cũng chỉ đạo ban bầu cử các xã, thị trấn hoàn tất việc cấp thẻ cử tri; rà soát việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong ngày bầu cử... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cử tri tham gia bầu cử; tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trước, trong và sau ngày bầu cử. UBBC huyện cũng đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho các thành viên UBBC huyện, xã, thị trấn và cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác bầu cử; cán bộ, công chức, viên chức được trưng tập làm công tác bầu cử về trình tự các công việc thực hiện trước, trong và sau ngày bầu cử; kỹ năng nghiệp vụ kiểm phiếu, ghi nhận kết quả bầu cử và báo cáo kết quả bầu cử... Các công tác khác như chuẩn bị hòm phiếu, vật tư văn phòng phẩm, khánh tiết tại các tổ bầu cử; đảm bảo an ninh trật tự phục vụ cho cuộc bầu cử; chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy ở các khu vực bỏ phiếu; thực hiện tốt công tác tiếp dân; tập trung giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên các lĩnh vực; kinh phí phục vụ cho bầu cử cũng đã được UBND huyện cấp về các địa phương.
THỤC ANH – VĂN CÔNG
Nguyện vọng của cử tri
Có thể nói, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân của huyện Phú Ninh. Cử tri đánh giá cao các chương trình hành động của các ứng cử viên, đồng thời mong muốn các vị trúng cử đại biểu cần thực hiện tốt chương trình hành động và lời hứa của mình.
• Cử tri Đặng Văn Sen (xã Tam An): Theo tôi, người ĐBQH và người đại biểu HĐND phải có năng lực thực tiễn, có chuyên môn cụ thể để đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, trao đổi với cấp có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề cụ thể thiết thực mà người dân kiến nghị. Đối với huyện Phú Ninh các đại biểu cần đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tìm đầu ra cho nông sản; xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương; thực hiện chương trình thủy lợi hóa đất màu; định hướng sản xuất sau dồn điền đổi thửa…
Cử tri tìm hiểu, nghiên cứu trước khi lựa chọn người đại diện cho tiếng nói của mình. |
• Cử tri Nguyễn Thị Liễu (xã Tam Dân): Tôi mong muốn các ĐBQH, đại biểu HĐND nhiệm kỳ tới là những người có năng lực, có bản lĩnh thật vững vàng để khi tham gia chất vấn, giám sát có kết quả hơn. Đồng thời quan tâm hơn nữa đời sống nhân dân, các vấn đề an sinh xã hội. Đặc biệt là các chế độ chính sách cho người tham gia cách mạng, chế độ cho người bị nhiễm chất độ da cam/đioxin, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, quan tâm hơn nữa đến công tác giảm nghèo… để người dân chúng tôi có cuộc sống tốt hơn.
• Cử tri Nguyễn Thanh Sáu (xã Tam Dân): Tôi mong muốn các ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp khi được bầu chọn phải nói lên được những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đem hết khả năng và tâm huyết để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Với cương vị là người đại diện của nhân dân, chúng tôi mong muốn mỗi đại biểu phải thể hiện được trách nhiệm của mình, quan tâm giải quyết những vấn đề môi trường nông thôn; quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý rừng; vệ sinh an toàn thực phẩm; tích cực phòng chống tham nhũng…
• Cử tri Huỳnh Văn Anh (xã Tam Lãnh): Tôi hy vọng, sau khi trúng cử, các đại biểu sẽ đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tạo điều kiện cho thanh niên lập thân, lập nghiệp, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, sau khi trúng cử, các đại biểu phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, thường xuyên tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh với Quốc hội, với các cơ quan nhà nước.
V.H.SA (ghi)