"Ứng xử" với môi trường biển

15/05/2016 06:25

Những thông tin về cá chết, môi trường biển ô nhiễm nghiêm trọng tiếp tục thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước. Ở Quảng Nam, các cơ quan quản lý đang tiến hành nhiều biện pháp khảo sát, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm các hoạt động có nguy cơ gây ảnh hưởng, nguy hại đến môi trường (từ xả thải nhà máy công nghiệp, hoạt động chế biến, nuôi trồng thủy sản…), ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, nhất là vùng ven biển.

Quan điểm của chính quyền Quảng Nam là sẵn sàng từ chối, loại bỏ những dự án đầu tư làm tổn hại đến môi trường. Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án tác động lên đời sống của người dân mới chính là thước đo, tiêu chí để phê duyệt hay bác bỏ một dự án đầu tư. Đó là cách Quảng Nam “ứng xử” với môi trường biển.

CẢNH GIÁC CÁC NGUY CƠ Ô NHIỄM

Chưa có dự án công nghiệp nào xả thải trực tiếp ra biển, nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường biển Quảng Nam là điều có thể xảy ra nếu không có những giải pháp bảo vệ môi trường từ đất liền, khi không ít nhà máy ở các khu, cụm công nghiệp, nạn khai thác vàng sử dụng hóa chất độc hại đổ thẳng ra sông, suối…

Nuôi tôm lót bạt trên cát đã đổ nước thải trực tiếp ra biển. Trong ảnh: Xử lý ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại sông Trường Giang đoạn qua thôn Hà Quang, xã Tam Tiến (Núi Thành). Ảnh: HỮU PHÚC
Nuôi tôm lót bạt trên cát đã đổ nước thải trực tiếp ra biển. Trong ảnh: Xử lý ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại sông Trường Giang đoạn qua thôn Hà Quang, xã Tam Tiến (Núi Thành). Ảnh: HỮU PHÚC

Đất làm, biển chịu

Gần như các hoạt động kinh tế trọng điểm Quảng Nam đều tập trung vùng ven biển dài 125km chạy dọc theo 6 huyện, thành phố và ngư trường rộng hơn 40 nghìn km2 với hai cửa sông Cửa Đại và An Hòa đổ ra biển. Môi trường nước biển ven bờ ô nhiễm được xác định do ô nhiễm môi trường nước mặt từ vùng bờ. Vùng biển Cửa Đại, ngoài hiện tượng nước biển dâng cao, xâm thực đất liền, còn tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm từ sông Vu Gia - Thu Bồn. Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng kim loại nặng và các hóa chất độc hại cyanua, thủy ngân “nóng” trên thượng nguồn và một lượng nước thải không nhỏ xả ra từ các nhà máy ở khu, cụm công nghiệp…, sẽ gây ô nhiễm. Thống kê của Sở TN&MT, lượng nước thải từ các KCN, CCN ước 23.600m3/ngày đêm, nhưng chỉ có KCN Điện Nam – Điện Ngọc, Bắc Chu Lai và CCN Trường Xuân có hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 7.100m3/ngày đêm. Lượng nước thải còn lại chưa qua xử lý sẽ đổ xuống sông suối, môi trường chung quanh.

Tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị phía hạ lưu Thu Bồn quá nhanh nên chất lượng nguồn nước cũng bị ảnh hưởng. Sông Vĩnh Điện có nồng độ dầu mỡ ở mức cao (thời điểm đột biến vượt gấp 71,5 lần quy định cho phép). Hàm lượng chất rắn lơ lửng và amoni cũng vượt chỉ số thông thường. Quan trắc chất lượng nước trên sông Hoài chảy qua Hội An, qua các năm cho thấy ngoài chất rắn lơ lửng còn có nhiều thông số dầu mỡ, hàm lượng sắt, amoni photphat và vi sinh coliform bị ô nhiễm từ sự phân bố dân cư đông đúc cùng hệ thống nhà hàng, khách sạn ven sông dày đặc. Hàm lượng sắt trong nước biển khu vực cảng Cửa Đại, Cửa Lở đều vượt giới hạn bình thường. Kiểm kê tải lượng thải từ đất liền ra vùng biển ven bờ Quảng Nam - Đà Nẵng của Tổng cục Biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên- môi trường) cho thấy, tổng lượng ô nhiễm hàng năm khoảng 92,6 nghìn tấn COD, 22,4 nghìn tấn BOD, hơn 428 nghìn tấn tổng chất rắn lơ lửng, gần 83 tấn hóa chất bảo vệ thực vật và khoảng 430 tấn kim loại nặng các loại. Kết quả kiểm kê xác nhận, vùng ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi tiếp nhận nhiều chất gây ô nhiễm từ nguồn đất liền.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường biển

Nuôi trồng thủy sản dọc sông Trường Giang, đặc biệt phong trào nuôi tôm trên cát ven biển qua các huyện Núi Thành, Thăng Bình đã tàn phá môi trường nước biển. Theo ước tính của ngành nông nghiệp, bình quân mỗi héc ta nuôi tôm thải ra môi trường hơn 3.000m3 nước thải/năm (tương đương tổng lượng thải toàn tỉnh mỗi năm là 6 triệu mét khối). Nuôi tôm lót bạt thời gian qua hầu như xả thẳng ra biển. Hơn 2 năm trước, UBND tỉnh đã quy hoạch tạm vùng nuôi tôm trên đất cát ven biển, quy định người nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng quy hoạch phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, xây bể lắng xử lý nguồn nước, tổ chức thu gom chất thải rắn, chất thải nguy hại… Nhưng thực tế ít có trường hợp nào đáp ứng các quy định về đảm bảo môi trường. Một dự án xây bể nước mặn rộng 5ha phục vụ vùng nuôi tôm theo hướng công nghiệp tại xã Tam Tiến (Núi Thành) lại bị trắc trở do người dân địa phương phản đối, lo sợ sẽ gây ô nhiễm nguồn nước ngọt tại chỗ. Tại xã Tam Tiến, vào thời điểm người nuôi tôm xả nước thải ra biển, nguồn nước bốc mùi hôi, dân và du khách không dám tắm biển. Nước biển ven bờ một số địa phương phía nam Quảng Nam đang “đổi màu” theo hướng xấu từ hệ lụy nuôi tôm ở sông Trường Giang.

Theo thống kê của Tổ chức Môi trường thế giới, các nguồn ô nhiễm biển đến từ đất liền chiếm tỷ lệ khoảng 50%, rò rỉ tự nhiên khoảng 11%, phóng xạ hạt nhân 13%, hoạt động của tàu thuyền 18% và tai nạn tàu bè trên biển 6%. Ước tính mỗi năm có khoảng 2,4 triệu tấn dầu thô đổ ra biển. Cuối tháng 4, Bộ TN&MT đã lấy mẫu nước quan trắc tại vùng biển Cửa Đại (Hội An) và Thăng Bình và sẽ công bố kết quả trong một ngày gần nhất.

Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có đánh giá đầy đủ về tác động môi trường của hoạt động nuôi trồng thủy sản đến môi trường chung quanh (nhất là sông Trường Giang) ảnh hưởng đến nguồn nước biển ở mức độ nào. PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển cho rằng, không khó để xác định nguồn nhiễm độc cho vùng biển. Từ hiện tượng cá chết hàng loạt trên quy mô rộng ở vùng biển ven bờ một số tỉnh Bắc Trung Bộ đã thấy rõ liên quan đến nguồn gây ô nhiễm từ đất liền, trên biển, từ trên trời rơi xuống và từ lòng đất đưa lên. Chẳng hạn có thể liên quan đến việc xả thải trực tiếp ra biển từ các hoạt động phát triển trên đất liền; sự cố tràn dầu và tràn hóa chất, sự cố hoặc thải có chủ ý đổ thải xuống biển từ hoạt động dầu khí...

Ở các bãi tắm Cửa Đại, Bình Minh, Tam Thanh và bãi Rạng, các chỉ số quan trắc đều đảm bảo môi trường, ngoại trừ ô nhiễm dầu mỡ, hàm lượng sắt vượt giới hạn cho phép. Bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT dự báo, nước biển ven bờ sẽ chịu sự tác động nặng nề hơn trong tương lai do thu hút đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các dự án du lịch ven biển. Sự gia tăng nguồn thải từ các hoạt động kinh tế trong đất liền theo nước mặt lục địa đổ ra biển hằng năm cũng làm ảnh hưởng chất lượng nước biển ven bờ. Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Đà Nẵng và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) cũng gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ môi trường biển Quảng Nam. Quan trắc một số khu vực vùng biển gần đây của ngành chức năng cho thấy, hàm lượng sắt và dầu mỡ khoáng tại cảng Kỳ Hà (Núi Thành) có thời điểm vượt giới hạn cho phép. Các dự án động lực vùng đông đang triển khai chắc chắn sẽ khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm ven biển nên dự báo gặp nhiều khó khăn trong bảo vệ môi trường biển. Hiện vùng biển ở Hội An, Duy Xuyên, Núi Thành... thông qua các nguồn lực đầu tư, chính quyền đã nỗ lực bảo vệ bền vững môi trường biển như phủ xanh rừng phòng hộ ven biển và sông, huy động các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội vào cuộc, doanh nghiệp làm kinh tế từ môi trường. Sở TN&MT đang tích cực đánh giá các tác nhân, yếu tố gây ô nhiễm vùng bờ và đề xuất các giải pháp. (TRẦN HỮU)

SINH KẾ GẮN VỚI BẢO VỆ TÀI NGUYÊN BIỂN

Tài nguyên, môi trường biển được bảo vệ nghiêm ngặt đã tạo điều kiện tốt cho người dân phát triển kinh tế, ổn định thu nhập.

Ngư dân xã Tam Tiến (Núi Thành) trở về sau chuyến biển. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Ngư dân xã Tam Tiến (Núi Thành) trở về sau chuyến biển. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Bảo vệ môi trường biển

Vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) là một trong những điểm sáng môi trường biển an toàn tại Quảng Nam. Kể từ khi vùng biển này trở thành khu bảo tồn biển, khu dự trữ sinh quyển thế giới; chính quyền, các cơ quan bảo tồn, cộng đồng cư dân địa phương đã cộng lực giữ gìn môi trường biển trong sạch. Tàu thuyền “ngăn nắp” neo đậu trên mặt nước trong veo, sóng vỗ dập dờn vào bãi đá, cát sạch tại bãi biển bãi Hương, bãi Làng. Dân Tân Hiệp tỏa ra khắp các đảo nhỏ tìm sinh kế. Không chỉ làm sạch biển, mỗi khi phát hiện các nguy cơ tác động xấu đến môi trường biển, họ đã tìm cách khống chế, ngăn ngừa áp lực tác động. Nếu vượt quá khả năng, “sự cố” sẽ được cấp báo các cơ quan quản lý (UBND xã, ban quản lý khu bảo tồn biển, lực lượng biên phòng) có cách xử lý thích hợp. Nỗ lực ấy đã ngăn chặn, xử lý triệt để nạn lén lút khai thác hải sản trái phép.

Một trong những “sáng kiến” đáng được ghi nhận từ Tiểu khu đồng bảo tồn biển thôn Bãi Hương được thành lập vào năm 2013. Người dân đã trực tiếp quản lý tất cả hoạt động liên quan đến bảo tồn biển khu vực này. Ba năm qua, việc điều phối, giám sát, hướng dẫn người dân tham gia sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường biển của các tổ tuần tra, tổ tự quản, tổ truyền thông thuộc Ban Quản lý cộng đồng thôn Bãi Hương được triển khai hiệu quả. Các cơ chế, chính sách, tiến bộ trong bảo tồn biển từ các cơ quan quản lý, nghiên cứu… luôn được lực lượng này cập nhật và ứng dụng kịp thời, nâng cao bảo vệ môi trường, tài nguyên biển đảo. Bãi biển Tam Thanh (Tam Kỳ) sạch đã trở thành “tâm điểm” du lịch biển phía nam Quảng Nam. Bốn đến 5 giờ sáng, đều đặn mỗi ngày, 4 công nhân bảo vệ môi trường biển Tam Thanh tiến hành quét dọn, nhặt các túi ni lông, rác thải… tập kết gọn gàng vào các thùng chứa rác được bố trí cách nhau chừng 15m, dọc theo bờ biển. Khi công nhân môi trường kết thúc công việc, những thành viên đội cứu hộ, cứu nạn bắt đầu ra biển. Ngoài nhiệm vụ ứng cứu những người tắm biển không may, các thành viên này còn quan sát, phát loa yêu cầu, hướng dẫn người tắm biển thu dọn rác, bỏ vào thùng rác đặt sẵn… thay vì tùy tiện xả xác trên bãi biển.

Sinh kế ổn định

Người Tân Hiệp cho rằng, bảo vệ môi trường biển để bảo vệ đa dạng sinh học xã đảo và mời gọi du khách. Đó cũng chính là sự vận dụng có trách nhiệm việc bảo vệ tài nguyên biển đảo để “bảo vệ” sinh kế bền vững cho chính người dân địa phương. Ý tưởng và trách nhiệm này đã đem lại đời sống no đủ cho người dân địa phương. Có thể nói, các dịch vụ du lịch được dân xã đảo vận hành thuần thục, đem lại nhiều trải nghiệm mới mẻ, quyến rũ du khách. Nhiều du khách, dù Việt hay ngoại quốc đều tỏ sự thích thú với cách tiếp đón nhiệt thành, lịch thiệp của người dân xã đảo. Dịch vụ homestay được người dân Tân Hiệp xây dựng trong nhiều năm qua ngày càng phát huy các giá trị du lịch sinh thái. Du khách đến đây, ở lại như một thành viên trong gia đình. Họ được “mặc sức” đi dạo, lặn biển, khám phá chùa chiền, thắng cảnh. Nhiều du khách tỏ ra phấn khích khi được hỏi có muốn đi lặn biển, diệt sao gai bảo vệ môi trường bản địa.

Sinh kế ổn định từ bảo vệ môi trường và tài nguyên biển của người dân Tam Thanh cũng không mới lạ nhưng đáng nghĩ trong bối cảnh các giá trị từ biển bị xâm hại nặng nề. Theo UBND xã Tam Thanh, đến thời điểm này, 150 phương tiện khai thác hải sản ven bờ và 65 tàu đánh bắt hải sản tuyến lộng đều hoạt động đúng ngư trường phân vùng, đúng mắt lưới quy định. Các nghề dễ tận diệt nguồn lợi thủy sản như giã cào, bẫy ghẹ bằng lồng hầu như đã bị “đoạn tuyệt”. Thay vào đó, họ tham khảo, du nhập nghề mới như lưới cá trích, câu cá hố, lưới ghẹ, lưới cá chuồn. Tập quán đánh bắt hải sản ở các rạn san hô - nơi trú ngụ của nhiều loài cá cũng dần thay đổi, tránh tàn phá đa dạng sinh học. Chưa hết, khi ra khơi, phát hiện các tàu giã cào hoạt động ở tuyến bờ hay dùng mìn, thuốc nổ để khai thác hải sản, ngư dân liền gọi điện, thông qua Icom, bộ đàm, báo về lực lượng biên phòng để tổ chức vây bắt. “Tuyên truyền 1 lần người dân còn chống chế thì phải kiên trì đến lần thứ 2, thứ 3. Cứ nỗ lực vận động, thuyết phục dần thì người dân sẽ thay đổi cách tiếp cận khai thác nguồn lợi. Dần dà, ngư dân thấm thía rằng, bảo vệ nguồn lợi cũng chính là bảo vệ sinh kế của chính họ sống bằng nghề khai thác hải sản. Điều đó biểu hiện rõ rệt ở hiệu quả trong đánh bắt hải sản, ngư dân thường bội thu trong thời gian gần đây”, ông Lê Ngọc Ty - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh nói. (VIỆT QUANG)

“TĂNG CƯỜNG HẬU KIỂM ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG”

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định, chính quyền, cơ quan quản lý sẽ tăng cường giám sát, hậu kiểm, buộc doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, đúng theo các báo cáo đánh giá tác động môi trường như đã cam kết trong các dự án đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu.Ảnh: T.D
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu.Ảnh: T.D

Chọn, thu hút những dự án phù hợp

PV: Có thể đưa ra một đánh giá cụ thể về môi trường biển Quảng Nam hiện tại, thưa ông?

Ông Đinh Văn Thu: Những tác động của kinh tế, con người vào môi trường biển tại Quảng Nam không lớn. Bãi biển vẫn đẹp, môi trường ổn định. Chỉ có một số khu vực đang có hoạt động kinh tế trên 125km bờ biển Quảng Nam, chủ yếu là du lịch, dịch vụ và dân sinh, còn lại đều hoang sơ… thì không có vấn đề gì gây sự cố ô nhiễm môi trường biển. Bờ biển Quảng Nam đã được quy hoạch, phân loại. Phía sát biển từ 1 - 1,5km chỉ dành để phát triển dịch vụ, không có công nghiệp gì ở đó. Kế tiếp là đô thị, sau đó mới tới công nghiệp. Như vậy, các dự án công nghiệp chỉ được thu hút ở phía tây đường 129 và phía tây sông Trường Giang. Công nghiệp khu vực này phục vụ cho sự phát triển của các dự án đô thị, dịch vụ, du lịch nên chắc chắn phải lựa chọn những dự án công nghiệp sạch, không thể gây ra sự cố về ô nhiễm môi trường!

PV: Ông có thể nói rõ hơn về quan điểm của chính quyền trong việc quy hoạch, định hướng, kiểm soát ô nhiễm từ việc thu hút đầu tư?

Ông Đinh Văn Thu: Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án tác động lên mức sống của người dân mới chính là thước đo, tiêu chí để phê duyệt hay bác bỏ một dự án đầu tư. Mọi sự phát triển phải được bảo đảm công bằng xã hội, đem lại công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương. Ưu tiên đặt ra trong kế hoạch ngắn hay dài hạn vẫn là thu hút có chọn lựa nhà đầu tư công nghệ cao, dự án đầu tư chất lượng, có tiềm năng phát triển, bảo đảm môi trường. Điều đó cho thấy rằng, từ trước đến nay, nhận thức của chính quyền vẫn là việc xem xét các vấn đề môi trường của các dự án đầu tư. Tuy nhiên, dù đã chú ý nhưng vẫn có thể bị… lọt lưới. Chính quyền duyệt dự án nhưng doanh nghiệp lại làm không đúng, thì sao? Người lãnh đạo nào cũng sẽ nói là những dự án tổn hại tới môi trường là bác bỏ, không nhận. Những dự án phù hợp với quy hoạch, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội sẽ được tiếp nhận. Nhưng yếu tố môi trường cần phải rà soát, xem xét kỹ lưỡng, không để phá vỡ quy hoạch, gây ra ô nhiễm như vài trường hợp đã xảy ra ở Điện Bàn hay Núi Thành… Chính quyền và cơ quan quản lý sẽ lựa chọn công nghệ khi thu hút đầu tư. Sẽ hỏi thẳng các nhà đầu tư về chứng chỉ công nghệ xanh mà họ dự định triển khai dự án tại địa phương, tránh mắc phải bẫy rác công nghệ.
Tăng cường hậu kiểm

PV: Thưa ông, dường như đang có lỗ hổng đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư (không chỉ ven biển) tại Quảng Nam?

Ông Đinh Văn Thu: Chưa đến nỗi báo động về ô nhiễm môi trường từ các dự án công nghiệp tại Quảng Nam. Nhưng thực sự lỗ hổng đánh giá tác động môi trường hiện nay chính là việc hậu kiểm. Các chủ đầu tư đều cam kết thực thi việc bảo vệ môi trường, nhưng đánh giá tác động thực tế đúng hay không hiện vẫn còn khoảng trống. Chính quyền, cơ quan quản lý đã tăng cường kiểm soát, hậu kiểm, nhắc nhở, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện, nhưng nếu không sửa, khắc phục theo đúng đánh giá tác động môi trường thì sẽ kiên quyết có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, cái khó nhất là không có lực lượng nào thực hiện hậu kiểm hết. Nhà đầu tư xin dự án thì luôn nộp đủ hồ sơ, có cả đánh giá tác động môi trường. Còn giám sát, kiểm soát việc thực hiện đúng như họ cam kết hay không phải do các cơ quan quản lý, nhưng không có đủ lực lượng chức năng để kiểm tra hay giám sát việc này. Đó chính là lỗ hổng lớn nhất.

Vấn đề quan trọng là tăng cường hậu kiểm. Không thể chỉ là những cuộc hậu kiểm theo mẫu. Nhận thức của doanh nghiệp về thực thi pháp luật cũng là điều đáng nói. Khi anh báo cáo, cam kết với chính quyền, cơ quan quản lý nhưng không thực hiện, buộc phải xử lý. Tuy nhiên, có điều đáng để luận bàn. Thực tế, không phải chủ đầu tư nào cũng để dự án của mình tác động xấu đến môi trường. Doanh nghiệp nào cũng muốn làm đúng pháp luật. Nhưng làm đúng thì thua thiệt, không đủ năng lực cạnh tranh. Bởi cùng một sản phẩm, nhưng doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết đánh giá tác động môi trường sẽ làm tăng chi phí, đội giá thành, không cạnh tranh nổi với những doanh nghiệp “lờ” đi những cam kết ấy. Đó là mâu thuẫn lớn trong nội tại của nền kinh tế do “thức nhận cạnh tranh” của các doanh nghiệp. Quy luật cạnh tranh này cũng đã dắt dây cả FDI. Điều đó đã tạo nên một sự quản lý nhà nước về lãnh thổ không nghiêm về luật pháp. Đây là lỗ hổng thứ hai.

PV: “Lịch sử thu hút đầu tư” đã để lại không ít dự án ô nhiễm môi trường. Có quá khó để giải quyết những “sự cố” này, thưa ông?

Ông Đinh Văn Thu: Không ít địa phương đã chạy theo các lợi ích nhất thời, ngắn hạn nên đã để xảy ra sự cố. Quan điểm của chính quyền là tránh lặp lại những sai lầm này. Hiện phải bảo đảm đủ điều kiện cho nhà đầu tư hoạt động, ràng buộc họ thực hiện theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sẽ phân loại dự án, buộc phải xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường (nếu có) và tăng cường hậu kiểm tốt, không để xảy ra sự số về môi trường. Những đánh giá tác động môi trường của các dự án lớn kiểu như Formosa thì Quảng Nam không có. Còn dự án khí điện đạm thì trong quá trình xúc tiến kêu gọi đầu tư. Quảng Nam vẫn kiên định không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Định hướng quy hoạch, không gian bố trí thì sẽ dần loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, sắp xếp phù hợp hơn.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!TRỊNH DŨNG (thực hiện)